Những thước phim cuối cùng về cuộc đời Bác Hồ

18/05/2017 17:09

(Baonghean.vn) - Bản thân người quay phim cũng phải chờ đến 20 năm mới được xem thước phim do mình ghi lại những giây phút cuối cùng của Bác Hồ.

Đã gần 50 năm nhưng thiếu tá Nguyễn Thanh Xuân ( xóm Liên Sơn 1, xã Kim Liên, Nam Đàn) vẫn còn bồi hồi khi nhắc về những thước phim cũ. Đó là những thước phim về cuộc đời Bác Hồ mà ông thực hiện trong thời gian đang công tác ở phòng tư liệu, xưởng phim Quân đội.

Nhiệm vụ đặc biệt

Đó là công việc mà ông được giao vào những tuần cuối cùng của tháng 8 - 1969. Thời điểm đó, ông đã là quay phim của phòng tư liệu, xưởng phim Quân đội 4 năm. Lệnh được gửi xuống từ Tổng cục chính trị rất đơn giản: sắp xếp hai quay phim làm nhiệm vụ đặc biệt.

Thời điểm chiến tranh, việc điều động đột xuất không lạ. Nhưng nhiệm vụ mà ngay cả ban lãnh đạo cũng bị giấu kín thì không tránh khỏi lo lắng. Thấp thỏm mấy ngày, cuối cùng một hôm 12h đêm, các ông có lệnh phải đi ngay. Hành trang mang theo là hai chiếc máy quay hiện đại nhất thời bấy giờ, gồm một chiếc Con-vat của Liên Xô và một chiếc máy quay HP của Trung Quốc.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Xuân bên những bức ảnh cũ về thời gian đang làm ở xưởng phim Quân đội.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Xuân bên những bức ảnh cũ về thời gian đang làm ở xưởng phim Quân đội. Ảnh: SH

Thật bất ngờ, điểm đến của đoàn hôm đó lại là Phủ Chủ tịch. Đến nơi, ông và nhà quay phim Trần Văn Trà cùng lái xe Hoàng Hải (cũng là người phụ trách ánh sáng) được đưa vào một ngôi nhà gần với nhà sàn của Bác.

Mấy ngày đầu, thấy người đi ra đi vào nhiều, các ông đã hoài cảm có điều xấu nhưng chưa biết là gì. Một hôm, thư ký của Bác Hồ là đồng chí Vũ Kỳ vào tận nơi rồi nói: Sức khỏe của Bác không ổn định và Bộ Chính trị yêu cầu tổ làm phim Quân đội sẽ ghi lại những hình ảnh cuối cùng của Người.

Nhận được thông tin này, đoàn làm phim không ai bảo ai đều không giấu được sự hụt hẫng. Tuy vậy, niềm hi vọng thì vẫn nhen nhóm mỗi ngày bởi có tin Bác Hồ sẽ xuất hiện trước toàn dân trong ngày Quốc khánh 2/9.

Gần một tuần sống trong thấp thỏm, đến ngày 30/8 các ông được lệnh vào nhà sàn vì “sức khỏe Bác tốt hơn”. Ngày đầu tiên, cả hai tác nghiệp nhưng không được vào sát giường của Bác nên chỉ quay ở vòng ngoài.

Đến ngày 1/9, nhiệm vụ vẫn được thực hiện nghiêm túc, ai cũng nghĩ Bác sẽ khỏe hơn. Một chiếc ghế đặc biệt cũng đã được chuẩn bị cho Bác trong ngày 2/9.

Thế mà, tình hình xấu đi đúng vào ngày 2/9. "Lúc đồng chí Vũ Kỳ bảo với chúng tôi do phòng nhỏ nên chỉ được hai người quay phim vào, chúng tôi bàng hoàng. Vào đến nơi, tôi thấy có đồng chí Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn, Võ Nguyên Giáp và rất nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp khác đều đã ở sẵn bên linh cữu Bác.

Không ai cầm được nước mắt. Bản thân tôi khi ấy mắt cũng dàn dụa, không nhìn thấy gì trong ống kính nữa, chỉ có thể dùng ống kính góc rộng để quay..."

20 năm chờ đợi

Sau này, trong hoàn cảnh đặc biệt đó, nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân cũng đã nhiều lần hoài nghi về chất lượng của những thước phim của mình. Tuy nhiên, vì mục đích ban đầu là quay phim “tư liệu” nên toàn bộ phim quay trong những ngày cuối cùng của Bác và trong lễ tang đều được thu lại, giấu kín. Thời điểm Bác Hồ ra đi là một ngày đặc biệt, ngày Quốc khánh 2/9. Vì vậy, trong một thời gian dài, thông tin về ngày mất của Bác Hồ đã được giữ bí mật vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Xuân (cầm máy quay) khi đang tác nghiệp. Ảnh: tư liệu
Thiếu tá Nguyễn Thanh Xuân (cầm máy quay) khi đang tác nghiệp. Ảnh: tư liệu

“Sống để bụng chết mang theo”, đằng đẵng 20 năm, phải đến năm 1989 sau khi bộ phim "Những giây phút cuối đời Bác Hồ" do đạo diễn Phạm Quốc Vinh - Xưởng phim Quân đội thực hiện được ra đời thì nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân - đã về hưu - mới lần đầu tiên được xem lại những thước phim của mình. Hôm công chiếu, ông được Trung ương và xưởng phim mời ra Hà Nội để xem lại những hình ảnh cũ.

Ngồi trong khán phòng, nhìn những hình ảnh thân thương về Bác, nhìn lại nếp nhà sàn cũ, nhìn lại đôi dép cao su, chiếc ba toong, nhìn những người đồng đội, đồng chí và nhìn những dòng người đứng lặng trong suốt quãng đường dài từ Nhà hát lớn đến ngã 3 Tràng Tiền khi linh cữu Bác đi qua…ông không cầm được nước mắt.

Hình ảnh đời thường của nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân sau khi về hưu ở quê nhà. Ảnh: SH
Hình ảnh đời thường của nhà quay phim Nguyễn Thanh Xuân sau khi về hưu ở quê nhà. Ảnh: SH

Gần 50 năm sau ngày Bác đi xa, Thiếu tá Nguyễn Thanh Xuân giờ đã ngoài 85 tuổi. Suốt quãng đường binh nghiệp, trải qua mưa bom, đạn nổ, dấu chân của ông ghi dấu ấn qua nhiều chiến trường từ Điện Biên Phủ, thành cổ Quảng trị rồi chiến trường Miền Nam với nhiều thước phim tư liệu đắt giá.

Trong đó, phải kể đến nhiều bộ phim tài liệu nổi tiếng như “Chiến thắng Hàm Rồng”, “Nhằm thẳng quân thù mà bắn”, “Dưới cờ quyết thắng”, “Đà Lạt vào xuân”. Bên cạnh đó, ông cũng là tác giả của nhiều thước phim quý khác về Bác Hồ được ông thực hiện trong giai đoạn từ năm 1965 - 1969.

Nói về những năm tháng được làm người phóng viên chiến trường, có nhiều cơ hội được ở bên Bác Hồ, ông nói: "Rất nhiều phóng viên quốc tế hỏi tôi, phải chăng ông được “ưu ái” vì cùng quê với Bác. Điều này hoàn toàn không đúng. Với tôi, là đồng hương với Bác, được mang danh con cháu Bác Hồ thì dù được phân công nhiệm vụ gì, dù khó khăn thế nào cũng phải hoàn thành. Có thể cũng vì thế nên dù là dân tay ngang, trưởng thành từ “khói lửa” nhưng tôi vẫn luôn được cấp trên tin tưởng và giao những nhiệm vụ đặc biệt".

Mỹ Hà

TIN LIÊN QUAN