Mục đích đóng cửa lãnh sự Nga của ông Trump là gì?

11/09/2017 17:09

Trong bối cảnh Mỹ vừa yêu cầu đóng loạt cơ sở ngoại giao Nga có thể khiến căng thẳng giữa hai nước leo thang, phóng viên kỳ cựu của kênh truyền hình nước Nga RT đã đưa ra giả thuyết về động cơ thực sự đằng sau quyết định trên của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trước đó, vào ngày 31/8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán của Nga tại San Francisco, cũng như hai tòa nhà ngoại giao khác ở Washington và New York. Lý do được đưa ra công khai cho động thái này là muốn đáp trả lệnh của Điện Kremlin yêu cầu Mỹ cắt giảm nhân viên ngoại giao tại Nga.

Trong một buổi họp báo hôm 31/8 tại Washington D.C, Thư ký Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders tuyên bố việc đóng cửa loạt cơ sở ngoại giao Nga tại Mỹ là quyết định do đích thân Tổng thống Donald Trump đưa ra.

lãnh sự Nga, Tổng thống Trump, Trục xuất, khủng hoảng ngoại giao Nga-Mỹ


Phản ứng trước quyết định của Mỹ, tân Đại sứ Nga tại nước này ông Anatoly Antonov khẳng định Moskva sẽ không phản ứng quá kích động, hành xử một cách “bình tĩnh và chuyên nghiệp”. Đại sứ Antonov nhấn mạnh hai quốc gia nên xây dựng đối thoại vì sự ổn định quốc tế.

Tuy nhiên theo Afshin Rattansi - người dẫn chương trình UK’s Going Underground của kênh RT, nguyên do còn sâu đậm hơn những thông tin được công bố.

Ông Rattansi nhận xét: “Một điều có thể nói chắc chắc là sự thay đổi của Chánh văn phòng và các thành viên khác trong Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump cho thấy ‘Nhà nước chìm’ đã chiến thắng và cái gọi là ‘ứng viên Donald Trump theo chủ nghĩa biệt lập’ đã kết thúc. Ông ấy đang thúc đẩy trò chơi chiến tranh quân sự trên Bán đảo Triều Tiên, ông ấy tăng quân tại Afghanistan, điều động thêm binh lính tới sát biên giới với Nga tại các quốc gia Liên minh châu Âu”. Tất cả những động thái trên đều hợp nhất với chính sách gần đây của Tổng thống Trump đang muốn căng thẳng toàn cầu nóng lên.

Phóng viên Rattansi cho rằng quyết định trên của Mỹ chắc chắn sẽ khiến căng thẳng với Moskva leo thang và có thể mục tiêu sắp tới mà Washington nhắm đến sẽ là Bắc Kinh.

Vị phóng viên của hãng RT nhận định Mỹ luôn chọn chính sách ngoại giao hiếu thắng, gây sức ép ngoại giao nước ngoài, sức ép quân sự nước ngoài. “Chúng ta phải nhớ rằng Nhà Trắng rất nhiều lần nhấn mạnh ‘mọi phương án đều được tính đến’ khi giải quyết nhiều vấn đề khác nhau”.

Theo một suy luận khác của Rattansi, hành động trên của Tổng thống Trump còn có thể được hiểu là một nỗ lực nhằm chấn chỉnh tình hình lục đục nội bộ của chính quyền nước Mỹ và giúp ông ấy đập tan nghi vấn “cấu kết với Nga” vẫn âm ỉ lan truyền trong suốt thời gian nhậm chức.

Có thể quyết định đóng cửa các cơ sở ngoại giao Nga ở Mỹ sẽ là một tin không tốt với công dân Nga ở Mỹ cũng như các đối tác làm ăn, quan hệ Nga-Mỹ song đây có thể đóng vai trò như một công cụ mà chính quyền Tổng thống Trump dùng để kìm hãm các cuộc tấn công liên tiếp của truyền thông Mỹ loan tin ông có quan hệ với chính quyền Moskva.

Rattansi giải thích: “Bằng cách làm này, ông ấy có thể nói ‘Nhìn này, tôi không phải con tốt của Moskva, tôi đã bất ngờ đóng cửa các cơ sở ngoại giao của Nga và thực sự khiến căng thẳng leo thang với họ hơn những gì cựu Tổng thống Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton đã làm”.

Từ đó, Tổng thống Trump cho thấy mình là một người có phần độc lập và sẽ khiến những người khác không đưa ông ra luận tội, Rattansi kết luận.

Hiện vẫn chưa rõ căng thẳng sẽ tồi tệ đến mức nào, vì luôn tồn tại mối quan hệ ngoại giao giữa hai “cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới”.

Ông Rattansi tin rằng phải đợi xem liệu đích thân Tổng thống Donald Trump có tweet hay nói trực tiếp có khác với lời của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đưa ra trước đó về vấn đề này hay không./.

Theo Vietnamnet.vn

TIN LIÊN QUAN