Phát triển đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước: Tập trung tháo gỡ các nút thắt
(Baonghean) - Những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai Đề án phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân (DNTN) và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DNCVĐTNN) theo Đề án 5155 đòi hỏi cấp ủy các cấp phải chủ động vào cuộc quyết liệt hơn để tìm ra “chìa khóa” tháo gỡ các nút thắt. Qua đó, tạo bước đột phá cho công tác phát triển tổ chức Đảng và đảng viên trong doanh nghiệp.
Không khoán trắng cho cấp dưới
Nghệ An đặt ra mục tiêu đến năm 2020, có trên 50% số DNTN, DNCVĐTNN trong phạm vi thực hiện đề án thành lập được tổ chức Đảng: 70% thành lập được tổ chức công đoàn và 60% thành lập được tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh hoặc Hội Liên hiệp thanh niên.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, điều cốt yếu nhất vẫn là sự chuyển động, vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của cấp ủy các cấp. Sau khi sơ kết chặng đường 3 năm, cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội cần rà soát lại kế hoạch, xây dựng đề cương cụ thể cho công tác tuyên truyền, vận động, trong đó nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, tránh tình trạng hô khẩu hiệu chung chung hoặc phó mặc, khoán trắng cho cấp dưới triển khai.
Công nhân Nhà máy thức ăn gia súc AustFeed Nghệ An ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Ảnh: Nguyên Sơn |
Đồng chí Thái Khắc Thư - Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh Nghệ An cho rằng: Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp là phải làm sao để giúp chủ doanh nghiệp nhìn thấu được những lợi ích thiết thực khi được tham gia sinh hoạt trong tổ chức đảng, đoàn thể,… đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ.
Muốn thế, cấp ủy, chính quyền các địa phương phải thực sự đồng hành và sâu sát với hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng, giảm bớt các thủ tục phiền hà, hỗ trợ tích cực khi doanh nghiệp gặp khó. Qua đó, cho các DNTN, DNCVĐTNN thấy được vai trò cầu nối rõ hơn, hiệu quả hơn khi có tổ chức đảng so với khi không có tổ chức đảng trong chính doanh nghiệp mình.
Đơn cử như tại huyện Yên Thành, xác định cả hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng trong thực hiện Đề án 5155, Huyện ủy tập trung chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trực tiếp khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh của các DNTN để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chủ doanh nghiệp, cũng như tình hình hoạt động của các tổ chức đảng, đoàn thể.
“Trên cơ sở những thu thập đó, huyện mới tiến hành phân tích và xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên; tạo điều kiện cho quần chúng ưu tú trong doanh nghiệp nói chung và chủ doanh nghiệp nói riêng tham gia các lớp bồi dưỡng tạo nguồn kết nạp đảng viên”, đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết.
Hiệu ứng từ những hạt nhân
Một cách khác cũng không kém phần hiệu quả nhằm xoay chuyển chiếc “chìa khóa” nhận thức chủ doanh nghiệp, chính là phát huy tối đa sức lan tỏa từ những hạt nhân là tổ chức đảng, đảng viên là người lao động trong chính doanh nghiệp đó. “Hữu xạ tự nhiên hương” - khi mỗi người đảng viên chứng minh vai trò tiên phong, gương mẫu của mình trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, chắc chắn sẽ gây được ấn tượng và cảm tình tốt với chủ doanh nghiệp và nâng cao vai trò và uy tín của chi bộ.
Với suy nghĩ này, Huyện ủy Yên Thành xác định thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung hỗ trợ các tổ chức cơ sở đảng đã được thành lập trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tốt nề nếp, giờ giấc sinh hoạt, gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành nguyên tắc lao động, làm sao để doanh nghiệp thấy việc có tổ chức đảng sẽ mạnh hơn, đoàn kết và phát triển ổn định hơn.
“Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như Nhà máy may Nhật Bản, huyện chỉ đạo các chi bộ nơi cư trú tạo nguồn, kết nạp đảng viên là công nhân đang làm việc trong nhà máy để khi đủ điều kiện, đủ số lượng đảng viên có thể triển khai thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp” - đồng chí Nguyễn Viết Hưng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết thêm.
Hay như tại huyện Quỳ Hợp, là tổ chức đảng nòng cốt trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn, Chi bộ Công ty Khai thác đá vôi Yabashi Việt Nam luôn khẳng định mình là “hạt nhân” trong sự phát triển chung của doanh nghiệp, với những “chiến lược” cụ thể để vừa phát triển tổ chức đảng về quy mô, vừa nâng cao chất lượng kết nạp, xây dựng và gìn giữ hình ảnh đẹp về người đảng viên trong lao động sản xuất trong cái nhìn của ông chủ nước ngoài. Bộc bạch về những thành công đã gặt hái được, đồng chí Đào Văn Xuân - Bí thư Chi bộ Công ty Khai thác đá vôi Yabashi cho biết: “Chi bộ có 17 đảng viên, tất cả đều là những lao động ưu tú, nhiều đồng chí được tin tưởng giao phó vai trò quản lý trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.
Mỗi một đảng viên trong chi bộ luôn nỗ lực, giữ gìn hình ảnh phẩm chất người đảng viên, chứng tỏ vai trò thông qua việc nêu cao thái độ gương mẫu trong mọi việc, nâng cao hiệu quả về sản xuất, doanh thu, bảo đảm an toàn cho người lao động, nhờ vậy được chủ lao động tin tưởng và tín nhiệm cao, tạo điều kiện cho chi bộ hoạt động đều đặn, đảm bảo chất lượng”.
Để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với chất lượng sinh hoạt, Chi bộ Công ty Khai thác đá vôi Yabashi Việt Nam phần lớn tổ chức sinh hoạt vào buổi tối, ngoài giờ làm việc. Từ năm 2004 đến nay, chi bộ phát triển thêm 14 đảng viên, đều là những cá nhân năng động, sáng tạo có thành quả nổi bật trong sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, chi bộ vẫn cảm thấy một số khó khăn trong quá trình học đối tượng đảng, khi thời gian làm việc eo hẹp, thời gian học khá dài nên khó cân đối đồng đều. Để tiếp tục làm tốt hơn công tác phát triển đảng tại doanh nghiệp này, người đứng đầu chi bộ cũng thẳng thắn đề nghị cấp ủy cấp trên tạo điều kiện hơn nữa để người lao động tham gia học cảm tình đảng, làm sao để rút ngắn thời gian học lớp đảng viên mới nhưng vẫn đảm bảo khối lượng kiến thức cần có mà không ảnh hưởng quá nhiều đến thời gian lao động sản xuất ở công ty.
Những kiến nghị, đề xuất như của Chi bộ Công ty Khai thác đá vôi Yabashi Việt Nam đã được Huyện ủy Quỳ Hợp tiếp thu, ghi nhận và lên kế hoạch giải quyết, tháo gỡ, nhằm mục đích cuối cùng là thực hiện hiệu quả hơn đề án. Ở góc độ bao quát, tổng thể hơn, đơn vị “điểm” đã quyết định đề xuất Tỉnh ủy xem xét cho phép giảm một số chỉ tiêu trong đề án về công tác phát triển đảng viên và tổ chức Đảng trong DNTN và DNCVĐTNN tại địa phương cho phù hợp với tình hình.
Cụ thể, Quỳ Hợp cho rằng mỗi năm thành lập mới từ 3-5 tổ chức đảng trong các DNTN, DNCVĐTNN là khó thực hiện, lý do là hiện nay trong tổng số hơn 350 doanh nghiệp thì chỉ có 47 doanh nghiệp có trên 40 lao động, 22 doanh nghiệp có từ 10 lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, hơn 200 doanh nghiệp rơi vào tình trạng ngừng hoạt động sản xuất và phá sản.
Qua đây, phần nào thấy được độ “vênh” giữa kỳ vọng đặt ra ban đầu với thực tiễn triển khai đề án trong thời gian qua. Và có lẽ sự điều chỉnh trong chừng mực nhất định để đề án sát thực, bám thực tế hơn, tránh tình trạng các địa phương “hụt hơi, quá sức” là việc cần thiết trong thời gian tới.
Chủ động tạo nguồn
Theo ông Đặng Tố Duyệt - Phó ban Tổ chức Thành ủy Vinh, muốn xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp thì trước hết phải có đảng viên. Và trong điều kiện khó khăn trong công tác phát triển tổ chức Đảng và đảng viên hiện nay, cần tăng cường công tác kết nạp đảng viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề để bổ sung cả số lượng và chất lượng đảng viên cho các DNTN, DNCVĐTNN.
Thực tế hiện nay, đòi hỏi chúng ta phải tích cực, chủ động tìm nguồn. Nhất là đối với việc kết nạp các đảng viên là chủ doanh nghiệp, phải vận dụng khéo léo, tinh tế các mối quan hệ để “tiếp cận” họ, tạo mối quan hệ thân thiết, gần gũi thì mới có điều kiện để vận động, tuyên truyền hiệu quả. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền cần nghiên cứu các chế độ chính sách, tạo cơ hội cống hiến, thăng tiến, cơ hội học tập cho những đảng viên có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt nhằm tạo động lực để người lao động trong DNTN, DNCVĐTNN rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.
Sản xuất ke chống bão tại Công ty Định Nhàn. Ảnh: Hoàng Vĩnh |
Từ thực tiễn địa phương, đồng chí Đinh Thị Tâm - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghi Lộc kiến nghị: Hiện nay, có một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn huyện nhưng tổ chức Đảng không trực thuộc huyện, trong khi các tổ chức chính trị - xã hội lại trực thuộc huyện.
Vì thế, tỉnh cần chỉ đạo củng cố, sắp xếp lại mô hình tổ chức Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước cho thống nhất với quy mô và thẩm quyền quản lý để thuận tiện hơn cho công tác phát triển tổ chức Đảng và đảng viên.
Đồng chí Lê Quốc Khánh - Phó ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy khẳng định: Vai trò của tổ chức Đảng và đảng viên trong DNTN, DNCVĐTNN có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động, góp phần phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và an sinh xã hội.
Vì vậy, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện Đề án 5155, sửa đổi bổ sung quy chế hoạt động, đổi mới phương pháp, cách thức làm việc của các thành viên theo hướng sát thực, bám việc, bám địa bàn. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy sẽ thành lập các đoàn công tác, tăng cường kiểm tra, giám sát, làm việc với cơ sở mỗi quý 1 lần và lập báo cáo kết quả ở đơn vị gửi Ban Chỉ đạo. Tất cả nhằm mục tiêu đưa công tác phát triển đảng trong DNTN-DNCVNN ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Khánh Ly - Thu Giang
TIN LIÊN QUAN |
---|