Hướng xử lý bội chi bảo hiểm y tế ở Nghệ An liệu có trái luật?

26/06/2017 15:23

(Baonghean.vn) - Ứng phó với bội chi bảo hiểm y tế, tháng 5 vừa qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có công văn số 1895/BHXH-CSYT gửi tỉnh Nghệ An, với nội dung đề ra hướng xử lý bội chi lạ đời, theo kiểu phó mặc địa phương, trái với quy định của Luật BHYT.

Công văn số 1895/BHXH-CSYT của BHXH Việt Nam được ban hành ngày 19/5/2017. Tại đây, BHXH Việt Nam công bố, năm 2016 cả nước bội chi BHYT khoảng trên 6.000 tỷ đồng; trong đó, dự kiến bội chi BHYT ở Nghệ An vào khoảng 948,9 tỷ đồng!

Người dân thực hiện các thủ tục để được khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện HNĐK tỉnh. Ảnh tư liệu
Người dân thực hiện các thủ tục để được khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện HNĐK tỉnh. Ảnh tư liệu

Nội dung công văn khẳng định, năm 2017 : “BHXH Việt Nam sẽ giao kinh phí khám chữa bệnh BHYT cho từng địa phương theo số thu BHYT của tỉnh được sử dụng trong năm để địa phương chủ động phân bổ, điều tiết sử dụng”. Và nếu số chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT vượt quá quỹ khám bệnh, chữa bệnh của tỉnh thì: “BHXH tỉnh thẩm định xác định nguyên nhân khách quan vượt quỹ và báo cáo UBND tỉnh xem xét bù đắp từ ngân sách địa phương hoặc nguồn khác”; “Trường hợp ngân sách không bố trí đủ, đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”.

Đây được xem là biện pháp nhằm “tăng cường quản lý và kiểm soát trong chi tiêu khám bệnh, chữa bệnh BHYT nhằm đảm bảo sử dụng quỹ hiệu quả, tiết kiệm”,

Sở dĩ BHXH Việt Nam đưa ra hướng xử lý như trên xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của việc bội chi là sự lơi lỏng trong công tác quản lý, sự trục lợi của cơ sở khám chữa bệnh và một số đối tượng có thẻ BHYT.

Về bội chi BHYT, đúng là kể từ sau chính sách thông tuyến khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện được triển khai, Nghệ An (cùng với Thanh Hóa) trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Theo thông tin của cơ quan có trách nhiệm, tổng nguồn thu quỹ BHYT của Nghệ An năm 2017 vào khoảng 1.983 tỷ đồng; trong khi dự kiến chi khám bệnh, chữa bệnh BHYT sẽ lên đến 2.707 tỷ đồng. Tức là sẽ bội chi khoảng 720 tỷ đồng.

Sòng phẳng nhìn nhận, dẫn đến bội chi như vậy, ở Nghệ An có những nguyên nhân chủ quan mà BHXH Việt Nam chỉ ra. Tuy nhiên, cần phải khẳng định, ngoài những nguyên nhân chủ quan, dẫn đến bội chi BHYT còn có rất nhiều nguyên nhân khách quan.

Có thể dẫn ra, đó là chính sách thông tuyến được thực hiện; là việc điều chỉnh (tăng) giá dịch vụ y tế; bên cạnh đó, Nghệ An là tỉnh có đông đồng bào các dân tộc, và nhiều đối tượng chính sách được hưởng đãi ngộ của nhà nước về BHYT; các cơ sở khám chữa bệnh (tuyến huyện) ở Nghệ An có chất lượng tương đối cao nên thu hút một lượng lớn người dân các tỉnh bạn sang khám chữa bệnh…

Nếu hướng xử lý bội chi sẽ thực hiện như BHXH Việt Nam áp đặt tại Công văn 1895, thì hàng năm Nghệ An sẽ phải cần nhiều trăm tỷ đồng từ “ngân sách địa phương hoặc nguồn khác” để bù đắp. Đặt ra vấn đề: Nếu ngân sách địa phương không đảm bảo và không có nguồn khác thì công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT ở Nghệ An trong những tháng còn lại của năm 2017 và những năm tiếp theo sẽ được duy trì ra sao?

Phẫu thuật cho bệnh nhân có BHYT tại Bệnh viện HNĐK tỉnh. Ảnh tư liệu
Phẫu thuật cho bệnh nhân có BHYT tại Bệnh viện HNĐK tỉnh. Ảnh tư liệu

Để trả lời được vấn đề này, cách duy nhất đó là cần xem lại hướng xử lý của BHXH Việt Nam tại Công văn 1895 đã chuẩn hay chưa!

Tại Khoản 4, Điều 35 (Phân bổ và sử dụng Quỹ BHYT) của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT (còn gọi là Luật BHYT số 46) quy định: “Trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có số thu bảo hiểm y tế dành cho khám bệnh, chữa bệnh nhỏ hơn số chi khám bệnh, chữa bệnh trong năm, sau khi thẩm định quyết toán, Bảo hiểm xã hội Việt Nam có trách nhiệm bổ sung toàn bộ phần kinh phí chênh lệch này từ nguồn quỹ dự phòng”.

Về quản lý và sử dụng quỹ dự phòng, Nghị định 105/NĐ-CP ngày 15/11/2014 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT quy đinh là để bổ sung nguồn kinh phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho tỉnh, thành phố trong trường hợp số tiền thu BHYT dành cho khám bệnh, chữa bệnh nhỏ hơn số chi khám bệnh, chữa bệnh trong năm.

Cũng tại Nghị định 105 nêu rõ, trường hợp quỹ dự phòng không đủ để bổ sung kinh phí khám bệnh cho các tỉnh, thành phố, BHXH Việt Nam báo cáo Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam phương án giải quyết trước khi báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tài chính. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ các biện pháp giải quyết để đảm bảo đủ và kịp thời nguồn kinh phí cho khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo quy định.

Theo những quy định nêu trên, rõ ràng hướng xử lý bội chi BHYT mà BHXH Việt Nam đề ra đã trái với quy định của Luật BHYT và các văn bản pháp quy hướng dẫn thực hiện luật này. Và như vậy, chỉ có thể nói rằng BHXH Việt Nam đang cố tình “đá bóng trách nhiệm” về các địa phương, trong đó có Nghệ An.

Hơn nữa, với hướng xử lý đã đề ra, chính BHXH Việt Nam đang làm trái nguyên tắc, ý nghĩa của chương trình BHYT toàn dân, với căn bản dựa trên tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách để mọi người dân Việt Nam được chăm sóc sức khỏe.

Gọn lại, rất cần có các giải pháp mạnh ngăn chặn các hành vi trục lợi BHYT để quản lý tốt quỹ BHYT. Nhưng về hướng xử lý bội chi BHYT mà BHXH Việt Nam đề ra tại Công văn 1895 là khó có thể chấp nhận!

Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN