Hưng Xuân thịnh nghề ép dầu

13/08/2017 15:41

(Baonghean.vn) - Trong khi làng nghề ở một số địa phương đang gặp rất nhiều khó khăn thì ở xã Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên, nghề ép dầu lạc truyền thống đang được duy trì và phát huy hiệu quả.

Gia đình chị Nguyễn Thị An ở làng Yên Thái, xã Hưng Xuân nối nghề ép dầu lạc từ năm 1945. Trước đây các công đoạn từ bóc, xay lạc đến ép dầu đều làm thủ công, nên tốn rất nhiều công sức, lợi nhuận thấp. Mấy năm trở lại đây gia đình chị đầu tư mua máy bóc vỏ lạc và xay bột nên đã rút ngắn được thời gian, nâng cao chất lượng, sản lượng và thu nhập. Bình quân mỗi ngày gia đình chị ép 700 kg lạc vỏ được 200 lít dầu. Thời gian cao điểm mỗi ngày ép hết 1 tấn lạc củ.

Nghề ép dầu lạc truyền thống đã đem về cho gia đình chị An nguồn thu nhập từ 500-700 ngàn đồng/ngày. Cũng từ nghề này chị đã tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương mỗi tháng 3 triệu đồng/người.

Hiện nay nhiều gia đình ở Hưng Xuân đã đầu tư máy móc đáp ứng nhu cầu ép dầu ngày càng cao của người dân. Ảnh Thanh Tâm
Nhiều gia đình ở Hưng Xuân đầu tư máy móc đáp ứng nhu cầu ép dầu lạc ngày càng cao của người dân. Ảnh Thanh Tâm

Chị An cho biết: “Sản phẩm dầu lạc của gia đình tôi từng được tham gia hội chợ triển lãm ở Hà Nội và nhận được nhiều đơn đặt hàng từ khắp nơi. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng nhiều của khách, gia đình đã mua thêm máy ép thuỷ lực để nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất”.

Ép dầu lạc là nghề thủ công truyền thống của dân làng Yên Thái. Cả làng có 80 hộ làm nghề ép dầu lạc. Tuy nhiên trong đó chỉ có 25 hộ có quy mô sản xuất lớn, những hộ còn lại chủ yếu làm theo thời vụ, mỗi năm chỉ sản xuất 3-4 tháng.

Theo ông Nguyễn Đình Chữ - trưởng làng Yên Thái (xóm 10) xã Hưng Xuân thì nghề ép dầu lạc xuất hiện ở làng đã gần 100 năm nay. Từ đời cha ông ngày trước không có bao xác rắn phải bện rơm để gói. Bây giờ thì máy móc đã cơ bản thay thế các công đoạn sản xuất thủ công nên thu nhập của nghề này cũng khá hơn. Nghề ép dầu lạc đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn. Bình quân mỗi ngày các hộ dân làng Yên Thái sản xuất và bán ra thị trường 1.000 lít dầu lạc.

Các cơ sở ép lạc thu hút rất đông khách. Ảnh Thanh Tâm
Các cơ sở ép lạc thu hút rất đông khách. Ảnh Thanh Tâm

Theo những gia đình làm nghề ở đây thì nghề ép dầu lạc tuy vất vả, nhưng thu nhập từ nghề này khá cao. Giá dầu bán ra chỉ tương đương với giá lạc mua vào, lợi nhuận chủ yếu thu từ tiền bán khô dầu, mỗi mẻ ép 11kg lạc nhân thu được 5 lít dầu và khoảng 60 ngàn đồng tiền bán khô dầu.

Các hộ làm nghề ở Yên Thái còn thường xuyên nhận ép dầu thuê với giá công mỗi mẻ 50 ngàn đồng. Ở làng Yên Thái ngày nào cũng có hàng chục thậm chí hàng trăm khách từ khắp nơi mang lạc đến thuê ép dầu. Từ nghề này đã phát triển thêm nghề xay bóc lạc. Phụ phẩm từ nghề xay, bóc và ép dầu lạc được sử dụng làm thức ăn để phát triển chăn nuôi góp phần tăng thu nhập cho người dân. Mỗi năm làng nghề sản xuất 400.000-420.000 lít dầu lạc, tương đương 1.500 tấn lạc vỏ.

Từ nghề ép dầu lạc, ở Hưng Xuân phát triển thêm nghề xay xát, chăn nuôi. Ảnh Thanh Tâm
Từ nghề ép dầu lạc, ở Hưng Xuân phát triển thêm nghề xay xát, chăn nuôi. Ảnh Thanh Tâm

Trước nhu cầu sử dụng dầu lạc ngày một nhiều, làng nghề truyền thống của xã Hưng Xuân đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động, thu nhập bình quân đầu người đạt 45 triệu đồng/ năm, cao gấp gần 2 lần so với bình quân chung của xã. Năm 2016 UBND tỉnh công nhận làng nghề ép dầu lạc Hưng Xuân, huyện Hưng Nguyên.

Ông Nguyễn Cảnh Toàn - Phó chủ tịch UBND xã Hưng Xuân cho biết: “Xã Hưng Xuân đang xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm dầu lạc của làng nghề đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền đến các hộ làm nghề phải luôn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Việc được UBND tỉnh công nhận làng nghề ép dầu lạc là cơ hội để các hộ làm nghề ở đây quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm”.

Thanh Tâm

TIN LIÊN QUAN