7 nguyên tắc sử dụng bếp gas an toàn

Ngọc Anh 21/03/2018 06:34

(Baonghean.vn) - Một vụ nổ lớn vừa xảy ra ở quán lẩu nướng tại đường Trần Phú, TP. Vinh mà nguyên nhân vụ nổ có thể do bình gas công nghiệp phục vụ trong nhà hàng. Có những nguyên nhân khá nhỏ nhưng hậu quả rất nghiêm trọng. Dưới đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ nổ bình gas hiện nay.

 Hé lộ nguyên nhân vụ nổ nhà hàng ở Nghệ An

Hé lộ nguyên nhân vụ nổ nhà hàng ở Nghệ An

(Baonghean.vn) - Các nhân chứng mô tả vụ nổ “như một quả bom”, trong khi đó nhà chức trách bước đầu nhận định, nguyên nhân vụ nổ có thể do bình gas công nghiệp phục vụ trong nhà hàng lẩu nướng.

1. Lắp đặt bếp đúng tiêu chuẩn an toàn

Khi bắt đầu lắp đặt và sử dụng bếp gas, người dùng cần kiểm tra các tiêu chí cơ bản:

Vị trí đặt bếp phải thoáng khínhưng cần tránh gió lùa trực tiếp

Bề mặt đặt bếp gas nên bằng đá, xi măng, kính... không nên bằng chất liệu gỗ vì dễ bắt lửa.

Bếp gas lắp cách trần tối thiểu 1 m, cách tường hoặc vật chắn khác ít nhất 15 cm, xa các vật liệu dễ bắt lửa hay cháy nổ.

Bình gas cần đặt thẳng đứng và thấp hơn bếp ga, đặt trong tủ bếp có thể lưu thông khí (phòng trường hợp khí ga rò rỉ có thể phát hiện ngay). Bình ga cũng cần để xa bếp và các nguồn điện tối thiểu 1.5 m.

Dây dẫn đảm bảo còn mới nguyên, không bị nứt gãy hay gấp khúc khi lắp đặt.

Khi lắp bình gas với bếp, kiểm tra bật bếp thử để kiểm tra ngọn lửa, tắt bếp đúng quy trình để kiểm tra xem van có kín không.

2. Chọn bình gas uy tín, an toàn

Thông thường với một vỏ bình đúng tiêu chuẩn sẽ có chữ khắc nổi của thương hiệu trên vỏ. Bên trong có chữ xác nhận, thân bình gas được dập bằng khuôn thép; vỏ được đem đi kiểm định cũng như thử áp lực… rồi mới có thể chứa gas bán ra thị trường.

Với một bình gas giả, chữ nổi phía trên vỏ bình của hãng gas chính hãng sẽ được dập cho mất đi, thậm chí đốt, tháo van, thay đế, rồi hàn lại… để xóa mọi dấu vết của vỏ bình chính hãng, thay vào đó là tên của đơn vị khác.

Cách chọn bình gas đảm bảo an toàn như sau: bình gas được cung cấp bởi những hãng gas có tên tuổi, uy tín; cẩn thận trước những loại bình gas không rõ nguồn gốc từ cơ sở chiết lậu gas.Chọn bình gas nguyên vẹn, không móp và rỉ sét, nước sơn mới nguyên.

Nếu dùng bếp gas mini khi đổi bình gas cần phải xem kỹ hạn sử dụng, nhà sản xuất, đã được kiểm định hay chưa… để đảm bảo an toàn khi sử dụng.

3. Vệ sinh bếp thường xuyên

Điều này không những giúp không gian nấu nướng luôn được sạch sẽ, ngăn chặn sự xâm hại của các vi khuẩn mà còn giúp cho bếp tăng độ bền, an toàn khi sử dụng.

Vệ sinh thường xuyên giúp bếp gas không bị gỉ sét, hư hại. Khi đó, hệ thống đánh lửa sẽ hoạt động tốt, đảm bảo an toàn.

Vì thế, nếu bếp gas của đã quá cũ và rỉ sét nhiều, hãy thay bếp mới để công việc nấu nướng thuận tiện hơn và an toàn hơn cho căn nhà.

4. Không mở nhiều vòng gas, phải đóng van khi ngưng sử dụng

Khi dùng bếp gas, lúc mở bếp chỉ cần vặn 1 đến 2 vòng, không nên vặn quá nhiều. Sau khi nấu nướng xong, không còn nhu cầu sử dụng bếp, ngoài việc phải tắt bếp hãy khóa van bình gas ngay, tránh trường hợp quên, dẫn đến tai nạn đáng tiếc.

5. Luôn bên cạnh khi bếp đang đun nấu

Không phải lúc nào bếp gas cũng ổn định, để tránh những nguy hiểm bất ngờ không thể lường trước như thực phẩm trào làm tắt bếp, gió thổi làm tắt bếp hay vật dễ cháy bất ngờ bay vào bếp,… Cần phải đứng bên cạnh bếp quan sát, túc trực trong suốt quá trình nấu.

Nếu có trường hợp xấu nào xảy ra, nguy hại nhất là bị cháy,có thể phản ứng kịp thời để ngăn ngừa những thiệt hại đáng tiếc.

6. Dùng bệ bếp gas từ vật liệu không bắt lửa

Đây là nguyên tắc rất quan trọng: bệ bếp gas không làm từ chất liệu dễ cháy, những chi tiết trang trí cũng không làm từ chất liệu dễ cháy. Lý do là bởi trong quá trình nấu, lửa bếp có khả năng tiếp xúc với những chất liệu này.

Nếu là vật liệu dễ cháy, khả năng bén lửa, gây cháy nổ là rất cao, không kịp thời dập tắt lửa thì hậu quả còn khủng khiếp hơn. Vì thế, nếu đang đặt bếp gas trên những chiếc bàn gỗ, hãy loại bỏ chúng ngay để tránh hiểm họa có thể xảy ra.

7. Kiểm tra an toàn bếp định kỳ

Để chắc chắn toàn bộ bếp gas ở trong tình trạng an toàn nhất cho sử dụng: 6 tháng - 1 năm/1 lần kiểm tra bếp, bình ga, dây dẫn ga và cả van khóa; 2 - 3 năm thay mới ống dẫn ga, và 5 năm thay mới van điều áp.

Trường hợp bếp xuất hiện gỉ sét nhưng vẫn hoạt động tốt, nên thường xuyên lưu ý vị trí gỉ nhất là khi nó gần bộ phận đánh lửa, đầu đốt của bếp vì sẽ dễ gây rò rỉ gas và bắt lửa sang vị trí hoen gỉ đó.

Nên thay mới khi bếp gas đã quá cũ; Không dùng bình gas quá cũ, nhất là có dấu hiệu gỉ.

* Khi ngửi thấy mùi gas tức là có sự cố xì gas, phải lập tức xử lý theo các bước sau:

Bước 1: Nhanh chóng khóa van đầu bình gas, cô lập khu vực gas xì.

Bước 2: Không được có những hành động làm phát sinh tia lửa như: bật công tắc đèn, cầu dao điện, giữ nguyên trạng thái của các công tắc, phích cắm của thiết bị điện đang sử dụng (như đèn, quạt, nồi cơm điện). Cảnh báo không cho những người đang hút thuốc, thắp nhang đi vào khu vực có gas xì. Tắc các nguồn nhiệt, bếp ở khu vực xung quanh.

Bước 3: Mở các cửa sổ, cửa đi. Dùng quạt tay quạt thông thoáng khu vực có gas xì để làm giảm tỷ lệ hơi gas trong không khí ở khu vực có gas xì.

Bước 4: Tìm chỗ rò rỉ gas bằng nước xà phòng (xoa nước xà phòng quanh bình gas, dây dẫn… chỗ nào bọt nổi lên là có gas xì).

Bước 5: Nếu bình gas bị xì, sau khi khóa van đầu bình, mở van điều áp ra khỏi bình, di chuyển bình gas bị xì ra nơi thông thoáng, dùng xà phòng (cục) trét lên chỗ bị xì, sau đó dùng dây thun quấn chỗ bị xì, gọi điện cho cửa hàng hoặc đại lý đến đổi bình gas mới. Nếu ống mềm hoặc van điều áp bị xì thì thay mới.

Chú ý: Khi đang nấu mà bị tắt bếp, nếu lúc đó ngửi thấy mùi gas thì tuyệt đối không được bật bếp lại, phải nhanh chóng khóa van đầu bình gas và xử lý giống như sự cố xì gas. Chỉ bật lại bếp khi không còn mùi gas trong khu vực bếp.

Ngọc Anh