Quốc hội cần có chính sách giảm nghèo bền vững hơn cho đồng bào dân tộc thiểu số

30/05/2017 11:00

(Baonghean.vn)- Theo bà Lô Thị Kim Ngân- Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh: Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiến hành khảo sát đánh giá thực tế tại các địa phương để có chính sách giảm nghèo hiệu quả, bền vững hơn.

Thời gian qua, kết quả công tác xóa đói giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh đã góp phần thực hiện mục tiêu tăng tưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tạo sự chuyển biến tích cực về hạ tầng cơ sở, cải thiên đời sống, tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, cận nghèo được tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Đoàn
Đoàn Giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh trao đổi cùng cán bộ, công chức, viên chức xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn về việc thực hiện chế độ, chính sách. Ảnh: Thu Giang

Tuy nhiên, do điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhất là khu vực miền núi chủ yếu dựa vào nông lâm nghiệp, lại chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai bão lụt, hạn hán, vị trí giao thông đi lại khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khu vực miền núi vẫn ở mức cao (20,65%, tương đương 60.071 hộ nghèo) so với tỷ lệ bình quân chung cả tỉnh (9,55%, tương đương 80.168 hộ nghèo).

Cử tri kiến nghị Chính phủ, chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiến hành khảo sát đánh giá thực tế tại các địa phương để có chính sách giảm nghèo hiệu quả, không nên đầu tư dàn trải, cần tập trung vào nhóm giải pháp hỗ trợ thoát nghèo như tăng mức hỗ trợ vốn vay ưu đãi đối với hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để có điều kiện tiếp tục đầu tư vào sản xuất kinh doanh; hạn chế tình trạng tái nghèo.

Dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tân Kỳ. Ảnh tư liệu
Dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Tân Kỳ. Ảnh tư liệu

Xem xét nâng mức đầu tư cho các xã nghèo, địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn vùng dân tộc, miền núi thuộc chương trình 135 từ 1 tỷ lên 2 - 2,5 tỷ đồng/xã /năm. Đồng thời có quy định cụ thể về điều kiện tách hộ, xác lập sổ hộ khẩu để đảm bảo yêu cầu quản lý và thực hiện chính sách đồng bộ, tránh trường hợp tách hộ nhiều để thụ hưởng chính sách giảm nghèo. Kinh phí phục vụ chương trình MTTQ giảm nghèo bền vững cần được phân bổ từ đầu năm để tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương chủ động thực hiện.

Nghiên cứu tích hợp các chính sách ưu tiên và hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135, 30a, và các văn bản quy định vào trong một chính sách; thống nhất việc giao về một đầu mối đối với Bộ, ngành chủ quản trong quản lý chương trình, đểchính sách giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi được thực hiện có tính hiệu quả, bền vững hơn./.

Thanh Lê

TIN LIÊN QUAN