3 biện pháp xử lý tổ chức kinh doanh chứng khoán không an toàn tài chính

26/09/2017 19:05

Biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính gồm: Cảnh báo; kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt.

Đây là quy định tại Thông tư 87/2017/TT-BTC do Bộ Tài chính mới ban hành quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính.

3 biện pháp xử lý tổ chức kinh doanh chứng khoán không an toàn tài chính
Ảnh minh họa

Đối với biện pháp cảnh báo, Thông tư nêu rõ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng cảnh báo trong các trường hợp: Tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180% trong tất cả các kỳ báo cáo trong 03 tháng liên tục; hoặc tỷ lệ vốn khả dụng đã được soát xét hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận từ 150% đến dưới 180%; hoặc báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp thuận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng sẽ dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng từ 150% đến dưới 180%.

Tổ chức kinh doanh chứng khoán được đưa ra khỏi tình trạng cảnh báo khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong 03 tháng liên tục, trong đó tỷ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Đối với biện pháp kiểm soát, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát trong các trường hợp: Tỷ lệ vốn khả dụng từ 120% đến dưới 150% trong tất cả các kỳ báo cáo trong 03 tháng liên tục; hoặctỷ lệ vốn khả dụng đã được soát xét hoặc được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận từ 120% đến dưới 150%; hoặc báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính mà tổ chức kiểm toán được chấp thuận đưa ra ý kiến không chấp thuận (hoặc ý kiến trái ngược), từ chối đưa ra ý kiến (hoặc không thể đưa ra ý kiến), ý kiến ngoại trừ một số chỉ tiêu của báo cáo này mà nếu trừ các ảnh hưởng ngoại trừ ra khỏi vốn khả dụng sẽ dẫn tới tỷ lệ vốn khả dụng từ 120% đến dưới 150%.

Thời hạn kiểm soát không quá 12 tháng, kể từ ngày tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng kiểm soát.

Tổ chức kinh doanh chứng khoán được đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong 3 tháng liên tục, trong đó tỷ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Kiểm soát đặc biệt

Theo Thông tư, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đặt tổ chức kinh doanh chứng khoán vào tình trạng kiểm soát đặc biệt trong các trường hợp sau: Tỷ lệ vốn khả dụng do công ty tự tính hoặc đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận dưới 120%; hoặc không khắc phục được tình trạng kiểm soát trong thời hạn 12 tháng quy định; hoặc không thực hiện báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính trong 02 kỳ báo cáo liên tiếp, hoặc không thực hiện kiểm toán hoặc soát xét báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính hoặc không công bố thông tin về báo cáo tỷ lệ an toàn tài chính đã được soát xét, kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận theo quy định...

Thời hạn kiểm soát đặc biệt không quá 04 tháng, kể từ ngày tổ chức kinh doanh chứng khoán bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Tổ chức kinh doanh chứng khoán được đưa ra khỏi tình trạng kiểm soát đặc biệt khi tỷ lệ vốn khả dụng đạt từ 180% trở lên trong 03 tháng liên tục, trong đó tỷ lệ vốn khả dụng tại kỳ báo cáo cuối cùng phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận.

Sau khi hết thời hạn kiểm soát đặc biệt theo quy định, nếu tổ chức kinh doanh chứng khoán vẫn không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp (chỉ tiêu lợi nhuận chưa phân phối trên bảng cân đối kế toán) đạt mức 50% vốn điều lệ trở lên thì bị đình chỉ hoạt động...

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 10/10/2017.

Theo chinhphu.vn

TIN LIÊN QUAN