'Tin tức giả mạo' châm ngòi cho các sự kiện chính trị lớn tại Đông Nam Á năm 2017

26/12/2017 17:56

(Baonghean.vn) - Các tin tức giả mạo đã tác động tới 3 sự kiện chính trị mang tính bạo lực tại châu Á trong năm qua, nổi lên là một vũ khí chiến lược cho dân thường và là công cụ nhà nước gây chia rẽ xã hội sâu sắc hơn.

Từ các cuộc bầu cử tại Indonesia, cuộc khủng hoảng liên quan cộng đồng người Hồi giáo Rohingya thiểu số tại Myanmar, cho tới cuộc chiến chống ma túy của Philippines, việc truyền bá tin tức sai hướng và tin tức giả đã được lợi dụng để tăng cường các phát ngôn, khuôn mẫu và tuyên truyền những thông tin gây thù ghét tiêu cực.

Biểu tình tại Jakarta ủng hộ Thống đốc Basuki Tjahaja Purnama, chính khách bị kết án 2 năm tù. Ảnh: AP
Biểu tình tại Jakarta ủng hộ Thống đốc Basuki Tjahaja Purnama, chính khách bị kết án 2 năm tù. Ảnh: AP

Tiến sĩ Mustafa Izzuddin, chuyên gia Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng trong khu vực, “tin tức giả mạo gắn chặt với nền chính trị trong nước, nhất là sự nổi lên của chủ nghĩa dân tộc”.

Chuyên gia này nhận định nền chính trị theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cùng với giọng điệu sắc tộc pha lẫn tôn giáo càng đẩy mạnh sự lan truyền tin tức giả mạo ở Indonesia, Myanmar và Philippines.

Mặc dù tin tức giả mạo là một hiện tượng toàn cầu song vấn đề này lại cực kỳ liên quan tới Đông Nam Á, khu vực còn tương đối mới mẻ khi đề cập tới ý tưởng không gian mạng tự do.

Chuyên gia Aim Sinpeng nghiên cứu chính trị tại Đại học Sydney (Australia) giải thích: “Lần đầu tiên trong cuộc đời hầu hết mọi người, hiện họ có quyền truy cập các thông tin không kiểm duyệt của nhà nước”.

Khu vực này tự hào có lịch sử lâu dài các thông tin do nhà nước kiểm soát thông qua các phương tiện truyền thông truyền thống, tuy nhiên thế giới trực tuyến vẫn còn là lĩnh vực ít được nhà nước điều chỉnh.

Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại bang Rakhine, Myanmar liên quan tới cộng đồng Hồi giáo Rohingya. Ảnh: AP
Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại bang Rakhine, Myanmar liên quan tới cộng đồng Hồi giáo Rohingya. Ảnh: AP

Chuyên gia Sinpeng cho rằng: “Hàng triệu người dân Đông Nam Á, những người có quyền tiếp cận mạng internet lần đầu tiên trong đời, cũng có thể tiếp cận thông tin ‘rác’, hầu hết không được nhà nước kiểm duyệt”, đồng thời cho biết mạng xã hội Facebook hiện là nguồn thông tin chính đối với nhiều người dân Đông Nam Á, đại đa số tin tưởng thông tin do bạn bè chia sẻ trên trang mạng này.

Giáo sư Sinpeng nêu rõ Facebook có thể tạo ra hiệu ứng echo chamber (tạm dịch buồng phản âm), ở đó mọi người chỉ đọc thông tin từ những người có cùng quan điểm trong khi các thuật toán của nền tảng này tạo ra “các bong bóc lọc” để cung cấp thông tin cho người dùng dựa trên hành vi trước đó.

Theo ông Sinpeng, “cả hai điều này đều giúp đẩy nhanh sự lan truyền các thông tin sai lệch”.

Giới chuyên gia nhất trí rằng cần phải tiến hành các nỗ lực để cải thiện kỹ năng số trong khu vực, khuyến khích các cá nhân kiểm tra chéo thông tin và chứng thực tin tức./.

Lan Hạ

(Theo CNBC)

TIN LIÊN QUAN