Mỹ phát hiện tên lửa xuyên lục địa Triều Tiên từ lúc chưa khai hỏa

07/07/2017 16:43

Trinh sát cơ của Mỹ tại Nhật Bản phát hiện ICBM từ lúc nạp nhiên liệu và theo dõi toàn bộ vụ phóng của Triều Tiên.

Hành trình của tên lửa Hwasong-14.

Phát ngôn viên phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis ngày 5/7 cho biết trinh sát cơ RC-135S Mỹ đóng tại căn cứ Yokota, Nhật Bản đã phát hiện tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 của Triều Tiên ngay từ giai đoạn nạp nhiên liệu và theo dõi sát toàn bộ quá trình phóng, theo Fox News.

Theo Davis, Hwasong-14 được kéo đến bãi phóng bằng xe tải nhưng được khai hỏa từ bệ phóng đặt trên mặt đất vào ngày 4/7. Điều này cho thấy Triều Tiên chưa có khả năng phóng ICBM từ bệ phóng di động, vốn rất khó theo dõi và đánh chặn, có thể gây ra mối đe dọa đáng kể với Mỹ và đồng minh.

Tên lửa bay được 39 phút, thời gian bay dài nhất so với bất cứ tên lửa đạn đạo nào của Triều Tiên từng phóng thử trong quá khứ. Tên lửa được cho là sử dụng nhiên liệu lỏng, một yếu tố được đánh giá sẽ làm giảm khả năng cơ động và tốc độ khai hỏa của nó.

Lầu Nằm Góc cho rằng vụ thử ICBM của Triều Tiên gây nguy hiểm cho tàu bè gần Nhật Bản, máy bay và các loại vệ tinh trên vũ trụ, nhưng khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại của Mỹ hoàn toàn có thể bắn hạ loại tên lửa này, nhất là khi máy bay trinh sát đã phát hiện tên lửa từ sớm.

Khoảnh khắc ICBM Triều Tiên khai hỏa.

Tuy nhiên, Mỹ có thể đã không khai hỏa tên lửa đánh chặn để hạ ICBM này vì cho rằng nó chưa phải là mối đe dọa thực sự với khu vực Bắc Mỹ.

Nhiều chuyên gia và quan chức quân sự Mỹ cho rằng Hwasong-14 có tầm bắn khoảng 7.000 km, đủ sức vươn tới bang Alaska của Mỹ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng có thể vẫn chưa phát triển thành công đầu đạn hạt nhân đủ nhỏ để lắp lên tên lửa này.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN