(Baonghean.vn) - Phụ nữ miền trung du Thanh Chương có một nghề đặc biệt gắn liền với ruộng đồng và những bó tre, tuy vất vả nhưng đem lại thu nhập khá là nghề 'cắm que câu cua'.
|
Những cánh đồng sau lũ, đang còn mênh mông nước là nơi câu cua thuận lợi nhất. Ảnh: Huy Thư |
|
Đi câu cua chủ yếu là phụ nữ, công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi tính kiên trì, chịu khó. Họ thường đi theo nhóm 3 - 4 người, cùng làm trên một cánh đồng. Phương tiện câu cua khá đơn giản, là những que tre nhỏ như cây đũa, dài khoảng 0,8m, một đầu vót nhọn để mắc mồi. Ảnh: Huy Thư |
|
Mỗi người đi câu thường có trên dưới 100 cái câu. Làm câu 1 lần, đi câu được mấy năm. Trong quá trình câu, mồi câu sẽ được bổ sung theo đợt hoặc thay mồi rải mỗi lần lấy câu. Mồi câu là giun đất còn tươi sống, khi chuẩn bị xuống ruộng mới mắc mồi vào câu. Mồi lớn, tươi thì câu được thời gian lâu hơn. Ảnh: Huy Thư |
|
Sau khi rải câu, chờ cho cua đến ăn mồi, người câu sẽ đi lấy cua, thường thì cắm xong chiếc câu cuối cùng sẽ quay lại lấy cua ngay, bắt đầu với chiếc câu được cắm đầu tiên. Câu cua kiểu này không có phao chỉ đợi một khoảng thời gian rồi đi lấy. Lúc lấy câu, người câu phải cúi thấp xuống mặt nước, dùng tay chộp lấy đầu câu, cầm luôn cả con cua lúc đó đang quắp thân câu ăn mồi. Ảnh: Huy Thư |
|
Cả câu và cua cùng được đưa lên mặt nước. Ảnh: Huy Thư |
|
Câu cua thường phải câu ở chỗ ruộng sâu, vì ruộng cạn đã bị người hoặc gia cầm nhặt hết cua. Đi câu cua không ngồi trên bờ như đi câu cá, phải liên tục lội ruộng, hết lấy cua, thay mồi, lại dời câu… Người đi câu luôn phải dầm mình trong nước, quần áo ướt sũng. Ảnh: Huy Thư |
|
Cua câu thường là những con to, già được người tiêu dùng và dân buôn ưa thích, vì vậy cua câu cũng bán được giá hơn cua nhủi hay cua móc hang. Ảnh: Huy Thư |
|
Chị Bùi Thị Thủy (45 tuổi) ở xóm 4 Thanh Lương - người có thâm niên gần chục năm trong nghề cho biết: “Mỗi Ngày thường chỉ đi câu vào buổi sáng, còn buổi chiều nghỉ lấy sức, đi kiếm mồi câu, những ai khỏe mới đi làm được 1 ngày 2 buổi”. Mỗi buổi đi câu, một người kiếm được 5 - 7 kg cua, về bán cho lái buôn trong làng với giá 50 nghìn đồng/kg. Sau mùa lũ, cua sinh sôi nhiều hơn, cũng là điều kiện thuận lợi cho những người câu cua kiếm thêm thu nhập. Ảnh: Huy Thư |
Huy Thư