Tuyên bố bất ngờ: Dòng tiêm kích thế hệ 5 thực chất là Su-35

15/11/2017 10:16

Theo Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin, thực chất Su-35 là dòng tiêm kích thế hệ 5 bấy lâu nay được biết đến dưới mác thế hệ 4++.

Tuyên bố bất ngờ

Tuyên bố gây bất ngờ của ông Dmitry Rogozin được đưa ra nhân sự kiện lần đầu tiêm kích Su-35 bay trình diễn tại Triển lãm Dubai Airshow.

"Su-35 là thế hệ thứ 5, nhưng nó rẻ hơn nhiều so với bất kỳ máy bay thế hệ thứ năm nào, và sự khác biệt của nó chỉ là một: vũ khí là trên một hệ thống treo bên ngoài, chứ không phải bên trong.

Nhưng trên thực tế, nó là một máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm- xét về hệ thống radar, với khả năng có thể bám sát một số mục tiêu cùng một lúc và tiêu diệt chúng. Su-35 có khả năng vô hình đối với kẻ thù và nhìn thấy kẻ thù cùng một lúc. Tôi chắc chắn rằng máy bay này có một tương lai tuyệt vời" - Rogozin nhấn mạnh.

Pho Thu tuong Nga noi that suc manh tiem kich Su-35
Tiêm kích Su-35.

Để làm được nhiệm vụ như Phó thủ tướng Dmitry Rogozin tuyên bố, Su-35 được trang bị động cơ với vector lực đẩy điều khiển. Máy bay sử dụng công nghệ của thế hệ thứ năm, cung cấp một số ưu thế tốt hơn các máy bay chiến đấu cùng lớp tương đương do nước ngoài sản xuất.

Tuyên bố của ông Dmitry Rogozin là khá bất ngờ nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia, dù đang thuộc thế hệ 4++ nhưng Su-35 của Nga sở hữu đầy đủ những tính năng tiệm cận với chiến đấu cơ thế hệ 5.

Về tính năng bay, thiết kế tối ưu, tốc độ và sự cơ động cùng khả năng điều khiển bay giúp nó có thể đánh bại tất cả các dòng chiến đấu cơ phương Tây. Những gì Su-35 có thể làm được trên bầu trời có thể trái với tất cả các định luật vật lý, khiến có chuyên gia Trung Quốc phải so sánh nó với UFO!

Chiếc máy bay Nga được thiết kế để nó sở hữu những tính năng bay có một không hai. Chẳng hạn, chỉ riêng Su-35 có thể thực hiện động tác "xoắn ốc trên mặt phẳng", mà cho đến nay đối với đa số các máy bay khác vẫn coi là chế độ cực kỳ nguy hiểm.

Trong tầm khả năng của "Sukhoi" còn có cả kỹ thuật nổi tiếng "rắn hổ mang Pugachev" (máy bay lấy độ cao liên tục, rồi treo bất động giữa không trung dường như đuôi máy bay gắn vào cái móc vô hình trên bầu trời và sau đó chúc mũi lao xuống, rồi chuyển sang bay ngang).

Trong chiến đấu, những kỹ thuật siêu đẳng như vậy cho phép máy bay không chỉ thoát ra khỏi cuộc tấn công, mà còn trong chớp nhoáng từ kẻ bị truy đuổi biến thành người đi săn, lập tức chuyển sang phản đòn vào đối thủ đang mất mục tiêu.

Sở dĩ máy bay đạt được khả năng cơ động đáng kinh ngạc đến không thể tưởng tượng nổi như vậy là nhờ hệ thống điều khiển vec-tơ lực đẩy của động cơ AL-41F1S (117S). Động cơ này cũng giúp rút ngắn đáng kể khoảng cách chạy lấy đà xuất phát khi cất cánh.

Để đạt được tốc độ cao và sự linh hoạt đó, Su-35 không chỉ đơn thuần có động cơ khỏe và điều khiển vector mà khung thân của nó còn phải rất bền vững. Do đó, tất cả các cấu trúc chịu tải của máy bay đều được chế tạo bằng vật liệu titan.

Ngoài ra, Su-35 còn được bảo vệ khỏi các đòn tấn công bởi hệ thống tác chiến điện tử Khibiny có khả năng gây nhiễu tuyệt vời, làm mù radar chủ động của đối thủ ngay cả trong điều kiện đối phương cũng sử dụng các biện pháp tác chiến điện tử cường độ cao.

Su-35 có thiết bị tìm kiếm và theo dõi mạnh là trở ngại khó vượt qua đối với các máy bay chiến đấu phương Tây. Các trang bị tổ hợp trinh sát quang-hồng ngoại hữu ích cho việc trinh sát, khiến chiếc tiêm kích Nga có thể phát hiện máy bay khác từ xa.

Thực tế đã cho thấy, "mắt thần" của Su-35 phát hiện mục tiêu không thân thiện trên bầu trời trong khoảng cách xa đến 400 km. Trong khi đó, F/A-18 của Mỹ chỉ nhìn thấy trong cự ly 200 km, còn và Rafale của Pháp kém hơn, chỉ có khả năng phát hiện đối thủ trong tầm 150 km.

Công thủ toàn diện

Trước sức mạnh không thể phủ nhận của Su-35, Tờ The National Interest của Mỹ vừa có bài viết cho rằng, hiện trong dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 trên thế giới, chính chiến đấu cơ Su-35 của Nga chứ không phải là các chiến đấu cơ phương Tây mới thực sự là ông vua làm chủ bầu trời.

Bình luận viên The National Interest (NI) Sebstyan Robin nhận xét rằng, các chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 của Mỹ và châu Âu đều không thể so sánh được với Su-35. Ví dụ như tuy Su-35 của Nga và F-15 của Mỹ đều là đại diện cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư, nhưng mẫu máy bay Nga ra đời sau nửa thế hệ (được xếp dạng 4++), được áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến hơn nên có một số ưu thế rõ ràng so với máy bay Mỹ.

Trước hết, Su-35 có hệ thống tìm kiếm-theo dõi hồng ngoại, cho phép xác định vị trí của máy bay đối phương trong vòng 50 km. Chính chỉ số này là bán kính tiềm năng phát hiện máy bay trang bị công nghệ tàng hình. Trong khi đó, F-15 không có hệ thống như vậy.

Ngoài ra, F-15 được thiết kế không có một chút tính năng tàng hình nào, còn Su-35 đã được điều chỉnh thiết kế và áp dụng một phần công nghệ tàng hình, do đó việc phát hiện nó khó khăn hơn nhiều.

Một chi tiết gây ấn tượng nữa là phạm vi hành trình của chiếc tiêm kích Nga là 3.600 km mà không cần tiếp thêm nhiên liệu. Trong khi đó, F/A-18 có phạm vi hành trình 2.700 km, còn Rafale thì chỉ đạt 2.000 km. Ông Robin còn nêu lên một ưu điểm khác của Su-35 là khả năng mang được khối lượng lớn vũ khí, vì vậy máy bay này có tính hiệu quả hơn khi cận chiến.

Nhìn chung, Su-35 có thể mang được 8 tấn đạn dược, trong đó có 6 tấn có thể tấn công vào các mục tiêu dưới mặt đất, trong khi F-15 được chế tạo ra để chiếm quyền kiểm soát trên không, do đó nó không thể trang bị loại tên lửa không đối đất.

Về tính năng không chiến, cả hai máy bay chiến đấu của Nga và Mỹ đều có thể mang được tên lửa không đối không tầm xa dẫn đường bằng radar AIM-120D, tầm phóng 160 km (Mỹ) và K-77M, tầm phóng 200 km (Nga).

Ngoài ra, Su-35 đồng thời cũng có thể mang tên lửa tầm siêu xa P-37M (R-37M), với tầm phóng lên tới 300-400 km. Với 4 loại tên lửa không đối không tầm ngắn, tầm trung, tầm xa và siêu xa, khả năng không chiến của Su-35 vượt trội so với F-15 và đủ sức đánh bại cả F-22 và F-35 của Mỹ.

Su-35 còn có thể mang các tên lửa chống hạm tầm xa của Nga, giúp nó có thể là một tiêm kích đánh biển đáng gờm - đây lại là điều mà kho vũ khí trên máy bay chiến đấu của Mỹ rất yếu.

Trên máy bay còn được lắp đặt pháo phòng không 30 mm bắn nhanh với 150 quả đạn, các loại bom có điều khiển, giúp nó hoàn thành tất cả các nhiệm vụ của máy bay đánh chặn cũng như máy bay tấn công tầm xa, với cả tính năng đối hạm, đối đất và đối không.

Theo Baodatviet

TIN LIÊN QUAN