Các nước làm gì để kiểm soát súng đạn?
(Baonghean.vn) - Việc siết chặt kiểm soát súng đạn lại nóng lên ở Mỹ sau khi xảy ra vụ xả súng ở Las Vegas hôm 1/10. Dưới đây là cách kiểm soát súng đạn ở một số nước trên thế giới.
1. Australia
Số súng mà chính phủ Australia từng thu lại được trong chương trình mua lại súng từ người dân. Ảnh: Reuters |
Một trong những hành động đầu tiên sau khi nhậm chức Thủ tướng Australia của ông John Howard năm 1996, chính là tuyên bố một cuộc cải cách lớn về luật quản lý súng đạn ở nước này.
Tuyên bố được đưa ra chỉ 12 ngày sau khi 35 người chết do dính đạn từ khẩu súng trường quân dụng của một tay súng điên cuồng tại một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tasmania ngày 28/4/1996.
Vụ việc được biết đến với cái tên “Vụ thảm sát ở Cảng Arthur” đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng, kêu gọi chính quyền có biện pháp quản lý súng đạn chặt chẽ hơn.
Bởi vậy, Thủ tướng Howard đã triển khai hẳn một chiến dịch bài trừ súng đạn trên khắp đất nước Australia.
Ông còn thực hiện thành công chương trình mua lại súng, nhờ đó thu hồi được 650.000 khẩu súng từ người dân. Các loại súng trường có đạn cỡ lớn và súng săn đều bị cấm, việc cấp phép sử dụng súng cũng nghiêm ngặt hơn.
Và kể từ đó, Australia thường được người ta đem ra so sánh như “tấm gương” cho nước Mỹ noi theo. Chỉ vài năm sau khi vụ thảm sát ở cảng Arthur, mức độ rủi ro thiệt mạng vì bị súng bắn ở Australia đã giảm hơn 50% và đến nay vẫn duy trì ở mức này.
2. Anh
Lực lượng chống khủng bố Anh. Ảnh: Getty |
Sau vụ thảm sát ở Hungerford vào ngày 19/8/1987 khiến 16 người chết, chính phủ Anh đã lập tức đưa ra một bộ luật mới - Đạo luật súng đạn 1988, trong đó bắt buộc người dân phải đăng ký với chính quyền các loại súng săn, đồng thời cấm các loại vũ khí bán tự động.
9 năm sau đó, lại xảy ra một vụ xả đạn điên cuồng khiến 16 trẻ em ở độ tuổi từ 5-6 cùng một giáo viên thiệt mạng. Một bộ luật khác được chính phủ Anh thông qua, trong đó cấm hoàn toàn việc sở hữu súng lục ở nước này sau một chiến dịch vận động thành công.
Tuy nhiên, nước Anh lại một lần nữa rúng động vì một vụ thảm sát khác xảy ra vào tháng 6/2010 khiến 12 người chết và làm 30 người khác bị thương. Vụ việc một lần nữa lại đặt ra nhiều câu hỏi về tính hiệu quả của các bộ luật kiểm soát súng đạn ở nước Anh; và sau đó chính phủ lại bổ sung thêm điều luật mới, trong đó yêu cầu người dùng súng phải được cảnh sát và một bác sỹ tâm lý đánh giá là phù hợp.
3. Phần Lan
Ảnh minh họa: Internet |
Sau khi xảy ra vụ nã đạn vào trường trung học ở thị trấn Tuusula, miền Nam Phần Lan, khiến 8 người chết ngày 7/11/2007, Chính phủ Phần Lan bắt đầu ra thông báo về hướng dẫn mới đối với việc sử dụng súng, đặc biệt là đối với các loại súng lục.
Những người dân muốn sở hữu súng bắt buộc phải là thành viên một câu lạc bộ súng trong ít nhất 1 năm, và phải được đánh giá bởi cảnh sát và một bác sỹ tâm lý. Độ tuổi tối thiểu để sở hữu súng được nâng lên 20, thay vì 18.
4. Nhật Bản
Nhật Bản gần như cấm người dân sở hữu súng ngắn và quản lý súng trường rất nghiêm ngặt. Ảnh: The Atlantic |
Theo chính sách lâu đời của Nhật Bản, không có lý do đáng tin cậy về việc thường dân nên được sở hữu súng ngắn. Vì vậy, trừ vài chục tay súng lão luyện tham gia thi đấu, không ai có quyền sở hữu súng ngắn.
Ở Nhật, công chúng được sở hữu súng trường, nhưng dưới sự kiểm soát chặt chẽ. Người nộp đơn trước tiên phải tới đồn cảnh sát địa phương và nêu rõ ý định của mình. Họ phải dự lớp học cả ngày và qua được bài kiểm tra viết (được tổ chức mỗi tháng một lần).
Người nộp đơn còn phải đến bệnh viện để bác sĩ ký xác nhận rằng họ hoàn toàn khỏe mạnh, minh mẫn, không mắc chứng động kinh, trầm cảm, tâm thần phân liệt; không nghiện rượu, ma túy… Cảnh sát kiểm tra rất kỹ lý lịch người nộp đơn, thậm chí nói chuyện với hàng xóm của người nộp đơn xem họ có nóng tính, gặp rắc rối tài chính hay tình trạng gia đình có bất ổn hay không.
Người sở hữu súng phải nói cho cảnh sát biết khẩu súng được cất ở đâu trong nhà mình. Súng phải được giữ ở nơi có khóa, tốt hơn là xích lại, và không được giữ chung với đạn. Được phép để súng trong cốp xe hơi để chở tới trường bắn, nhưng lái xe không được ở cách xa xe. Cảnh sát sẽ kiểm tra súng mỗi năm một lần, và cứ ba năm một lần, người sở hữu súng phải học lại và thi lại.
5. Thụy Sĩ
Một tấm áp phích ở Geneva (Thụy Sĩ) của “phe thích súng” kêu gọi mọi người nói không với sáng kiến kiểm soát súng. Ảnh: AP |
Tỷ lệ phạm tội liên quan súng ở Thụy Sĩ thấp bắt nguồn từ một thực tế rằng, hầu hết súng là súng trường được phát cho nam giới khi họ thực hiện nghĩa vụ quân sự. Những thập kỷ gần đây, Thụy Sĩ giảm quy mô quân đội, kéo theo tỷ lệ phạm tội liên quan súng đi xuống.
Ông Martin Killias, nhà tội phạm học ở Đại học Zurich, nói rằng, khi quy mô quân đội co hẹp, bạo lực súng, đặc biệt là số vụ tự tử và giết người trong gia đình, giảm mạnh.
Tuy nhiên, vấn đề chính là bao nhiêu người có thể tiếp cận một khẩu súng, chứ không phải là tổng số vũ khí được sở hữu ở một quốc gia. “Ví dụ, tội phạm ở Thụy Sĩ không được vũ trang đầy đủ như tội phạm đường phố ở Mỹ”, ông Killias nói.
Những người chỉ trích quyền sở hữu súng ở Thụy Sĩ chỉ ra rằng, tỷ lệ tự sát bằng súng ở nước này cao hơn bất kỳ quốc gia nào khác ở châu Âu. Tuy nhiên, các nỗ lực siết quản lý vũ khí và buộc lính nghĩa vụ trả lại súng sau khi được huấn luyện đã không đạt được kết quả. Trong các cuộc trưng cầu dân ý năm 2012, đa số người dân Thụy Sĩ không đồng tình với việc thắt chặt quản lý súng đạn.
6. Brazil
Cảnh sát, quân đội Brazil chuẩn bị tấn công băng đảng ma túy trong khu ổ chuột ở Rio de Janeiro. Ảnh: NB |
Kể từ năm 2003, Brazil gần như cấm cửa người dân động đến súng đạn. Chỉ có cảnh sát, người hoạt động trong lĩnh vực có độ rủi ro cao và những người chứng minh được tính mạng của họ bị đe dọa mới được xét cấp giấy phép sở hữu súng. Người nào bị phát hiện mang theo vũ khí mà không có giấy phép có thể ngồi tù 4 năm.
Guaracy Mingardi, chuyên gia tội phạm và an toàn công cộng, nhà nghiên cứu tại Fundacao Getulio Vargas (cơ quan tư vấn lớn nhất Brazil), nói rằng, luật cấm súng năm 2003 đã giúp giảm tỷ lệ giết người bằng súng đạn ở một số khu vực.
Brazil muốn cảnh sát sử dụng các loại súng có độ sát thương cao hơn. Tuy nhiên, bà Ligia Rechenberg, điều phối viên Sou da Paz (tổ chức ngăn bạo lực), cho rằng, điều đó có thể khiến tình hình tồi tệ hơn. Bà nói rằng, cảnh sát sẽ mua loại vũ khí mà “họ không biết xử lý và điều này khiến họ và người dân gặp nguy hiểm”.
Thái Bình
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|