Bệnh viện PHCN Nghệ An: Địa chỉ tin cậy điều trị bệnh bại não ở trẻ

05/10/2017 08:25

(Baonghean) - Hiện nay có khá nhiều chương trình nói về việc chữa bại não như: điện chẩn, châm cứu bấm huyệt, ghép tế bào gốc, oxy cao áp... Tuy nhiên, khoa học trên thế giới chỉ công nhận phục hồi chức năng là phương pháp tốt nhất và có hiệu quả nhất với tất cả các trẻ bại não. Vì vậy, nhiều gia đình đã tìm đến Bệnh viện PHCN Nghệ An để điều trị cho con mình.

Bệnh bại não là gì?

Bại não là cách gọi tiếng Việt của Cerebral Palsy (CP) mà nhiều nhà chuyên môn và phụ huynh thường quen dùng, nhưng theo chúng tôi cách gọi này mang tính bi quan và gây hoang mang cho các bậc phụ huynh, chúng ta nên dịch sát nghĩa là “tổn thương não”. Bại não không phải là bệnh, bởi bại não là từ mô tả một loạt những tổn thương từ não bộ gây ảnh hưởng đến sự phát triển chức năng vận động, ngôn ngữ, cảm giác của trẻ…

Ân cần chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Thanh Thủy
Ân cần chăm sóc bệnh nhân. Ảnh: Thanh Thủy


Triệu chứng chủ yếu của chứng bại não gồm có: rối loạn vận động, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn trí tuệ, rối loạn thị giác, rối loạn thính giác và rối loạn tinh thần. Cần nắm được các triệu chứng của chứng bại não để chẩn đoán sớm, điều trị sớm, giúp cải thiện khả năng phục hồi của người bệnh.

Nguyên nhân gây chứng bại não được chia thành 3 loại: Trước khi sinh, trong thai kỳ và sau khi sinh. Nguyên nhân mắc bệnh trong quá trình mang thai chiếm 60% - 65%, nguyên nhân trước khi sinh chiếm 30% - 40%, nguyên nhân sau khi sinh chiếm 12%. Tìm hiểu nguyên nhân gây ra bại não, hiểu rõ các triệu chứng của bại não, chẩn đoán kịp thời, thì cơ hội hồi phục sẽ rất cao.

Hiện nay không có phương pháp nào chẩn đoán chính xác về bại não, bác sĩ thường phải quan sát trong thời gian dài để xác định bại não (khám trương lực cơ, sự phát triển vận động, giao tiếp…). Ngoài ra các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như siêu âm não qua thóp, chụp cắt lớp vi tính (CT), đặc biệt là chụp cộng hưởng từ (MRI) cho biết những thông tin giá trị về tổn thương não.

Các xét nghiệm hóa sinh hay di truyền tùy theo hướng chẩn đoán trên lâm sàng. Đo điện não đồ (EEG) cũng là một xét nghiệm cơ bản không thể thiếu trong chẩn đoán bại não cũng như các bệnh của hệ thần kinh trung ương khác.

Tỷ lệ phát chứng bại não khoảng 1,2 - 2,5% (với mỗi nghìn ca sống sót sau khi sinh). Trên 90% trẻ em bị bại não sẽ sống đến thời kỳ trưởng thành, chỉ có những đứa trẻ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất sẽ không có khả năng sống sót hoặc thời gian sống rất ngắn.

Bại não điều trị như thế nào?

Hiện nay có khá nhiều chương trình nói về việc chữa bại não như: Điện chẩn, châm cứu bấm huyệt, ghép tế bào gốc, oxy cao áp... Tuy nhiên khoa học trên thế giới chỉ công nhận phục hồi chức năng là phương pháp tốt nhất và có hiệu quả nhất với tất cả các trẻ bại não.

Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An, hiện nay bệnh bại não ở trẻ đang được điều trị rất hiệu quả bằng nhiều phương pháp, với sự trợ giúp của nhiều chuyên gia, chương trình phục hồi chức năng cho trẻ bại não đầy đủ của bệnh viện bao gồm: phục hồi các rối loạn vận động như làm bớt co cứng, múa vờn hay rối loạn trương lực cơ; tập luyện khả năng điều khiển tự chủ; điều trị các rối loạn thính giác, thị giác, động kinh nếu có.

Tập luyện chức năng cho trẻ bại não có đặc điểm là trẻ chưa hề biết những động tác mà kỹ thuật viên tập cho, nên các kỹ thuật viên tiến hành rất kỹ lưỡng, theo trình tự phát triển vận động của trẻ bình thường.

Bà Thái Thị Xuân - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An trao quà Tết Trung thu và phần thưởng cho các cháu con cán bộ bệnh viện, các bệnh nhi đang điều trị. Ảnh: Thanh Thủy
Bà Thái Thị Xuân - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An trao quà Tết Trung thu và phần thưởng cho các cháu con cán bộ bệnh viện, các bệnh nhi đang điều trị. Ảnh: Thanh Thủy


Ngoài tập ra, cần chú ý thêm sự giao tiếp, tinh thần của trẻ bại não để trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp xã hội. Đối với trẻ lớn, cần phải học cách độc lập trong sinh hoạt hằng ngày (chẳng hạn vệ sinh cá nhân). Tránh để trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào người thân, nếu trẻ có thể tự làm.

Bé N.A (hơn 3 tuổi, Anh Sơn, Nghệ An) bị bại não hơn 2 năm nay. Bố của bé, anh Hải cho biết: Lúc A. mới được 2 tháng tuổi, trong lúc đang ngủ bỗng giật mình tỉnh giấc khi nghe tiếng động của chiếc xe phanh gấp gần nhà.

Sau đó, bé ngủ tiếp, nhưng khi tỉnh dậy A. gồng người và có biểu hiện không bình thường phải đưa vào điều trị tại bệnh viện. Nhưng điều trị ở tuyến dưới khá lâu, tiến triển chậm, nên anh Hải xin phép được chuyển viện đến Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An. Gia đình rất hy vọng cháu A sẽ sớm bình phục.

Còn bà Thuyên (50 tuổi, ở Nghi Lộc, Nghệ An) thì sinh con khi ở tuổi 40. Sau sinh đến tháng thứ 9, bé K.B con bà thường ngày vẫn nằm im, không gọi bố mẹ, không ngóc đầu lên được, mà chỉ gồng mình. Sáu năm đi tập vật lý trị liệu, hiện giờ đôi nẹp chân của bé K.B đã tháo đến dưới đầu gối thay vì nẹp lên đến đùi như ngày mới tập, K.B đã đi được đoạn ngắn mà không nhờ đến mẹ dắt, chân tay cũng mềm hơn, ít gồng cứng như trước kia.

Th.s Thái Thị Xuân - Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An cho biết: Việc tập phục hồi chức năng cho trẻ bại não nên bắt đầu càng sớm càng tốt vì sẽ tránh được các biến dạng co rút cơ, khớp và giúp trẻ phát triển các kỹ năng vận động sớm.

Việc tập phục hồi chức năng cho trẻ bại não phải kiên trì, lâu dài, chứ không thể một sớm một chiều là cải thiện được bệnh của trẻ. Cũng có trường hợp, việc tập này kéo dài gần như cả cuộc đời. Tại Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An, các bé được các kỹ thuật viên hướng dẫn tỉ mỉ từng phương pháp tập. Không chỉ tập riêng cho bé, bác sĩ, kỹ thuật viên còn tập cho trẻ theo nhóm để trẻ vừa tập, vừa được chơi với bạn bè qua đó sớm hội nhập với các bạn đồng lứa.

Thanh Thủy

TIN LIÊN QUAN