'Nôi' đào tạo nhân tài miền Tây xứ Nghệ

16/11/2017 09:32

(Baonghean) - Với bề dày 55 năm xây dựng và phát triển, Trường THPT Thái Hòa không chỉ tự hào là ngôi trường cấp 3 đầu tiên ở miền Tây xứ Nghệ mà còn có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp giáo dục, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Nằm cách trung tâm thành phố Vinh gần 100 km, Trường THPT Thái Hòa là ngôi trường đầu tiên của miền Tây Nghệ An đạt chuẩn Quốc gia. Ra đời năm 1962 với tên gọi Trường cấp 3 Nghĩa Đàn, đứng chân tại Phủ Quỳ, vùng đất giàu tiềm năng và phát triển năng động nhất vùng Tây Bắc Nghệ An, Trường THPT Thái Hòa không chỉ góp phần nâng cao dân trí mà còn là đầu tàu đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho sự nghiệp kiến thiết, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

Thầy và trò Trường THPT Thái Hòa chào cờ đầu tuần.
Thầy và trò Trường THPT Thái Hòa chào cờ đầu tuần.


Những ngày mới thành lập, trường chỉ có 110 học sinh được bố trí thành 2 lớp 8 (tương đương lớp 10 hiện nay). Do điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, học sinh cấp 3 được bố trí học chung với cấp 2. Ngoài học sinh là con em trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn, trường còn tiếp nhận con em các huyện Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong và cả một số học sinh ở miền xuôi lên học tập. Mặc dù mới thành lập, cơ sở vật chất khá đơn sơ, phòng học được lợp bằng tranh tre mái lá, tường làm bằng phên tranh nhưng không khí thi đua học tập vẫn rất sôi nổi.

Sau 2 năm giảng dạy và học tập được diễn ra trong không khí hòa bình, từ tháng 8 năm 1964, do đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc nên việc dạy và học khó khăn hơn. Để đảm bảo công tác giảng dạy và học tập, thầy và trò nhà trường liên tục phải sơ tán, di chuyển qua nhiều địa điểm. Qua 7 lần di chuyển, đến nay, Trường đứng chân trên địa bàn khối Tân Sơn, phường Hòa Hiếu, thị xã Thái Hòa.

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, thầy và trò nhà trường đã vượt qua vô vàn khó khăn thử thách. Từ chỗ chỉ có 2 lớp, đến năm học 1977-1978, Trường đã phát triển lên quy mô 28 lớp học với trên 1.300 học sinh. Để đáp ứng nhu cầu học tập ngày cao của con em trên địa bàn, đồng thời phục vụ yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh, tháng 9 năm 1977, Trường mở thêm phân hiệu 2, quy mô 8 lớp ở Nông trường Cờ Đỏ - tiền thân Trường THPT Cờ Đỏ ngày nay.

Tiếp đó, đến tháng 10 năm 1997, Trường tiếp tục mở phân hiệu mới ở xã Nghĩa Thuận với quy mô 10 lớp học là tiền đề thành lập Trường THPT Đông Hiếu ngày nay. Hiện nay, mặc dù còn nhiều thách thức nhưng Trường THPT Thái Hòa vẫn giữ vững vị thế là đơn vị dẫn đầu của giáo dục phổ thông thị xã với quy mô 29 lớp học và trên 1.100 học sinh.

Cùng với sự phát triển đi lên của trường, đội ngũ cán bộ giáo viên đã không ngừng trưởng thành. Họ không chỉ làm tốt nhiệm vụ “trồng người” ở trường mà một bộ phận không nhỏ đã trở thành cốt cán chuyên môn của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An. Từ mái trường này, trên 18.000 học sinh đã khôn lớn trưởng thành.

Trong số họ, nhiều người đã anh dũng hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc; nhiều người đã và đang nắm giữ trọng trách trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, là tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp trong lực lượng vũ trang. Ngoài ra, hàng chục học sinh sau khi học xong đã trở lại trường xưa, tiếp tục sự nghiệp “trồng người” để ươm mầm, vun xới cho tương lai thị xã... Điều đáng mừng là các thế hệ học sinh của nhà trường, dù ở đâu và trên cương vị nào đều một lòng hướng về quê hương, về mái trường thân yêu, miệt mài lao động, học tập để xây dựng quê hương, đất nước.

Những năm gần đây, được sự quan tâm giúp đỡ của UBND tỉnh, Sở GD&ĐT Nghệ An, Thị uỷ, UBND thị xã Thái Hoà, Hội cha mẹ học sinh, nhà trường đã tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất làm cơ sở để đẩy mạnh các hoạt động giáo dục nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Hiện nay trường có cơ sở vật chất khá khang trang bề thế với 3 dãy nhà cao tầng và 31 phòng học cùng các phòng chức năng; hệ thống thư viện và phòng truyền thống với trên 500 đầu sách; 2 phòng học vi tính với trên 50 máy; 3 phòng thực hành Lý, Hoá, Sinh học; 1 phòng học ngoại ngữ...

Để phấn đấu trở thành một trong những lá cờ đầu của giáo dục phổ thông tỉnh, chi ủy và Ban giám hiệu nhà trường xác định một trong những giải pháp để thúc đẩy chất lượng dạy học là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Hàng năm, Ban giám hiệu nhà trường quan tâm, chú trọng chăm lo công tác bồi dưỡng và đào tạo nâng cao trình độ lý luận chính trị, nghiệp vụ chuyên môn; coi trọng chất lượng tuyển dụng giáo viên, đặc biệt ưu tiên các giáo viên giỏi tỉnh, giáo viên có kinh nghiệm, có uy tín và thu hút sinh viên giỏi về trường giảng dạy.

Bản thân mỗi giáo viên của trường đã không ngừng trăn trở, trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp để tìm ra những biện pháp giáo dục, giảng dạy hiệu quả. Nhờ động viên kịp thời và thực hiện hiệu quả các biện pháp chuyên môn, đến nay trường đã xây dựng được đội ngũ cán bộ, giáo viên có chất lượng cao với 20 giáo viên giỏi tỉnh, trên 30 giáo viên giỏi trường, 19 giáo viên có trình độ thạc sỹ, 100% giáo viên xếp loại khá trở lên theo chuẩn nghề nghiệp.

Trong suốt chặng đường 55 năm xây dựng và trưởng thành, có 3 giáo viên của trường được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đó là các thầy Đinh Ngọc Quý, thầy Nguyễn Xuân Hộ và thầy Hồ Trọng Phú; 40 giáo viên được tặng Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục; 20 giáo viên được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì sự nghiệp giáo dục miền núi; 5 giáo viên được phong tặng danh hiệu Tài năng sư phạm; 17 giáo viên được phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh và cấp cơ sở. Từ năm 2001 đến nay đã có trên 21 cán bộ, giáo viên có sáng kiến kinh nghiệm cấp Sở và 5 giáo viên đạt sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh.

Ngoài ra, có trên 3.500 học sinh đậu vào các trường đại học và cao đẳng; 10 học sinh tham gia đội tuyển dự thi Học sinh giỏi Quốc gia (trong đó đạt 3 giải Ba và 1 giải Khuyến khích); trên 650 học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó 170 em đạt giải nhất, nhì, ba; tỷ lệ học sinh giỏi toàn diện hằng năm đạt 18,5%. Năm năm lại đây, Trường luôn là đơn vị tốp đầu của tỉnh về tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp và trúng tuyển vào đại học, cao đẳng. Trong số đó, nhiều em đạt điểm từ 25 điểm trở lên, có những em đã trở thành thủ khoa đầu vào của một số trường đại học tốp đầu trong cả nước.

Giờ học Toán của học sinh Trường THPT Thái Hòa.
Giờ học Toán của học sinh Trường THPT Thái Hòa.


Bên cạnh việc thường xuyên chăm lo nâng cao chất lượng văn hoá, giáo dục đạo đức cho học sinh, tập thể cán bộ giáo viên nhà trường luôn đi đầu và thực hiện trong các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; tích cực triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và xây dựng điển hình “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”...

Với nỗ lực, cố gắng trên, nhiều năm liền chi bộ được công nhận danh hiệu chi bộ “trong sạch, vững mạnh” và “vững mạnh tiêu biểu”; tập thể trường 26 năm liền đạt danh hiệu “Tập thể tiên tiến”, trong đó 18 năm là tập thể lao động xuất sắc cấp tỉnh; các tổ chức thuộc hệ thống chính trị nhà trường luôn đạt danh hiệu “vững mạnh xuất sắc”.

Từ năm 2011, Trường đã đạt danh hiệu Trường chuẩn Quốc gia và năm học 2016 - 2017, được công nhận đạt chuẩn Quốc gia lần 2. Năm 1997, Trường được Chủ tịch nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Ba và đến năm 2002 được phong tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Nhân kỷ niệm 55 năm thành lập, năm 2017, trường tiếp tục được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì.

Để giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu, trong thời gian tới, tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh Trường THPT Thái Hòa nguyện tiếp tục nỗ lực, phấn đấu để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học. Trong quá trình phát triển, đi lên, nhà trường rất mong muốn tiếp tục nhận sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành Giáo dục tỉnh nhà; sự đồng hành, ủng hộ của Hội Cha mẹ học sinh để Trường THPT Thái Hoà tiếp tục vững bước trên chặng đường mới, xứng đáng là cánh chim đầu đàn của giáo dục của miền Tây Bắc tỉnh nhà.

Lê Thanh Huyền

(Bí thư Chi bộ - Hiệu trưởng Trường THPT Thái Hòa)

TIN LIÊN QUAN