Dùng động vật chết do bệnh để chế biến thực phẩm bị phạt từ 70-100 triệu đồng

05/09/2017 17:08

Cùng với các địa phương, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương vệ sinh an toàn thực phẩm đã phân công các đơn vị chức năng tham gia 6 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương đối với bánh, kẹo, thực phẩm...

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Ngày 4/9, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết đã có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM đề nghị tăng cường triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm nay.

Theo đó, các địa phương cần xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các loại sản phẩm bánh, kẹo phục vụ Tết Trung thu. Đối với các cơ sở sản xuất, tập trung thanh tra, kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, kiểm nghiệm sản phẩm, ghi nhãn, bao bì sử dụng, công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm hoặc bán thành phẩm, quy định vệ sinh cá nhân người trực tiếp sản xuất.

Đối với các cơ sở kinh doanh, thanh tra, kiểm tra điều kiện vệ sinh cơ sở nơi bảo quản, bày bán bánh, nguồn gốc xuất xứ bánh, hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn sản phẩm thực phẩm, quy định ghi nhãn sản phẩm, quy định vệ sinh cá nhân người trực tiếp kinh doanh thực phẩm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra cần lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định, xử lý nghiêm các vi phạm, công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

Cùng với các địa phương, Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương vệ sinh an toàn thực phẩm đã phân công các đơn vị chức năng thuộc các bộ: Y tế, NN-PTNT, Công thương và các ngành thành viên Ban chỉ đạo tham gia 6 đoàn kiểm tra liên ngành trung ương.

Các đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương sẽ tiến hành kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố trọng điểm từ ngày 11 đến 30/9, nhằm đánh giá thực trạng chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống.

Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, trong đó đề xuất mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức, trừ một số trường hợp quy định.

Cũng theo dự thảo, dùng động vật chết do bệnh để chế biến thực phẩm bị phạt từ 70-100 triệu đồng. Phạt tiền bằng 100% đến 120% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi sử dụng nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến đã quá thời hạn sử dụng (nhưng không vượt quá 100 triệu đồng).

Phạt tiền bằng 120% đến 150% tổng giá trị thực phẩm vi phạm đối với hành vi sử dụng sản phẩm động vật trên cạn đã qua kiểm tra vệ sinh thú y nhưng không đạt yêu cầu để sản xuất, chế biến thực phẩm (nhưng tổng số tiền phạt không quá 100 triệu đồng)./.

Theo Saigongiaiphong

TIN LIÊN QUAN