Khám phá 'ngôi nhà xanh'

02/10/2017 10:10

(Baonghean) - Năm 2007, miền Tây Nghệ An được tổ chức UNESCO công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. 10 năm qua, từ phát huy tiềm năng, lợi thế, Khu dự trữ sinh quyển thế giới đã góp phần quan trọng vào bước phát triển chung của khu vực này.

Bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên

Theo kết quả điều tra, Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) miền Tây Nghệ An là nơi giao thoa hệ thống thực vật sống động của Đông và Tây dãy Trường Sơn trong những cánh rừng nguyên sinh có độ cao từ 1.000-2.000m.

“Ngôi nhà xanh” này hội tụ hơn 2.500 loài thực vật bậc cao, hơn 1.000 loài động vật trong đó có nhiều loại đặc hữu nằm trong Sách đỏ của Việt Nam và Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) như: hổ, báo, bò tót, sao la, quần thể voi hoang dã, pơ mu, sa mu, lim, sến, táu …UNESCO đánh giá miền Tây Nghệ An là một trong những Khu DTSQ giàu có bậc nhất về giá trị đa dạng sinh học và bản sắc văn hoá trong 9 khu DTSQ của Việt Nam.

Cán bộ kiểm lâm tuần tra công tác bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Ảnh: Mỹ Nga
Cán bộ kiểm lâm khảo sát công tác bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt. Ảnh: Mỹ Nga

Nơi đây không chỉ là vùng đất lôi cuốn các nhà khoa học mà còn là một điểm đến thú vị đối với du khách yêu thích khám phá thiên nhiên và các di sản văn hóa đặc sắc với những cảnh sắc như thác Khe Kèm (Con Cuông), thác Sao Va, thác 7 tầng (Quế Phong), “cổng trời” Mường Lống (Kỳ Sơn). Các di tích lịch sử mang nhiều nét văn hoá độc đáo, đặc trưng như đền Chín Gian ở Quế Phong, thành Trà Lân, cây đa Cồn Chùa ở Con Cuông, lễ hội Hang Bua ở Quỳ Châu …

Sự hài hoà giữa cảnh sắc kỳ vĩ của thiên nhiên và con người đã và đang đặt ra trách nhiệm lớn lao cho cấp uỷ, chính quyền, các ngành chuyên môn và cộng đồng địa phương phải làm sao thực hiện tốt 3 chức năng của khu DTSQ: Bảo tồn tính đa dạng; phát triển kinh tế - xã hội; hỗ trợ và duy trì truyền thống văn hoá, nghiên cứu, giám sát và giáo dục môi trường.

Đặc biệt, phát huy tối đa tiềm năng lợi thế về phát triển các ngành nông - lâm nghiệp, du lịch và dịch vụ ở khu vực còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội của tỉnh Nghệ An.

Vào cuộc với tinh thần “hành động”

Sau khi được tổ chức UNESCO công nhận, năm 2013, UBND tỉnh đã thành lập Ban Quản lý Khu DTSQ miền Tây Nghệ An, tạo tiền đề để điều phối, tổ chức các hoạt động, qua đó phát huy tiềm năng, lợi thế và các giá trị của Khu DTSQ miền Tây Nghệ An với các nhiệm vụ trọng tâm như: Tập hợp thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên; tổ chức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh và thu hút đầu tư vào khu DTSQ; xây dựng chiến lược phát triển bền vững dựa trên lợi thế, tiềm năng của khu DTSQ.

Người dân huyện Quế Phong ươm giống cây trồng rừng. Ảnh: Mỹ Nga
Người dân huyện Quế Phong ươm giống cây trồng rừng. Ảnh: Mỹ Nga

Với quan điểm xuyên suốt - cộng đồng vừa là chủ nhân của Khu DTSQ, vừa là đối tượng hưởng lợi chính từ các hoạt động bảo tồn và phát triển, BQL đã triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế, sinh kế cộng đồng liên kết giữa các địa phương với Vườn quốc gia Pù Mát và các khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Pù Hoạt.

Các sáng kiến kinh tế, giải pháp thay thế đều hướng tới phát triển xanh, trong đó BQL đang nỗ lực thực hiện gắn nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm Khu DTSQ miền Tây Nghệ An cho một số sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Phục hồi và phát huy những nghề truyền thống của đồng bào dân tộc là hướng phát triển bền vững. Ảnh: Mỹ Nga
Phục hồi và phát huy những nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa là hướng phát triển bền vững. Ảnh: Mỹ Nga

Sau 10 năm hoạt động, Khu DTSQ miền Tây Nghệ An đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong quản lý và điều phối hoạt động nhằm đảm bảo các mục tiêu và chức năng của Khu DTSQ. Về tự nhiên, sự đa dạng về loài, nguồn gen và các dịch vụ hệ sinh thái được đảm bảo. Công tác bảo vệ và phát triển rừng được thực hiện tốt, độ che phủ rừng tăng lên từ 54.2% năm 2007 lên 64.7% năm 2016.

Trong cơ cấu kinh tế của 9 huyện thuộc Khu DTSQ, lâm nghiệp có xu hướng tăng khá, thể hiện ở diện tích rừng sản xuất tăng, giá trị và sản lượng cũng tăng, chuyển hướng mạnh từ lâm nghiệp nhà nước thuần tuý sang lâm nghiệp xã hội có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.

Rừng săng lẻ Tương Dương. Ảnh: Trần Duy Ngoãn
Rừng săng lẻ Tương Dương. Ảnh: Trần Duy Ngoãn

Ấn tượng hơn, ở cấp khu vực và quốc tế, Khu DTSQ miền Tây Nghệ An là thành viên tích cực của mạng lưới các Khu DTSQ của Việt Nam, bước đầu hội nhập và tham gia mạng lưới Khu DTSQ của khu vực Đông Nam Á và châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.

Đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, để đạt được những kết quả trên là nhờ sự quan tâm từ các cơ quan, bộ, ngành Trung ương và sự chỉ đạo sát sao của tỉnh Nghệ An với nhiều cơ chế đặc thù để Khu DTSQ phát triển, sự hỗ trợ của các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, BQL Khu DTSQ cũng đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến để huy động sự đồng lòng, đoàn kết, thống nhất của nhân dân các dân tộc khu vực miền Tây Nghệ An. Trong giai đoạn tiếp theo, Khu DTSQ cần phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ các lợi thế đặc thù, tiếp tục đặt mục tiêu phát triển bền vững Khu DTSQ trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu gắn với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của miền Tây.

Cây Sa mu dầu nghìn năm tuổi. Ảnh: Trần Duy Ngoãn
Cây Sa mu dầu nghìn năm tuổi. Ảnh: Trần Duy Ngoãn
Theo yêu cầu của UNESCO, ngày 5/7 vừa qua tại huyện Con Cuông, BQL Khu DTSQ miền Tây Nghệ An phối hợp với MAB Việt Nam tổ chức hội nghị góp ý báo cáo đánh giá 10 năm hoạt động Khu DTSQ. Tại hội thảo, các nhà khoa học, các ngành, đơn vị cùng thảo luận về thực trạng, các giải pháp về công tác bảo vệ môi trường; giải pháp phát triển du lịch sinh thái, phát huy vai trò cộng đồng trong quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; xác định các thách thức, các cơ hội; đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm trong việc quản lý và khai thác tối đa lợi thế, tiềm năng mà Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây mang lại.

Mỹ Nga

TIN LIÊN QUAN