Doanh nghiệp nhỏ vẫn bị ngân hàng 'ngó lơ'

12/09/2017 18:14

Là những đối tượng rất cần được tiếp cận vốn để phát triển nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn không vay được ngân hàng.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ... phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017. Điều này sẽ giúp nhiều doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn giá rẻ hơn.

Thế nhưng, thực tế nhiều doanh nghiệp, nhất là những đơn vị có quy mô nhỏ và vừa chỉ biết "tặc lưỡi rồi không muốn để ý". Bởi với họ, việc tiếp cận được vốn ngân hàng là điều quá khó do vướng đủ điều kiện. Và đây mới là vấn đề chính chứ không phải là việc giảm 0,5% hay 1% lãi suất.

doanh-nghiep-nho-van-bi-ngan-hang-lam-lo

Thủ tướng yêu cầu giảm lãi suất cho vay thêm 0,5 - 1%. Ảnh: PV.

Một doanh nghiệp hoạt động ngành nông sản than thở, mới đây ông từ Bình Phước chạy tới tận TP HCM và ngồi đợi cả buổi tại một chi nhánh ngân hàng nhưng chẳng có cán bộ nhà băng nào ra tiếp chuyện. Bởi vì doanh nghiệp ông còn non trẻ, quy mô lại nhỏ và không đủ tài sản đảm bảo... nên bị ngân hàng làm lơ.

"Không đủ điều kiện vay như chúng tôi thì việc giảm lãi suất ấy làm gì đến phiên mình, có chăng thì các doanh nghiệp lớn hưởng lợi", vị giám đốc bộc bạch.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM từng chia sẻ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hội nếu có vay ngân hàng thì là vay lưu động để giải quyết dòng tiền. "Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ hiện nay chỉ sử dụng nguồn lực sẵn có để tồn tại hoặc là vay mượn đỡ người thân, nhân viên... vì đa số họ không đủ điều kiện tiếp cận nhà băng", ông nói.

Trong khi đó, 98% doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, đóng góp gần một nửa GDP và 41% cho ngân sách Nhà nước. Và câu chuyện doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn do không đáp ứng điều kiện vay chẳng còn là vấn đề mới, nhưng dường như đến nay bài toán này vẫn chưa được giải quyết.

Báo cáo vĩ mô triển vọng thị trường tháng 9 của HSBC cũng đã nói lên điều bất cân xứng trong việc phân bổ nguồn vốn của ngân hàng. Các chuyên gia của HSBC chỉ ra rằng, việc phân bổ tín dụng hiện nay vẫn tiếp tục ưu tiên cho các ngành công nghiệp thiếu hiệu quả như bất động sản hay cho các doanh nghiệp Nhà nước mà không tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Báo cáo cũng dẫn chứng những nghiên cứu gần đây của Quỹ Tiền tệ (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều ghi nhận rằng các doanh nghiệp Nhà nước hiện đang hấp thụ một lượng tín dụng không cân xứng trong nền kinh tế Việt Nam so với các doanh nghiệp nhỏ. Ví dụ, ở Hà Nội, phần lớn các khoản vay vẫn dành cho các doanh nghiệp Nhà nước (luôn chiếm gần 60%).

Một nghiên cứu thực nghiệm của IMF cũng cho thấy các doanh nghiệp Nhà nước vay với lãi suất thấp hơn so với các doanh nghiệp tư nhân. Điều này cho phép các doanh nghiệp Nhà nước yếu tiếp cận nguồn vốn ngân hàng để tránh tình trạng thu hẹp bảng cân đối kế toán. Trong khi đó, một cuộc khảo sát của WB về các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy chỉ có 29% số doanh nghiệp nhỏ (có từ 1-20 nhân viên) có một hạn mức tín dụng chủ động, còn doanh nghiệp Nhà nước và các công ty lớn trong nước có thị phần tín dụng lớn nhất trên thị trường.

Do đó, dữ liệu cho thấy tăng trưởng tín dụng cao không đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Việc phân bổ tín dụng sai lệch và giảm bớt đầu tư tư nhân nếu không được kiểm soát có thể sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP và tăng nguy cơ nợ xấu trong tương lai.

Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vừa được Quốc hội thông qua được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc trên. Vậy các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ những vấn đề gì và liệu điều này có đủ để tháo gỡ hết các vướng mắc mà khối doanh nghiệp này đang gặp phải?

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN