'Tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt cũng phá hoại ghê gớm'

08/12/2017 06:33

Các tổ chức Đảng phải đề cao trách nhiệm, không coi thường tham nhũng nhỏ và không coi thường việc ở địa phương, đơn vị mình.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, chống tham nhũng “cả cái lò phải nóng lên” và “không ai có thể né tránh, không ai có thể đứng ngoài cuộc”. Đó là yêu cầu, song cũng là mệnh lệnh với toàn dân.

Ở Trung ương, thời gian qua, nhân dân đã chứng kiến sự vào cuộc quyết liệt của Đảng. Còn tại địa phương, cuộc đấu tranh chống tham nhũng cũng đang được cấp ủy, tổ chức Đảng vào cuộc quyết liệt xử lý cán bộ mắc sai phạm.

Chống tham nhũng: Không ai có thể né tránh, không ai có thể đứng ngoài cuộc (Ảnh minh họa)
Chống tham nhũng: Không ai có thể né tránh, không ai có thể đứng ngoài cuộc (Ảnh minh họa)

Mới đây nhất, thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định kỷ luật nhiều cán bộ thuộc diện thành ủy quản lý.Việc kỷ luật này được thực hiện sau khi Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với một số tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, đồng thời chỉ đạo tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật các tập thể, cá nhân có liên quan đến vi phạm tại các đơn vị.

Còn tại Hà Nội, thành phố cũng đã tiến hành kỷ luật 51 cán bộ ngành xây dựng. Vì liên quan đến việc lộ đề thi công chức, tỉnh Cà Mau cũng kỷ luật 8 cán bộ có liên quan... Điều đó cho thấy dấu hiệu tích cực của các địa phương trong đấu tranh chống tham nhũng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trọng Phúc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đây là dấu hiệu đáng mừng và là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, tổ chức Đảng ở địa phương.

“Tham nhũng không chỉ là vấn đề về đạo đức, nhân cách con người mà còn làm tổn hại về kinh tế. Tham nhũng làm cho kinh tế đất nước kiệt quệ, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, phẩm chất của đảng viên. Việc kỷ luật, xử lý cán bộ ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cà Mau và một số địa phương vừa qua đã cho thấy sự vào cuộc thực sự. Có làm như thế thì công tác phòng chống tham nhũng mới mang lại hiệu quả thiết thực”, ông Phúc nêu quan điểm.

Có thể thấy, nhiệm kỳ khóa XII của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã hành động thực sự, làm việc tương đối bài bản, có trọng điểm và công khai kết quả kiểm tra. Ở đây không những cảnh báo những vụ việc cụ thể mà đi vào từng địa phương kiểm tra.

Điều này có tác dụng lớn trong xây dựng chỉnh đốn Đảng và tác động không nhỏ đến mặt trận phòng chống tham nhũng. Thông qua kiểm tra không chỉ chống tham nhũng mà còn nhằm chấn chỉnh kỷ luật của Đảng, giáo dục cán bộ đảng viên. Qua kiểm tra, phát hiện các vụ việc gắn với tham nhũng, liên quan đến tham nhũng để xử lý.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định: “Trong một thời gian không dài, một loạt các quyết định, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong đó có liên quan đến cán bộ cấp trung ương, lãnh đạo chủ chốt của các địa phương mắc sai phạm, kể cả đương chức lẫn về hưu.

Theo tôi đó là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay khi đã có sự chỉ đạo chung từ Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Nó thể hiện rõ ràng rằng bất cứ ai, ở bất cứ cương vị nào và ở thời điểm nào nếu đã có sai lầm khuyết điểm, thì đều phải xem xét, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng, Nhà nước”.

Làm thế nào để Ủy ban Kiểm tra các địa phương, các tỉnh thành phố, quận, huyện thực sự vào cuộc? Ở Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm việc có hiệu quả là vì có sự chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư. Còn Ủy ban Kiểm tra các địa phương nếu tỉnh, địa phương nào Bí thư, Thường vụ cấp ủy ở đó thật sự quan tâm đến chống tham nhũng, chỉ đạo thì Ủy ban Kiểm tra nơi đó thực sự vào cuộc. Do đó, ở đây trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu địa phương rất quan trọng. Để các địa phương thực sự vào cuộc chống tham nhũng cần có sự phối hợp giữa cơ quan kiểm tra của Đảng và cơ quan thanh tra chính quyền. Nếu phối hợp tốt sẽ phát hiện được những vụ việc rõ hơn để sớm đưa ra xử lý.

Ông Võ Công Trí, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: “Lãnh đạo công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng trong tình hình hiện nay rất khó khăn. Do đó cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác phòng chống, tham nhũng, đưa nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu về công tác phòng chống lãng phí và tiêu cực vào chương trình công tác kiểm tra hàng năm của các cấp ủy đảng. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với một số lĩnh vực, nhất là một số lĩnh vực trọng điểm, nhạy cảm thường xảy ra tham nhũng tiêu cực”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng này “không ai có thể né tránh, không ai có thể đứng ngoài cuộc”. Tuy nhiên, trong đấu tranh với tham nhũng cần chú ý đến “phòng”. Nhìn tổng thể, xử lý các vụ án tham nhũng thời gian qua mang lại kết quả tích cực, tuy nhiên tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt cũng phá hoại ghê gớm.

Điều đó đòi hỏi các tổ chức Đảng phải đề cao trách nhiệm, không coi thường tham nhũng nhỏ và không coi thường việc ở địa phương, đơn vị mình. Sắp tới, cần làm quyết liệt hơn ở địa phương và xuống tận xã, phường. Nếu làm được như vậy vừa phòng chống tham nhũng, vừa giáo dục cán bộ đảng viên, giúp cán bộ đảng viên thực sự mẫn cán, làm việc vì dân vì nước.

Ông Nguyễn Thái Học, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên cho rằng: “Các địa phương đã thấy Trung ương rất quyết tâm, đồng bộ rồi nhưng cấp ủy các địa phương sẽ phải vào cuộc ra sao. Bởi vấn đề nội chính, vấn đề phòng chống tham nhũng phải xuất phát từ cơ sở, bởi ở đó nảy sinh ra những vấn đề có liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng. Do vậy từ Trung ương và địa phương phải có phối hợp đồng bộ và phải có quyết tâm cao để công tác phòng chống tham nhũng tốt hơn”.

Điều quan quan trọng nhất hiện nay vẫn là công tác “phòng” trong chống tham nhũng, bởi nếu còn kẽ hở, còn “cơ chế xin cho”, “lợi ích nhóm” chi phối thì dù có cố gắng bao nhiêu, xử lý các vụ tham nhũng đã biết, thì nguồn gốc tham nhũng vẫn nảy sinh.

Do đó, công tác phòng chống tham nhũng là quan trọng, như Tổng Bí thư đã nói nhiều lần: “làm sao để người có ý định tham nhũng không thể tham nhũng được”, “phải chú ý phòng ngừa nguy cơ sai lầm về đường lối, nguy cơ bố trí sai cán bộ, lựa chọn không đúng cán bộ sẽ nguy hiểm dẫn tới hậu quả khó lường”./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN