Cuộc sống hái lượm của 'đôi đũa lệch' trên vùng rừng Nậm Giải

27/08/2017 17:16

(Baonghean.vn) - Sáng ra, anh chồng 24 tuổi lại dắt chị vợ hơn mình 1 giáp vào rừng hái măng. Họ có một điểm chung là không biết chữ.

Hai vợ chồng Hà Văn Tài và Vi Thị Loan. Ảnh: Hữu Vi
Hai vợ chồng Hà Văn Tài và Vi Thị Loan. Ảnh: Hữu Vi

Trên trục đường chính xuyên qua bản Chà Lấu, xã Nậm Giải, huyện Quế Phong (Nghệ An) có một căn lều nép mình nom tạm bợ tựa chiếc chòi canh nương. Căn lều vắng teo,ẩm thấp tăm tối, bên trong kê 2 chiếc giường. Cái bếp nguội lạnh củi lửa. Trên gác bếp chỏng chơ vài ba chiếc gùi, dụng cụ dùng vận chuyển măng rừng. Chiếc ti vi màn hình lồi, to kềnh càng là gia tài đáng giá nhất trong chiếc lều cỏn con này.

Dân bản cho biết, đây là nhà ở của cặp vợ chồng Hà Văn Tài và chị Vi Thị Loan. Họ cư ngụ trong căn lều từ đầu năm 2016 khi bắt đầu ra ở riêng. Chị Loan đang tụ tập cùng một đám phụ nữ và trẻ em trong bản ở một ngôi nhà sàn gần đó. Đang ngày mưa, đàn bà con gái nghỉ việc hái măng rừng - “nghề” khả dĩ nhất giúp họ kiếm tiền. Chưa vào năm học mới nên trẻ con cũng chỉ biết ngồi ở nhà. Cánh đàn ông thì tụ tập đâu đó trong bản uống rượu.

"Tổ ấm" của anh chị Vi Thị Loan và người chồng kém mình một giáp. Ảnh: Hồ Phương

Hỏi năm sinh, người phụ nữ có gương mặt khắc khổ lắc đầu nói: “Không biết”. Hỏi bao nhiêu tuổi, chị Loan bảo: “36 hay 37 gì đó. Chồng thì 21 tuổi. Mẹ mình không nhớ năm sinh mình mà” - chị Loan nói.

Chị Loan ở bản Na Pục, anh Tài bản Chảo cùng xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, cưới nhau được nửa năm thì cha mẹ cho ra ở riêng. Gia cảnh quá nghèo, tách hộ, cho con sống tự lập là cách hay nhất để giảm áp lực kinh tế gia đình mà họ nghĩ ra. Trước đó vì nợ ngân hàng, bố mẹ chồng đã phải bán đi căn nhà sàn, đất rừng vẫn chưa trả xong. Họ cũng phải ở lều - vẫn theo lời kể của chị Loan.

Phương tiện kiếm sống của vợ chồng anh Tài chị Loan
Phương tiện kiếm sống của vợ chồng anh Tài chị Loan

Hai vợ chồng chưa có giấy hôn thú này dắt nhau đến bản Chà Lấu mượn một mảnh đất của người quen dựng lán ở. Từ đó họ bắt đầu cuộc sống hái lượm. Sáng dậy cả hai vợ chồng mang gùi lên rừng. Chồng trước vợ sau, hai người đi hái măng, hai nấm, rau rừng… Hái tất cả những thứ có thể bán lấy tiền đong gạo. Hai vợ chồng cũng để ý tránh những khu rừng “của họ” - tức rừng phòng hộ để tránh bị phạt tiền. Dựng nhà ở trên đất đi mượn và chẳng hề có một mảnh đất để trồng rừng, cấy lúa. Hái lượm đang là cách mưu sinh duy nhất của anh Tài, chị Loan.

Cặp vợ chồng có một điểm mà họ cho rằng “như nhau” là chưa một ngày đến lớp, nên cũng chẳng ai biết đọc, viết. Họ có một cuốn hộ khẩu, 2 chiếc chứng minh nhân dân. Nhưng không ai biết trên những giấy tờ này ghi gì. Anh Tài có một chiếc điện thoại. Anh nhờ người khác lưu danh bạ. Khi cần gọi ai lại gọi các cô bé, cậu bé biết chữ trong bản đến giúp đỡ.

Chứng minh nhân dân của
Chứng minh nhân dân của "đôi đũa lệch". Ảnh: Hữu Vi

Theo chứng minh nhân dân, anh Tài sinh năm 1993, chị Loan sinh năm 1981. “Cha mẹ nghèo, không cho đi học” - chị Loan nói.

Anh Tài cho biết bản thân mắc bệnh từ nhỏ nhưng không rõ là bệnh gì. Người Thái gọi là bệnh “lương” (vàng da). Cơ thể yếu ớt, da vàng, bụng chướng. Không làm được những việc nặng nhọc như người khỏe mạnh. Anh chị cũng từng có một đứa con nhưng mất sau khi sinh được hơn một tháng. Cư dân trong bản cho biết gia đình anh Tài, chị Loan thuộc diện nghèo nhất bản Chà Lấu./.

Hồ Phương - Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN