Bạo hành, xâm hại trẻ em: Chưa có nơi nào bị xử lý

17/12/2017 09:48

Mặc dù đã có đầy đủ chế tài xử phạt nhưng tình trạng bạo hành trẻ em vẫn diễn ra thường xuyên; chưa có địa phương nào bị xử lý.

Hệ thống pháp luật, đặc biệt là Luật trẻ em 2016 đã có quy định rất rõ về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em cũng như xử lý các vụ việc liên quan đến xâm hại và bạo lực trẻ em.

Cụ thể, UBND cấp xã, phường phải chịu trách nhiệm đầu tiên khi để xảy ra việc xâm hại trẻ em trên địa bàn. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, hầu như chưa có địa phương nào bị xử lý.

xay ra cac vu bao luc xam hai tre em chua co noi nao bi xu ly hinh 1
Cô giáo mầm non bạo hành trẻ ở trường Mầm Xanh, TP HCM (ảnh: Tuổi trẻ)

Luật Trẻ em và Nghị định 56/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định, chủ tịch UBND cấp xã, huyện, tỉnh là người đầu tiên phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra việc xâm hại trẻ em trên địa bàn.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về việc để xảy ra tình trạng không xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em xảy ra trên địa bàn; không kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.

Mặc dù đã có đầy đủ chế tài xử phạt, nhưng tình trạng bạo hành trẻ em vẫn diễn ra thường xuyên. Một phần là do ý thức của người chăm sóc trẻ em, sự thờ ơ của cộng đồng xung quanh và một phần cũng do trẻ không dám lên tiếng vì người bạo hành đôi khi lại chính là cha, mẹ.

Bên cạnh đó, việc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 5 đến 10 triệu đồng là quá thấp, chưa đủ sức răn đe.

Ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, tổng kết Nghị định 144 của Thủ tướng Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc trẻ em cho thấy, trong 5 năm qua, Hà Nội không xử phạt bất cứ trường hợp nào.

Báo cáo các địa phương khác cũng tương tự, hầu như không xử lý hành chính.

Với khung pháp luật như hiện nay, nhiều địa phương vẫn chưa làm hết trách nhiệm.

Theo ông Hà Đình Bốn, cần có những rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật từ Luật Trẻ em, luật Hình sự, Dân sự để đảm bảo tính đồng bộ.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức của cộng đồng.

“Nếu cứ chờ chỉ đạo của cấp trên mới xử lý thì chúng ta làm chưa hết trách nhiệm, ai làm chưa hết trách nhiệm thì chúng ta lại chưa xử lý. Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính, hầu hết các địa phương không xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trẻ em.

Nhiều địa phương, chính quyền, tổ dân phố không xử lý, không có trường hợp nào bị xử lý. Hà Nội cũng báo cáo là cơ bản Nghị định này không bị xử lý. Như vậy, chúng ta thực hiện chưa hiệu quả. Muốn thực thi có hiệu quả thì phải quy định cụ thể, chặt chẽ hơn nữa, phải thanh tra, kiểm tra và phải xử lý kiên quyết”, ông Đình Bốn nói.

Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng khẳng định, luật pháp hiện nay quy định khá đầy đủ, song việc tổ chức thực hiện, đưa luật vào đời sống vẫn là vấn đề cần quan tâm hiện nay.

Mặc dù trong Luật Trẻ em 2016 đã có 1 chương, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cơ sở giáo dục, gia đình trong việc bảo vệ trẻ em, nhưng Luật nên được cụ thể hóa hơn, phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ phận trong chính quyền xã về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em thay vì quy trách nhiệm cứng nhắc cho chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

Đặc biệt, cần chú trọng phát triển đội ngũ cộng tác viên, vì đây là cánh tay nối dài của toàn án gia đình, có nhiệm vụ phòng ngừa, phát hiện, tố giác các hành vi xâm hại trẻ em.

“Các Bộ liên quan phải có sự kết nối mạnh mẽ, chặt chẽ, rõ trách nhiệm. Hệ thống văn bản chỉ đạo cũng phải thể hiện một cách xuyên suốt. Vừa qua, Chính phủ cũng đã mạnh mẽ thiết lập Đường dây bảo vệ trẻ em quốc gia góp sức trong việc cung cấp kịp thời thông tin và xử lý xâm hại, bạo lực trẻ em. Quan trọng hơn là thành lập Ủy ban Quốc gia bảo vệ trẻ em, quy trách nhiệm đến tận cấp xã, có quan hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau để ngăn chặn tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em”, bà Ngô Thị Minh nói./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN