Sinh viên cử tuyển thất nghiệp là trách nhiệm địa phương cử người đi học

18/05/2017 18:02

(Baonghean.vn) - Từ phía các ban, ngành cấp tỉnh, nhiều quan điểm cho rằng việc để tình trạng sinh viên cử tuyển ra trường không bố trí được việc làm là trách nhiệm của các địa phương cử người đi học.

Chiều 18/5, đoàn giám sát của Ban dân tộc HĐND tỉnh có buổi làm việc với Sở Nội vụ về tình hình thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh từ năm 2014-2016. Bà Lô Thị Kim Ngân - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn.

Tham dự buổi làm việc có ông Hoàng Viết Đường - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Dân tộc tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ và các phòng chuyên môn.

Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, có nhiều dân tộc cùng sinh sống, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là người dân tộc thiểu số (DTTS).

Từ năm 2014-2016, tỉnh thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức theo 2 hình thức: thi tuyển và xét tuyển, áp dụng các chế độ ưu tiên, đãi ngộ trong tuyển dụng CBCCVC là người DTTS, tiếp nhận tuyển dụng không qua thi 324 trường hợp là người DTTS.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thu Giang
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Thu Giang

Cũng trong giai đoạn này, tỉnh cử đi học 12 sinh viên là người DTTS, phân công công tác 30 sinh viên DTTS tốt nghiệp hệ cử tuyển chính quy, song vẫn còn 81 sinh viên DTTS cử tuyển đã tốt nghiệp trong thời gian từ năm 2014-2016 nhưng chưa được bố trí việc làm.

Nguyên nhân chủ yếu được cho là do thiếu chỉ tiêu biên chế giao, ngành nghề đào tạo không phù hợp với yêu cầu của vị trí tuyển dụng hoặc ngành nghề đào tạo hạn chế tuyển dụng…

Bên cạnh đó, việc quy hoạch, bổ nhiệm CBCCVC người DTTS được thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước và của các cấp, ngành, đảm bảo tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ người DTTS các địa phương và trên toàn tỉnh.

Hàng năm, các cơ quan, đơn vị đều xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nói chung, trong đó lồng ghép thực hiện đề án đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC người DTTS, cán bộ nữ, cán bộ cơ sở, cán bộ trẻ có triển vọng. Công tác điều động, luân chuyển CBCCVC người DTTS được thực hiện tương đối tốt, chế độ hỗ trợ kinh phí với đối tượng này tương đối kịp thời…

Công chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại UBND xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương. Ảnh: Thu Giang
Công chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại UBND xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương. Ảnh: Thu Giang

Thảo luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Sơn - cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, thành viên đoàn giám sát cho rằng cần quan tâm tìm ra giải pháp hữu hiệu đối với số sinh viên cử tuyển ra trường chưa có việc làm hiện nay.

Theo ông Sơn, nếu trả lời được câu hỏi cử sinh viên DTTS đi học như thế nào để vừa đảm bảo thực hiện tốt chính sách với người DTTS, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo và có tính đến nhu cầu của địa phương thì sẽ chấm dứt được tình trạng khó bố trí việc làm cho diện cử tuyển như hiện nay.

Bà Lục Thị Liên - Phó Ban Dân tộc HĐND tỉnh nêu băn khoăn về việc thực hiện quy hoạch, bổ nhiệm CBCCVC người DTTS tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là Thanh Chương.

“Qua giám sát mới đây, được biết huyện này có 5% dân số là người DTTS, nhưng toàn huyện chỉ có 1 cán bộ cấp huyện là người DTTS, đến cả Ban Dân tộc HĐND huyện cũng 100% là cán bộ người Kinh”, bà Liên cho biết.

Đại diện đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh tìm hiểu trường hợp sinh viên cử tuyển tốt nghiệp nhưng chưa được bố trí việc làm tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu
Đại diện đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh tìm hiểu trường hợp sinh viên cử tuyển tốt nghiệp nhưng chưa được bố trí việc làm tại xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn. Ảnh tư liệu

Trong khi đó, ông Đặng Quang Hồng - Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đặt câu hỏi về chất lượng, mức độ đáp ứng nhiệm vụ của đội ngũ CBCCVC người DTTS và được Trưởng Phòng Công chức, viên chức Sở Nội vụ Đậu Đình Dương trả lời: “Đến giờ phút này, chưa có địa phương nào có văn bản báo cáo trường hợp CBCCVC người DTTS được bố trí không hoàn thành nhiệm vụ”.

Ông Dương cũng trao đổi, để giải quyết dứt điểm vấn đề cử tuyển, các huyện phải căn cứ vào nhu cầu việc làm, tiêu chí chức danh nghề nghiệp và quỹ lương của địa phương để cử người đi học. “Cử tuyển phải tính đến 5 năm sau, dự tính khi ấy còn chỉ tiêu để tuyển không, chứ căn cứ chỉ tiêu hiện tại sao được? Còn hiện nay, cứ huyện có chỉ tiêu biên chế, có văn bản gửi xuống thì Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh phân công công tác ngay”, Trưởng Phòng Công chức, viên chức, Sở Nội vụ khẳng định.

Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Quốc Khánh cho rằng các địa phương cần ưu tiên tuyển dụng CBCCVC là người DTTS rất ít người. Ảnh: Thu Giang
Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Quốc Khánh cho rằng các địa phương cần ưu tiên tuyển dụng CBCCVC là người DTTS rất ít người. Ảnh: Thu Giang

Đại diện Ban Dân tộc tỉnh, Phó Trưởng Ban Lô Xuân Vinh cho rằng, không bố trí được việc làm cho sinh viên cử tuyển, các huyện đổ lỗi cho Sở Nội vụ, Hội đồng cử tuyển của tỉnh là không đúng, bởi các địa phương đã được phân cấp đầy đủ.

Chung quan điểm trên, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Lê Quốc Khánh phân tích: “Trong tuyển dụng, căn cứ chỉ tiêu hàng năm, đề án vị trí việc làm, huyện phải chia chỉ tiêu cụ thể, ưu tiên cho đối tượng mà chúng ta đang cần là CBCCVC người DTTS rất ít người như Mông, Khơ Mú,... Có địa phương hỏi làm thế nào để tuyển được CBCCVC là đồng bào Mông, muốn thế huyện phải ghi rõ tiêu chuẩn tuyển, số lượng bao nhiêu… Xây dựng tiêu chí, đề xuất tuyển dụng là thẩm quyền của huyện.”

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường nhận xét chất lượng đội ngũ CBCCVC người DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực thời gian qua. Ảnh: Thu Giang
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường nhận xét chất lượng đội ngũ CBCCVC người DTTS đã có nhiều chuyển biến tích cực thời gian qua. Ảnh: Thu Giang

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường nhận định CBCCVC người DTTS trên địa bàn Nghệ An đã có chuyển biến rõ nét về chất lượng so với trước, nhưng trước yêu cầu thực tiễn vẫn cần được quan tâm nhiều hơn.

Đại diện Thường trực HĐND tỉnh cũng kiến nghị Sở Nội vụ và các ban, ngành liên quan nghiên cứu cơ chế linh hoạt và cụ thể hơn để tuyển dụng CBCCVC người DTTS, thực hiện nghiêm các quy định tuyển dụng hiện hành và đảm bảo cơ cấu CBCCVC ở cơ sở.

Trưởng đoàn giám sát Lô Thị Kim Ngân ghi nhận các ý kiến tại buổi giám sát, đồng thời cho biết các nội dung này sẽ được tổng hợp, hoàn thiện báo cáo trình các cơ quan có thẩm quyền, góp phần kịp thời để điều chỉnh, thực hiện tốt hơn chế độ chính sách đối với CBCCVC người DTTS.

Thu Giang

TIN LIÊN QUAN