Dấu chân trên khắp thế giới của Trung Quốc

26/11/2017 08:17

Từ Zimbabwe cho đến Myanmar, vai trò cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu đang ngày càng trở nên rõ rệt.

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh:AFP.

Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh:AFP.

Trung Quốc từ năm 1954 đề cao nguyên tắc "không can thiệp vào công việc nội bộ nước khác" trong chính sách đối ngoại, khước từ chủ nghĩa can thiệp kiểu Mỹ. Thay vào đó, họ gia tăng can thiệp kinh tế vào các quốc gia còn bất ổn như Myanmar hay Zimbabwe, nhằm giúp Bắc Kinh có vị thế toàn cầu ngày càng mạnh mẽ, theo AFP.

Trung Quốc gần đây có một động thái khác thường khi đề xuất chiến lược nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng liên quan tới người tị nạn Hồi giáo Rohingya từ Myanmar đang tràn về khu vực biên giới Bangladesh.

Bắc Kinh cũng gia tăng vai trò ở Trung Đông, nơi cung cấp nguồn dầu mỏ chính cho Trung Quốc. Sau quãng thời gian dài đứng bên lề, Trung Quốc giờ đây đề nghị chủ trì các phiên đối thoại về cuộc khủng hoảng Syria hay xung đột Israel - Palestine.

Trung Quốc được dự đoán sẽ đảm nhận trọng trách lớn hơn trong các vấn đề thế giới bởi họ "không còn là một kẻ yếu thế nữa", ông Kerry Brown, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Hoàng gia London, nhận định. "Voi không thể giả chuột mãi được", ông ví von.

Dấu ấn trên toàn cầu

Con đường tơ lụa thế kỷ 21 của Trung Quốc. Đồ họa: Việt Chung (Click vào ảnh để xem hình cỡ lớn).

Con đường tơ lụa thế kỷ 21 của Trung Quốc. Đồ họa: Việt Chung (Click vào ảnh để xem hình cỡ lớn).

Dấu chân của Trung Quốc ở nước ngoài bắt đầu đậm nét dần lên với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng "Vành đai và Con đường" đầy tham vọng khắp châu Á và châu Âu nhằm hồi sinh tuyến giao thương "Con đường tơ lụa" thông qua mạng lưới đường sắt và đường biển khổng lồ.

Khi phạm vi lợi ích ở nước ngoài của Bắc Kinh mở rộng, "lẽ tự nhiên, câu hỏi làm thế nào để bảo vệ những lợi ích ấy sẽ xuất hiện", nhà bình luận chính trị Trung Quốc Chen Daoyin nhận xét.

Tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 hồi tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra một mục tiêu đầy tham vọng là biến Trung Quốc trở thành cường quốc hàng đầu với lực lượng quân sự uy lực bậc nhất.

Chen lưu ý rằng việc ông Tập tuyên bố "giữ vững trật tự thế giới" cho thấy một vai trò ngày càng chủ động của Trung Quốc trên trường quốc tế và gần tiệm cận với Mỹ.

Dù Trung Quốc không công khai từ bỏ phương pháp tiếp cận phi can thiệp của mình, họ sẽ "dần dần làm suy yếu nó để từng bước thay đổi từ không can thiệp thành trung lập rồi cuối cùng là can thiệp", Chen dự đoán. "Khi lợi ích quốc gia của Trung Quốc ở nước ngoài bị tổn hại, hoàn toàn có khả năng họ sẽ dùng cái cớ bảo vệ các khoản đầu tư và công dân để điều động binh sĩ can thiệp".

Bắc Kinh cũng từng bước củng cố sức mạnh quân sự. Trung Quốc hồi tháng 8 mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti. Họ đồng thời còn xây dựng phi pháp nhiều công trình quân sự trên các đảo nhân tạo bồi lấp trái phép ở Biển Đông.

Tuy nhiên, ngay cả khi không can thiệp quân sự trực tiếp, Trung Quốc vẫn có xu hướng bị cuốn vào vòng xoáy chính trị tại các quốc gia họ đặt chân tới, dù Bắc Kinh nói họ mong muốn duy trì vị thế một lực lượng chính trị trung lập.

Tổng tư lệnh quân đội Zimbabwe Constantine Chiwenga đã có chuyến thăm chính thức Bắc Kinh vài ngày trước khi cuộc binh biến tại nước này nổ ra, dẫn tới việc Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe phải từ chức. Diễn biến trên làm dấy lên những đồn đoán rằng Bắc Kinh có thể bằng cách nào đó tác động tới quyết định của quân đội Zimbabwe.

Lãnh đạo Trung Quốc có mối quan hệ khá thân thiết với ông Mugabe và nhiều năm qua đã đầu tư mạnh tay vào Zimbabwe.

Kerry Brown cho biết ông "hoài nghi" về những đồn đoán liên quan tới sự can thiệp của Trung Quốc ở Zimbabwe, song thực tế với tư cách một siêu cường, việc chọn phe là không thể tránh khỏi.

"Nếu người khác dâng quyền lực cho bạn, bạn có nó và bạn có ảnh hưởng", ông Brown nói. "Vì thế tư thế trung lập không thể bền vững".

Một nhà máy nhiệt điện Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Zimbabwe. Ảnh: SCMP.

Một nhà máy nhiệt điện Trung Quốc đầu tư xây dựng ở Zimbabwe. Ảnh: SCMP.

Tại Campuchia, Trung Quốc là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất, lên tới 11,2 tỷ USD, tính tới cuối năm 2016. Cũng vì vậy mà Campuchia ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc, theo ông Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á tại Trung tâm Stimson, viện chính sách có trụ sở ở Mỹ.

Myanmar cũng đang nhận được sự hỗ trợ không ngớt từ Trung Quốc. Bắc Kinh đã đầu tư nhiều tỷ USD vào các cảng, khu khai thác dầu mỏ, khí đốt tại bang Rakhine, Myanmar, trong đó bao gồm một đường ống dẫn dầu trị giá 2,45 tỷ USD đưa vào vận hành hồi tháng 4.

"Tất cả mọi thứ dường như đều có mối liên hệ tới Trung Quốc, từ Zimbabwe cho đến Myanmar, Sri Lanka hay các vấn đề chính trị ở New Zealand. Đây là một sự thay đổi phi thường", ông Brown nói.

"Ý tưởng không can thiệp có lẽ đã trở thành bất khả thi. Thậm chí ngay cả khi Trung Quốc không muốn can hệ thì vấn đề lúc này cũng sẽ tự tìm đến với họ", Brown nhấn mạnh.

Theo VNE

TIN LIÊN QUAN