Việt Nam tìm được điểm tương đồng về lợi ích chung trong APEC
"Bạn bè đánh giá chúng ta đã điều hòa và tìm được những điểm tương đồng về lợi ích chung của tất cả các nền kinh tế trong khu vực", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói về thành công APEC 2017.
PV: Thưa ông, dư luận quốc tế đã ghi nhận nhiều nỗ lực của Việt Nam khi tổ chức thành công APEC 2017. Vậy về phía chúng ta, ông nhìn thấy đâu là kết quả thành công nổi bật nhất?
Ông Bùi Thanh Sơn: Cái lớn nhất mà bạn bè đánh giá chúng ta là đã tổ chức thành công, điều hòa và tìm được những điểm tương đồng về lợi ích chung của tất cả các nền kinh tế trong khu vực.Nhà báo Phạm Huyền:Thưa ông, dư luận quốc tế đã ghi nhận nhiều nỗ lực của Việt Nam khi tổ chức thành công APEC 2017. Vậy về phía chúng ta, ông nhìn thấy đâu là kết quả thành công nổi bật nhất?
Năm nay khó hơn rất nhiều so với những năm trước đây, vì vậy khi chúng ta đưa ra chủ đề, đưa ra ưu tiên thì nhận được đồng thuận rất cao. Trong suốt quá trình năm qua, chúng ta đã nhận được sự đồng thuận, sự ủng hộ, giúp đỡ, cùng chung tay vun đắp tương lai chung này. Nhờ đó, tất cả chúng ta đã đi đến đỉnh cao của Tuần lễ cấp cao APEC 2017, đó là ra được Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng, đồng thời chúng ta đã đưa ra được các văn kiện, các sáng kiến của Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói về APEC 2017 tại chương trình Góc nhìn thẳng (ảnh: VietNamNet) |
Trong đó, văn kiện nổi bật nhất là về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, phát triển bao trùm về kinh tế - tài chính – xã hội, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ trong kỷ nguyên số,… Tất cả các sáng kiến này đã tạo ra một định hướng mới trong hợp tác APEC giai đoạn tới.
Mặt khác, đi kèm với thành công về nội dung đó, chúng ta còn thành công về các mặt khác như lễ tân, vật chất, an ninh, hậu cần,... Tất cả các yếu tố này đã tạo nên một hiệu ứng tổng thể làm cho các nền kinh tế, các nhà lãnh đạo khi đến với Tuần lễ cấp cao APEC đều cảm thấy hài lòng và vui vẻ.
PV: Thưa ông, so với APEC 2006 mà Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức, ở lần tổ chức APEC 2017 này, chúng ta đã đạt được bước tiến triển ra sao?
Ông Bùi Thanh Sơn: Năm 2006, môi trường chung toàn cầu hóa đang phát triển rất mạnh, xu thế liên kết, hợp tác, tự do hóa thương mại cũng đang được đẩy mạnh.
Đến năm 2017, xu thế về toàn cầu hóa vẫn phát triển. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã có những mặt ngược so với năm 2006, đó là việc xuất hiện một số tâm lý e ngại về xu hướng toàn cầu hóa không được phân phối đồng đều do một số nền kinh tế bị lùi lại, chủ nghĩa bảo hộ cũng gia tăng ở một số nơi.
Bởi vậy, chúng ta năm nay làm chủ nhà APEC 2017 cũng gặp rất nhiều thách thức khi chèo lái con thuyền APEC này đi đúng định hướng của mình và đem lại lợi ích chung cho các nền kinh tế trong khu vực.
Dù vậy, năm nay chúng ta cũng có điểm thuận lợi hơn so với năm trước rất nhiều, thế và lực của chúng ta đã khác trước. Chúng ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình, đã có 25 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, cùng với 16 Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới đã ký kết và đang thực hiện.
Điều mà chúng ta đã làm được khác so với năm 2006 là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ và tinh thần chủ động hội nhập quốc tế của chúng ta tích cực hơn rất nhiều. Trước đây, chúng ta có thể chỉ tham gia, nhưng bây giờ chúng ta đã chủ động định hình dẫn dắt các cơ chế đa phương này.
Tổng kết lại, năm 2017 chúng ta có 11 sáng kiến ở các loại hình khác nhau đươc thông qua. Trong đó, có 8 văn kiện được thông qua ở cấp cao nhất.
Điều đó chứng tỏ rằng các bộ ngành, địa phương của chúng ta đã chủ động tham gia rất nhiều, đã chủ động, đề xuất được các ý kiến vừa phù hợp với mục tiêu chung của các nền kinh tế APEC, nhưng đồng thời cũng rất sát sườn với lợi ích của Việt Nam. Do đó, chúng ta đạt được sự đồng thuận và đạt được thành công của APEC 2017.
PV: Trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao APEC 2017, dư luận cũng đặc biệt quan tâm về sự hợp tác đầu tư kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các cường quốc kinh tế, đặc biệt là giữa Việt Nam với các nước như Mỹ và Trung Quốc. Ông có nhận định như thế nào về tiềm năng phát triển quan hệ kinh tế giữa Việt Nam với hai quốc gia này?
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Mỹ Donal Trump và Chủ tịch, Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình và các nguyên thủ, lãnh đạo trong sự kiện APEC 2017 tại Đà Nẵng |
Ông Bùi Thanh Sơn: Một điểm chính trong mục tiêu APEC là chúng ta cùng vào APEC để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, bổ trợ cho nhau cùng phát triển. Từ môi trường đa phương thuận lợi đó, các nền kinh tế không chỉ thỏa thuận đa phương mà còn có quan hệ kinh tế song phương với từng đối tác, nhưng vẫn trên cơ sở luật lệ chung của thế giới.
Trong Tuần lễ cấp cao APEC 2017, chúng ta đã tạo hiệu ứng làm tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương với các đối tác kinh tế hàng đầu ở trong APEC.
Như chúng ta biết, ngoài những cuộc gặp gỡ song phương với các nền kinh tế khác của lãnh đạo ta với các nền kinh tế khác ở trong APEC lần này thì có hai chuyến thăm rất đặc biệt: chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình và chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Donald Trump.
Cả hai ông đều đến thăm cấp Nhà nước Việt Nam và điều đặc biệt là năm nay cả hai ông đều đến phát biểu ở Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh của APEC. Điều đó đã tạo ra hiệu ứng rất lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp APEC nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hai bên không chỉ trực tiếp thỏa thuận với nhau về các hợp đồng kinh tế với trị giá rất lớn mà cơ bản hơn là đã tạo được khuôn khổ pháp lý để ký rất nhiều văn bản, trong đó, lợi ích kinh tế không chỉ tính ra tiền ngay lập tức mà trong những năm tới khi bắt đầu triển khai, hiệu quả sẽ lớn hơn rất nhiều.
Tôi tin rằng với kết quả cả trong khuôn khổ APEC cùng với kết quả các chuyến thăm song phương này, tất cả sẽ tạo nên hiệu ứng rất tốt để cộng đồng doanh nghiệp của hai bên Việt Nam – Hoa Kỳ, Việt Nam- Trung Quốc và cả các địa phương hai nước với nhau, tới đây sẽ có những làn sóng hợp tác đầu tư rất mạnh mẽ.
PV: Trước đây khi nói đến TPP, người ta nói đến sự xuất hiện của Hoa Kỳ tuy đến sau nhưng lại như một nhạc trưởng dẫn dắt. Nhưng giờ đây, khi nước này không còn tham gia và trong khuôn khổ APEC 2017, Hiệp định này đã tiếp tục được 11 nước còn lại thảo luận, thông qua một tên gọi mới CPTPP, liệu các những lợi ích mà Việt Nam có thể gặt hái được trong một hiệp định CPTPP không có Mỹ có còn như trước hay không?
Ông Bùi Thanh Sơn: Trong khuôn khổ APEC, có rất nhiều con đường để đi tới mục tiêu mậu dịch tự do chung của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, ví dụ như TPP là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, rồi có những hiệp định như Khuôn khổ đối tác toàn diện RCEP.
Việc tham gia TPP của chúng ta đã có chủ trương từ lâu. Hiện nay Hoa Kỳ đã muốn rút ra khỏi, nhưng điểm tích cực là 11 nước còn lại trong TPP đều thể hiện quyết tâm rất lớn, tiếp tục thúc đẩy để đưa tới một hiệp định mà hiện nay đã thống nhất được tên gọi mới: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có tiêu chuẩn cao để đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới, nhất là trong thời kỳ kỷ nguyên số và thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh.
Về sơ bộ, chúng ta đã đánh giá và các báo cáo nghiên cứu khả thi của các công trình nghiên cứu của các nền kinh tế khác nhau cũng đều cho rằng với một hiệp định mới mặc dù không có Hoa Kỳ, nó vẫn tạo ra được hai hiệu ứng rất quan trọng. Một là tiếp tục duy trì đà để thúc đẩy tự do thương mại đầu tư trong khu vực. Thứ hai là tiếp tục đem lại lợi ích cho các nên kinh tế thành viên, kể cả trực tiếp hay gián tiếp đều có lợi.
Theo các báo cáo nghiên cứu, mặc dù không có Hoa Kỳ, khi tham gia vào hiệp định mới này, chúng ta vẫn được hưởng lợi trên 1,2% GDP. Nhưng cái gián tiếp quan trọng hơn là trong quá trình tham gia này với luật chơi, tiêu chuẩn cao hơn, chúng ta phải nỗ lực, cải cách các cơ chế hợp tác kinh tế của chúng ta để đáp ứng được nhu cầu trong hiệp định tự do toàn diện và tiến bộ này.
Tính ra lợi ích gián tiếp sẽ đóng góp thêm khoảng 8 – 9% nữa cho GDP của Việt Nam, tạo ra cả hiệu ứng trước mắt là lâu dài đối với nền kinh tế của chúng ta.
PV: Thưa ông, tại hội nghị doanh nhân APEC 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhắc đến cụm từ là “Ấn Độ - Thái Bình Dương”, một khu vực có các quốc gia sẽ vươn lên trong hòa bình và tự do, với một nguyên tắc là các quốc gia sẽ tuân thủ luật lệ một cách bình đẳng.
Rất nhiều người cũng băn khoăn vì sao Tổng thống Mỹ Donald Trump lại nhắc đến cụm từ “Ấn Độ- Thái Bình Dương” nhiều như vậy. Đối với cá nhân ông thì ông nhận thấy thông điệp nào mà Tổng thống Mỹ đang muốn nhấn tới ở đây?
Ông Bùi Thanh Sơn: Năm 2017, các nền kinh tế trong APEC hay các nền kinh tế ở Châu Á Thái Bình Dương đều muốn dõi theo chính quyền mới của Mỹ sẽ theo chính sách nào? Đường hướng của ông Donald Trum với Châu Á - Thái Bình Dương là như thế nào?
Chúng ta có thể thấy, việc ông Donald Trump đến khu vực Châu Á- Thái Bình Dương dự APEC ở Việt Nam, thăm cấp Nhà nước ở Việt Nam sau đó sang tham dự cấp cao Đông Á ở Philippines và tham dự cấp cao ASEAN... đã cho thấy, chính quyền mới của Mỹ đã thể hiện cam kết trong khu vực, bởi họ cũng nhận thức rất rõ rằng an ninh thịnh vượng của Mỹ gắn liền với khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, là trung tâm phát triển của thế giới trong thế kỷ 21. Mỹ dù cách này hay cách khác thì đều phải gắn bó với khu vực.
Qua thông điệp của ông Trump nói, theo tôi hiểu, Mỹ hiện nay không chỉ muốn gói trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương hay khu vực Đông Á này mà họ còn muốn mở rộng ra cả Ấn Độ Dương nữa, bao gồm cả Châu Á- Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương để gắn kết vào một không gian rộng rãi hơn đối với Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, việc thực hiện như thế nào thì còn chưa rõ. Với thông điệp đó, tôi cũng chưa thấy rõ được đường hướng mà Mỹ sẽ triển khai. Nhưng trước mắt thì các nền kinh tế thấy rằng các cam kết của Mỹ đối với khu vực Châu Á- Thái Bình Dương đã rõ ràng hơn một bước so với 6 tháng trước đây.
PV: Thưa ông, trong bối cảnh kinh tế chính trị thế giới hiện nay luôn có nhiều biến động khôn lường, sau thành công của APEC 2017, theo ông Việt Nam và các quốc gia thành viên sẽ cần phải làm gì để đạt được mục tiêu tốt đẹp như vun đắp tương lai, đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm?
Ông Bùi Thanh Sơn: APEC 2017 thành công tốt đẹp cũng đặt ra cho chúng ta một thách thức mới là chúng ta phải làm sao duy trì được kết quả thành công của APEC năm 2017 này được tiếp tục lan tỏa.
Như tôi đã nói, năm nay chúng ta có 3 sáng kiến đinh được các nền kinh tế ủng hộ và tiếp tục triển khai trong các năm tới. Trong đó, có phát triển bao trùm về kinh tế - tài chính – xã hội; sáng kiến phát triển nhân lực trong kỷ nguyên số; xây dựng cơ chế để bàn thảo về tầm nhìn của APEC sau 2020. Tôi cho rằng, những điều này sẽ tiếp tục lan tỏa trong APEC trong thời gian tới.
Đối với trong nước chúng ta phải đưa được những sáng kiến này lan tỏa đến các doanh nghiệp, người dân. Bởi các sáng kiến này rất sát sườn với chúng ta.
Chúng tôi cũng cố gắng cùng các bộ ngành liên quan phổ biến những kết quả này để làm sao cộng đồng doanh nghiệp chúng ta tận dụng được trong việc xây dựng phát triển nền kinh tế nói chung, đồng thời, chủ động hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế APEC qua tuần lễ cấp cao vừa rồi để đạt được những kết quả tốt nhất.
VietNamNet
TIN LIÊN QUAN |
---|