Iraq bộn bề nỗi lo sau chiến thắng IS

10/12/2017 17:17

(Baonghean) - Ngày 10/12, đất nước Iraq đã tưng bừng chào đón quốc lễ với tên gọi “Ngày Chiến thắng” - sự kiện đánh dấu chiến thắng lịch sử của đất nước trước Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Nhưng sau thời điểm quan trọng này, Iraq vẫn còn rất nhiều việc phải làm, bởi việc bị đánh bại về mặt quân sự không đồng nghĩa với việc IS sẽ mãi mãi biến mất khỏi nơi mà chúng khởi đầu cho việc thành lập cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo”.

» Thủ tướng Iraq tuyên bố đã đánh bại khủng bố IS

Chiến thắng lịch sử

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố đánh bại IS sau khi lực lượng đặc biệt của quân đội nước này giành lại khu vực Al-Jazeera – sa mạc rộng lớn giữa tỉnh Anbar ở phía Tây và tỉnh Nineveh ở phía Bắc và vùng thượng nguồn sông Euphrates, giải phóng toàn bộ khu vực biên giới với Syria dài 183km.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi chính thức tuyên bố giải phóng đất nước hoàn toàn khỏi tay IS (AFP)
Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi chính thức tuyên bố giải phóng đất nước hoàn toàn khỏi tay IS (AFP)

Trong tuyên bố của mình, ông Haider al-Abadi đã ca ngợi rằng giấc mơ giải phóng đất nước của Iraq trở thành hiện thực nhờ “sự giúp đỡ của Chúa, sự kiên định của người dân và sự dũng cảm của lực lượng vũ trang”.

Iraq đã có được chiến thắng lịch sử sau 3 năm chiến đấu ròng rã, kể tử khi IS chiếm giữ các khu vực rộng lớn ở phía Bắc và phía Tây trong cuộc tấn công chớp nhoáng hồi năm 2014. Với sự yểm trợ của các cuộc không kích được liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu thực hiện, các lực lượng Iraq đã tiến hành các chiến dịch tấn công nhằm đánh bật IS ra khỏi đất nước.

Những mất mát của Iraq để đi tới chiến thắng cuối cùng không hề nhỏ: hàng chục nghìn dân thường và các binh sĩ đã thiệt mạng, hơn 5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, nhiều cơ sở hạ tầng cũng như tài sản cá nhân bị phá hủy với giá trị ước tính lên tới hơn 100 tỷ USD.

Thậm chí, có tới gần 1.000 dân thường bị thiệt mạng trong chính các cuộc tấn công với không kích yểm trợ của quân đội Iraq và liên minh chống khủng bố quốc tế.

Các đợt tấn công IS bắt đầu được tăng tốc từ cuối năm ngoái, đánh dấu bằng chiến dịch giải phóng Mosul hồi tháng 10/2016 – nơi được xem như “thủ phủ” của IS tại Iraq. Sau hơn 9 tháng giằng co đầy cam go, quân đội Iraq đã tuyên bố đánh bật IS khỏi Mosul.

Tiếp theo đó là hàng loạt chiến thắng tại những cứ điểm quan trọng khác: giải phóng Tal Afar vào tháng 8, Hawija vào tháng 9, Qaim vào tháng 10 và tháng 11 là giành lại thị trấn cuối cùng mà IS kiểm soát gần biên giới với Syria là Rawa.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã chia sẻ niềm vui chiến thắng với đất nước và người dân Iraq, coi đây là sự kiện đầy ý nghĩa, đánh dấu một chương mới hướng tới một quốc gia hòa bình và thịnh vượng. Trong giai đoạn tái thiết thời hậu chiến, lực lượng liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu với hơn 5.200 binh sĩ sẽ được rút bớt khỏi Iraq. Dù vậy, ông Abadi mong muốn Mỹ sẽ vẫn duy trì một số lượng quân nhất định tại đây để hỗ trợ Iraq trong các công tác huấn luyện, tình báo và hậu cần.

Hiểm nguy vẫn rình rập

Chiến thắng của Iraq đã dập tắt mộng tưởng của IS về việc thành lập một “Vương quốc Hồi giáo” ở khu vực biên giới Iraq và Syria, nhưng có lẽ “bóng ma” IS sẽ chưa thể biến mất hoàn toàn khỏi quốc gia này.

Theo một số nguồn tin, dù không còn nắm giữ một địa bàn nào, nhưng IS vẫn còn khoảng 3.000 tay súng đang lẩn quất tại Iraq và Syria mang theo những mối đe dọa chết người.

Việc lực lượng Iraq tiêu diệt 10 thành viên dự định đánh bom tự sát của IS tại một đường hầm gần thành phố Kirkuk chỉ ít giờ sau tuyên bố chiến thắng của Thủ tướng Haider al-Abadi là minh chứng rõ nét cho nhận định này.

Theo giới phân tích, sau khi bị đánh bại khỏi các khu vực thành thị, các phần tử IS sẽ trốn sâu trong sa mạc, chạy về vùng nông thôn hoặc trà trộn vào dân thường để tìm cơ hội phát triển trở lại.

Thất bại về mặt quân sự buộc IS phải thay đổi phương thức hoạt động, có thể là theo chiến thuật “du kích” và thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào dân thường, những người không có năng lực phòng vệ như đã từng diễn ra ở Nasiriyah, Ramadi trước đây.

Các quân nhân Iraq tạo dáng chụp ảnh phía trước đổng đổ nát của nhà thờ đổ nát do chiến tranh.
Các quân nhân Iraq tạo dáng chụp ảnh phía trước đổng đổ nát của nhà thờ đổ nát do chiến tranh. Ảnh Internet

Đặc biệt, khu vực sa mạc khắc nghiệt ở phía nam sông Euphrates sẽ là nơi ẩn náu lý tưởng cho IS bởi nơi đây có những thung lũng sâu tới 12m và dài hàng trăm km, ví dụ như thung lũng Wadi Hauran dài tới 350km từ biên giới với Saudi Arabia tới sông Euphrates.

IS đã đào rất nhiều đường hầm không thể bị phát hiện được bằng máy bay. Các đơn vị đánh bộ cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tác chiến ở địa bàn này nếu không có chuyên gia thông thạo địa hình.

Sa mạc chính là cội gốc của IS khi bắt đầu theo đuổi giấc mộng xây dựng “Vương quốc Hồi giáo”, bởi vậy Iraq cần có các giải pháp an ninh để ngăn chặn sự trỗi dậy của IS từ các vùng sa mạc này.

Cùng với ngăn chặn sự trở lại của IS, tái thiết đất nước sau 3 năm bị chiến tranh tàn phá cũng là một thách thức không nhỏ của Iraq thời hậu chiến. Ông Saad al-Hadithi, người phát ngôn của chính phủ Iraq cũng đã khẳng định chiến thắng về mặt quân sự là chưa đủ, mà quan trọng hơn là phải duy trì sự ổn định và phát triển đất nước sau khi quét sạch IS.

Những vấn đề mà chính phủ Iraq sẽ phải đối mặt trong quá trình tái thiết đất nước là ổn định chỗ ở của khoảng 3 triệu người dân đã bị mất nhà cửa, sự nổi dậy về cả chính trị và quân sự của khu vực người Kurd sau cuộc trưng cầu ý dân về độc lập, phát triển nền kinh tế sau những tổn thất lớn sau hơn 3 năm chìm trong chiến sự…, và Iraq phải thực hiện tất cả những công việc này cùng với chiến dịch chống tham nhũng mà Thủ tướng Al-Abadi phát động từ tháng trước.

Iraq tuyên bố đánh bại IS chỉ hai ngày sau khi Syria đưa ra thông báo tương tự. Nhưng cả Iraq và Syria đều sẽ đối diện với một năm 2018 đầy khó khăn, và họ sẽ phải chứng minh với thế giới rằng những tuyên bố mà họ đưa ra không phải là quá sớm.

Thúy Ngọc

TIN LIÊN QUAN