Tăng lương tối thiểu vùng: Tiếng nói của người trong cuộc

15/08/2017 09:52

(Baonghean) - Năm 2018, mức tiền lương tối thiểu vùng đã được chốt để điều chỉnh tăng thêm 6,5%.

Sản xuất hàng điện tử ở Công ty điện tử BSE Việt Nam tại Khu Công nghiệp Nam Cấm. Ảnh: Châu Lan
Sản xuất hàng điện tử ở Công ty điện tử BSE Việt Nam tại Khu Công nghiệp Nam Cấm. Ảnh: Châu Lan

Doanh nghiệp thêm chi phí

Theo Nghị định số 153/2016/NĐ-CP, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nào thì áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Trường hợp doanh nghiệp có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu vùng quy định đối với địa bàn đó. Doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và khu công nghệ cao nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu vùng cao nhất.

Ở Nghệ An, hầu hết các doanh nghiệp áp dụng theo vùng III (TP Vinh) và vùng IV (các huyện, thị xã), như vậy mức lương tăng từ 2.400.000 đồng/tháng lên 2.580.000 đồng/tháng (vùng IV) và từ 2.700.000 đồng/tháng lên 2.900.000 đồng/tháng (vùng III). Với mức tăng này, các doanh nghiệp phải chi phí tăng thêm thu nhập cho lao động, đồng thời tăng mức trích đóng BHXH. Đối với những doanh nghiệp có ít lao động thường không bị ảnh hưởng nhiều và không gia tăng áp lực do chi phí “đội lên” từ 2 khoản trên.

Khi đánh giá về những tác động trên, ông Khương Văn Thắng - Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH nhựa TNTP Miền Trung cho rằng: “Với 85 lao động của doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm hàng tháng, thì việc tăng thêm trích đóng bảo hiểm theo quy định lương vùng của công ty chúng tôi không lớn. Trên thực tế, việc quy định đóng bảo hiểm dựa vào lương vùng tối thiểu như vậy, nhưng doanh nghiệp phải tạo mọi điều kiện để công nhân có nguồn thu lớn hơn nhiều, bình quân thu nhập của công nhân công ty chúng tôi là 6.500.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, khi trích đóng bảo hiểm tăng lên, chúng tôi phải thêm chi phí…”.

Đối với những doanh nghiệp có số lượng công nhân lớn thì việc áp dụng tăng lương tối thiểu vùng ảnh hưởng không nhỏ đến nguồn chi phí. Bởi trước đó, trong năm 2016, lương tối thiểu vùng đã tăng từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng so với năm 2015 (theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP). Như vậy, 2 năm liên tiếp lương tối thiểu vùng tăng, đồng nghĩa, doanh nghiệp phải trích đóng bảo hiểm lớn hơn. Điển hình, Công ty CP may Minh Anh - Kim Liên, với trên 1.000 công nhân thì việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ đầu năm 2017 đã làm gia tăng chi phí mỗi tháng khoảng 400 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh - Phó Giám đốc công ty chia sẻ: “Rõ ràng, việc tăng mức lương tối thiểu vùng đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều công nhân sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chi phí của doanh nghiệp. Tới đây điều chỉnh tăng nữa thì doanh nghiệp càng khó khăn…”.

Bà Lê Thị Hồng Trang - Phụ trách nhân sự Công ty điện tử BSE cho biết: “Hiện tại, đơn vị đang thực hiện chi trả lương và đóng bảo hiểm đầy đủ cho hơn 4.000 lao động, tuân thủ theo quy định của Nhà nước và pháp luật. Bình quân thu nhập của người lao động dao động từ 3-5 triệu đồng/tháng, tổng chi phí từ tiền lương mỗi tháng của chúng tôi khoảng hơn 16 tỷ đồng, chưa tính các bữa ăn trưa. Nếu tăng lương tối thiểu năm 2018 theo đề xuất của Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng tiền lương Quốc gia (mức 2 là mức 160.000 - 220.000 đồng), thì doanh nghiệp cũng tăng chi phí tiền lương thêm khoảng 800 triệu đồng/tháng…”.

Bên cạnh tăng chi phí đóng BHXH cho người lao động khi điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng thì Nghị định số 153/2016/NĐ-CP cũng yêu cầu doanh nghiệp không được xoá bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động. Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp. Chính vì vậy, hầu như các doanh nghiệp không mong muốn tăng lương tối thiểu vùng.

Một số ý kiến cho rằng, để đảm bảo sự phát triển của doanh nghiệp, Nhà nước cũng nên có những đánh giá hàng năm về ảnh hưởng của mức tăng lương tối thiểu đến sự phát triển của doanh nghiệp.

Công nhân nhà máy AustFeed Nghệ An đóng gói sản phẩm. Ảnh: Nguyên Sơn
Công nhân nhà máy AustFeed Nghệ An đóng gói sản phẩm. Ảnh: Nguyên Sơn

Người lao động nói gì?

Anh Nguyễn Văn Hà, công nhân làm việc ở Trạm nghiền xi măng The Vissai Nghi Thiết cho biết: Hiện đang hưởng mức lương trên 3 triệu đồng/tháng chưa kể 3 bữa ăn công ty đài thọ. Công ty quy định là nếu ăn tại nhà máy thì được miễn phí còn không ăn thì không được nhận tiền, nên hầu hết ai cũng đăng ký ăn tại bếp tập thể. Nếu tính cả tiền ăn (20.000 đồng/ bữa) thì thu nhập cũng xấp xỉ 5 triệu đồng. Anh Hà chia sẻ: “Thực chất, chúng tôi chỉ mong được nhận tiền cuối tháng làm sao nhiều hơn chứ cũng không quan tâm lắm đến việc Nhà nước tăng mức lương tối thiểu vùng như thế nào…”.

Còn chị Nguyễn Thị Duyên, quê ở xã Trung Thành (Yên Thành), 4 năm nay làm việc ở Công ty TNHH MLB Tenegry (Nhà máy may Nhật Bản) cho hay: “Chúng tôi được hưởng mức lương 2,9 triệu đồng/tháng, thời gian làm 8 tiếng đồng hồ/ngày, nếu làm thêm được hưởng 21.000 đồng/tiếng đồng hồ. Ngoài ra làm đủ thời gian được tính tiền chuyên cần 200.000 đồng/tháng, 80.000 đồng/tháng tiền xăng xe. Tổng cộng thu nhập chỉ từ 3,2 -3,3 triệu đồng/tháng. Với mức lương này chúng tôi phải sống tiết kiệm để còn trả tiền thuê nhà, tiền điện nước nên trang trải vẫn còn thiếu thốn. Để đảm bảo mức sống tương đối thì thợ may cần mức lương trên 4,5 triệu đồng/tháng. Nghe nói sắp tới mức lương tối thiểu có tăng, chúng tôi hy vọng được thêm thu nhập”.

Tâm lý chung người lao động là quan tâm đến tổng thu nhập nhận được cuối tháng, chứ không chỉ dựa vào mức lương tối thiểu vùng. Qua theo dõi 85 doanh nghiệp trong KKT Đông Nam, đại diện Phòng Quản lý DN&LĐ - Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An đánh giá: Mức thu nhập bình quân của người lao động 6 tháng đầu năm 2017 của các doanh nghiệp trong KKT đạt 5.758.095 đồng/người/tháng (tăng 110.000 đồng/người/tháng so với cuối năm 2016). Nhìn chung mức thu nhập có sự chênh lệch khá rõ giữa các loại hình doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp cổ phần hay tư nhân. Một số doanh nghiệp sử dụng lao động nhiều trong lĩnh vực may mặc, sản xuất đồ chơi trẻ em hay điện tử thì mức thu nhập bình quân tháng cao hơn mức lương tối thiểu vùng không nhiều, nếu tăng ca thì mới đạt được mức lương trung bình trên.

Trong một diễn đàn, ông Vũ Quang Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Công nhân – Công đoàn Việt Nam cho biết, theo khảo sát, hiện nay tỷ lệ người lao động có tích lũy từ tiền lương tối thiểu chỉ chiếm 8% (mức tích lũy chỉ dao động từ 500.000 – 1000.000 đồng/tháng), 50% người lao động không có tích lũy và có hơn 40% người lao động đang có mức chi tiêu tằn tiện, thiếu thốn. Ông Thọ cho rằng, với mức tăng lương như hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 93% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Điều này đồng nghĩa với việc còn khoảng 7% nữa, mức tiền lương tối thiểu mới chạm ngưỡng mức sống tối thiểu của người lao động.

Việc tăng lương tối thiểu vùng trên thực tế chỉ tăng được vài trăm nghìn đồng. Vì vậy, để cải thiện đời sống người lao động, cần thiết đi cùng là thực hiện tốt việc bình ổn giá cả thị trường, đồng bộ các chính sách liên quan đến nhà ở, đời sống tinh thần, nhà trẻ mẫu giáo cho con người lao động,...

Hội đồng tiền lương Quốc gia đã chốt mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 là 6,5%. Theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trước đó, có nhiều mức được đề xuất, nhưng sau khi tranh luận và bỏ phiếu thì mức tăng được chốt với phương án trên. Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ làm báo cáo gửi Thủ tướng xem xét và ban hành Nghị định tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 thời gian tới.

Việc áp dụng thực hiện mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp từ ngày 1/1/2017 theo Nghị định số 153/2016/NĐ-CP, như sau: Vùng I: 3.750.000 đồng/tháng; vùng II: 3.320.000 đồng/tháng; vùng III: 2.900.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.580.000 đồng/tháng.

Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương trước năm 2016 khoảng 180.000 - 250.000 đồng/tháng.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN