Tương Dương sẽ sát nhập 10 trường tiểu học
(Baonghean.vn) - Đây là thông tin được Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương báo cáo với đoàn khảo sát Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tại cuộc làm việc chiều 17/11 về thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp.
Đoàn công tác kiểm tra công tác bảo quản sữa tại Trường Tiểu học Yên Thắng 1. Ảnh: Hoài Thu |
Sát nhập 10 trường tiểu học
Qua khảo sát tại các Trường Tiểu học Yên Thắng 1 và Yên Thắng 2 cho thấy, cơ sở vật chất trường lớp và bố trí cán bộ, giáo viên đã cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thắng 1 Hà Văn Lân cho biết: Trường quản lý học sinh trên địa bàn 3 bản với 113 em, 9 lớp học, trong đó 4 lớp ở điểm chính và 2 điểm lẻ ở bản Cốc và bản Tạt.
Còn Trường Tiểu học Yên Thắng 2 phụ trách học sinh thuộc 4 bản, có 14 phòng học, 178 học sinh phân bố ở 1 điểm trường chính và 3 điểm lẻ.
Theo lộ trình, hai trường tiểu học Yên Thắng 1 và Yên Thắng 2 sẽ tiến hành sát nhập vào năm học 2019 - 2020, đúng vào thời điểm đánh giá và công nhận lại trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Đối với việc sát nhập trường về cơ bản cán bộ, giáo viên đều đồng tình ủng hộ.
Quy hoạch lại mạng lưới trường lớp cũng đang là vấn đề được ngành giáo dục huyện Tương Dương đặt ra lộ trình thực hiện.
Bà Vy Thị Bích Thủy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tương Dương cho biết, dự kiến đến năm học 2020 - 2021 huyện Tương Dương sẽ có 61 trường công lập, 1 trung tâm GDTX.
Theo lộ trình từ này đến năm 2025, huyện sẽ sát nhập 10 trường tiểu học thành 5 trường tại các xã Yên Na, Yên Hòa, Yên Tĩnh và Tam Quang, Yên Thắng.
Bà Thủy cũng cho biết, huyện đã và đang chú trọng công tác đầu tư cơ sở vật chất, nâng chất lượng các trường chưa đạt chuẩn nằm trong danh sách sẽ sát nhập và có 6 trường nằm trong lộ trình xây dựng thành trường bán trú. Bên cạnh đó, tại các bản khó khăn huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình bán trú dân nuôi ở bậc tiểu học.
Học sinh hộ nghèo, cận nghèo đăng ký sữa học đường còn ít
Đoàn khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh cũng đã tìm hiểu về việc thực hiện chương trình sữa học đường.
Theo đó, tại 2 trường tiểu học Yên Thắng 1 và Yên Thắng 2 thực hiện từ năm học 2016 - 2017 và cho đến nay đều cơ bản thuận lợi.
Các trường cũng như phụ huynh đều mong muốn tiếp tục thực hiện chương trình này vì học sinh được nâng cao dinh dưỡng, thể lực và đi học chuyên cần hơn, giảm hẳn tỷ lệ học sinh bỏ học.
Tại Trường Tiểu học Yên Thắng 1 năm học đầu tiên triển khai có 97/102 em tham gia, đến năm học 2017 - 2018 có 100% em tham gia, trong đó có 95% thuộc diện được hỗ trợ và 7 em không thuộc diện hỗ trợ.
Còn trường Yên Thắng 2 hiện tỷ lệ học sinh tham gia là 95,5% với 169/177 em; trong số 12 học sinh không thuộc diện hỗ trợ sữa miễn phí thì có 4 em tham gia, còn lại 8 em không tham gia.
Thực hiện chương trình sữa học đường từ năm 2016, đến nay toàn huyện Tương Dương có tỷ lệ học sinh tham gia đạt 72,3%; trong đó số học sinh thuộc diện được miễn phí (hộ nghèo) tham gia 99,93%, học sinh thuộc hộ cận nghèo (được hỗ trợ 50%) có 69,8% tham gia và học sinh thuộc hộ khá (được hỗ trợ 30%) có 39,5% tham gia.
Dạy học theo mô hình VNEN ở Trường Tiểu học Yên Thắng 2. Ảnh: Hoài Thu |
Tuy nhiên, theo Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, băn khoăn lớn nhất trong thực hiện chương trình sữa học đường là số học sinh thuộc hộ cận nghèo và hộ nghèo đăng ký cho con em uống sữa còn ít với lý do không đủ điều kiện kinh tế.
Ví như ở Trường Mầm non Tam Thái, Thạch Giám. Tình trạng này đã gây khó khăn trong ứng xử giữa các em được phát sữa và không được phát sữa trong một lớp.
Qua làm việc với các trường tiểu học và Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND đã trao đổi, tiếp thu các phản ánh của cơ sở để tổng hợp hoàn chỉnh nội dung chuẩn bị cho báo cáo trước kỳ họp HĐND tỉnh về vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh.
Tại các cuộc làm việc, đoàn công tác cũng đã tặng hoa và quà chúc mừng tập thể cán bộ, giáo viên các nhà trường và Phòng GD&ĐT huyện Tương Dương nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Hoài Thu
TIN LIÊN QUAN |
---|