Cần có quy định đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền

13/10/2017 18:06

(Baonghean.vn) - Đó là vấn đề được nêu ra tại hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức chiều 13/10.

» Chủ tịch Quốc hội: Không cổ phần hóa bằng mọi giá

Ông Nguyễn Thanh Hiền – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị.
Ông Nguyễn Thanh Hiền – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Tại hội nghị, các đại biểu thống nhất tính cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng Luật nhằm nhằm xử lý các vấn đề cấp bách, cần thiết đang đặt ra trong hoạt động tín dụng ngân hàng hiện nay; đồng thời đảm bảo tính thống nhất với Hiến pháp và các Luật liên quan như: Luật Phá sản, Luật Doanh nghiệp…

Ông Cao Văn Hợi - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An cho biết, hiện tại, việc quy định mức chi trả bảo hiểm tiền gửi đang đặt ra những bất cập, mới chỉ chi trả 75 triệu đồng/người gửi; trong khi đó, thực tiễn một người có nhiều sổ gửi tiết kiệm với số tiền hàng trăm, thậm chí là hàng tỷ đồng.

Mặt khác, việc xử lý bảo hiểm tiền gửi hiện hành được thực hiện từ chênh lệch bán tài sản và thu hồi nợ của ngân hàng; tuy nhiên, khi một tổ chức tín dụng rơi vào kiểm soát đặc biệt hay tuyên bố phá sản thì việc thu hồi nợ rất khó khăn, thời gian có thể kéo dài 10 hoặc 20 năm…

Bởi vậy, theo ông Hợi việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này cần có quy chế việc chi trả số tiền gửi của khách hàng từ nguồn ngân sách để tạo sự yên tâm cho khách hàng.

Đồng tình với ý kiến của ông Cao Văn Hợi, bà Lê Thị Mậu Lý - Phó Giám đốc Ngân hàng BIDV, Chi nhánh Nghệ An, cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng cần có quy định để đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền vẫn được thực hiện đầy đủ các quyền lợi bình thường khi đến thời hạn rút tiền nhưng ngân hàng bị rơi vào kiểm soát đặc biệt.

Ông Võ
Ông Cao Văn Hợi – Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An tham gia ý kiến tại hội nghị. Ảnh: Mai Hoa

Một số đại biểu cũng cho rằng, cần rà soát và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém với cơ chế kiểm soát đặc biệt trên cơ sở các nguyên tắc công khai, minh bạch…

Ông Trần Văn Đức - Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh Nghệ An, cho rằng: Hoạt động của các tổ chức tín dụng chịu ảnh hưởng lớn vào tâm lý khách hành, có sự lan tỏa và hiệu ứng dây chuyền lớn. Vì vậy cần đặt kiểm soát đặc biệt khi ngân sách gặp khó khăn; kèm theo đó có hình thức cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo hướng phục hồi hoặc chuyển giao, tránh phá sản.

Một số đại biểu cũng đề xuất cần quy định cụ thể về quyền lợi và trách nhiệm đối với những người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt…

Phó trưởng
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thanh Hiền.

Ông Nguyễn Thanh Hiền cho biết, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời làm cơ sở để đoàn tham gia ý kiến thảo luận tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, dự kiến khai mạc vào ngày 23/10 tới.

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN