Mỹ thử nghiệm áo chống đạn 'càng bắn càng bền'
Mỹ đang thử nghiệm vật liệu PUU, cho phép chế tạo áo giáp có khả năng bảo vệ tỷ lệ thuận với sức sát thương của đạn.
Lính Mỹ mang áo chống đạn làm từ vật liệu Kevlar và gốm. Ảnh minh họa: Defense One |
Phòng nghiên cứu của lục quân Mỹ và Viện công nghệ nano quân sự thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã giới thiệu vật liệu đàn hồi poly urethane urea (PUU), được coi là bước đột phá cho công nghệ sản xuất áo chống đạn.
Loại vật liệu này được mô tả là bền gấp 10 lần thép nhưng lại mềm mại như vải, với khả năng "càng bắn càng bền", theo National Interest.
Sức bền của loại vật liệu này rất ấn tượng, nhưng chính độ linh hoạt mới là điều khiến PUU khác biệt so với giáp thép và gốm thông thường. PUU có nguyên lý giống lớp giáp bằng xích sắt thời Trung cổ, trong đó các sợi PUU được bện vào với nhau thành một mạng lưới phức tạp, giúp chúng biến dạng và trở về hình dạng ban đầu sau khi chịu lực tác động từ viên đạn.
Sự linh hoạt này khiến chúng hấp thụ được nhiều năng lượng từ đạn 7,62x39 mm hơn, đồng thời tăng khả năng tái sử dụng, thay vì phải bỏ đi như giáp gốm.
Không chỉ vậy, mô hình phân tử độc đáo của PUU khiến chúng không chỉ bền hơn giáp thông thường, mà hiệu quả bảo vệ còn tỷ lệ thuận với năng lượng của viên đạn. Theo đó, đạn có sức sát thương càng lớn, khả năng bảo vệ người dùng của giáp PUU càng tăng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng PUU có thể ứng dụng vào nhiều trang bị bảo vệ, gồm áo chống đạn, kính bảo vệ mặt, giày và găng tay chống mìn. Tuy PUU vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, quân đội Mỹ dự định triển khai áo giáp từ vật liệu này nhanh hơn các thiết bị trước đây.
Theo VNE