Làm du lịch nội địa phải ký quỹ 100 triệu đồng
Sắp tới, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có thể sẽ phải ký quỹ 100 triệu đồng thay vì không phải ký quỹ như hiện nay. Trong trường hợp kinh doanh cả ba mảng gồm nội địa, inbound và outbound thì số tiền ký quỹ lên đến 850 triệu đồng thay vì 500 triệu đồng.
Quy định này có trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch 2017 đang được Tổng cục Du lịch lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ.
Theo đó, mức ký quỹ kinh doanh lữ hành nội địa là 100 triệu đồng, kinh doanh dịch vụ lữ hành với khách quốc tế đến Việt Nam (inbound) là 250 triệu đồng và kinh doanh dịch vụ lữ hành với du khách ra nước ngoài (outbound) là 500 triệu đồng.
Doanh nghiệp ký quỹ tại hệ thống ngân hàng thương mại. Số tiền này phải duy trì suốt thời gian hoạt động và được hưởng lãi suất theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp và ngân hàng.
Tương tự như quy định hiện tại, tiền ký quỹ sẽ được sử dụng trong các trường hợp xảy ra tai nạn với khách du lịch hoặc các trường hợp khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí kịp thời giải quyết hoặc khi doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Hướng dẫn viên đang hướng dẫn du khách trên một thuyền du lịch ở Cần Thơ. |
Hiện nay, doanh nghiệp đang thực hiện ký quỹ theo quy định của Nghị định số 180/20/NĐ-CP, với mức 250 triệu đồng cho kinh doanh inbound; nếu chỉ làm outbound hoặc làm cả outbound lẫn inbound thì mức ký quỹ chung là 500 triệu đồng. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, tính đến hết năm ngoái, cả nước có 1.600 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, tức là những công ty phải ký quỹ.
Trao đổi với PV, có hai luồng ý kiến về mức ký quỹ mới. Có ý kiến cho rằng, quy định mới, với yêu cầu về tiền ký quỹ tăng lên sẽ gây khó khăn với doanh nghiệp, đặc biệt là với những công ty có quy mô nhỏ.
"Có thể vài trăm triệu đồng không đáng là bao so với công ty lớn nhưng sẽ là vấn đề với công ty nhỏ. Nếu muốn kinh doanh cả ba mảng thì phải đóng đến 850 triệu đồng sẽ ngăn cản những công ty nhỏ đa dạng hóa thị trường", ông Trần Xuân Hùng, Giám đốc Công ty Du lịch Viking nói.
Hiện nay, công ty đang ký quỹ 500 triệu đồng để kinh doanh outbound và inbound. Lãi suất cho khoản tiền này là 6%/năm. Vấn đề mà doanh nghiệp này quan tâm không chỉ là số tiền ký quý có thể phải tăng thêm 250 triệu đồng nếu quy định mới được thực hiện mà gần như số tiền này là số tiền chết vì chưa thấy cơ quan quản lý sử dụng để giải quyết sự vụ nào mang lại quyền lợi cho người tiêu dùng.
Luồng ý kiến khác cho rằng, tuy mức ký quỹ mới cao hơn hiện tại nhưng cũng là điều kiện cần thiết giúp sàng lọc doanh nghiệp. Du lịch là ngành kinh doanh có điều kiện, liên quan đến an toàn và mạng sống của con người nên cần những chế tài để chọn lựa những công ty có đủ điều kiện kinh doanh. Ở nhiều nước khác, điều kiện về kinh doanh lữ hành còn ngặt nghèo hơn, đặc biệt với mảng outbound, số lượng giấy phép được cấp rất hạn chế.
"Mục đích của tiền ký quỹ đã được xác định rõ. Vấn đề là cách quản lý và sử dụng. Nếu công ty không đủ số tiền đó để đóng thì khi rủi ro xảy ra sẽ giải quyết ra sao", một doanh nghiệp nói.
Theo Kinh tế Sài Gòn
TIN LIÊN QUAN |
---|