4 sai lầm Tổng thống Mỹ cần tránh khi gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên

Lan Hạ 19/04/2018 15:37

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh cuộc gặp thượng đỉnh sắp diễn ra với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, điều quan trọng hơn bao giờ hết hiện nay, đó là Tổng thống Donald Trump cần bước vào bàn đàm phán không chỉ với kế hoạch chính sách toàn diện, mà còn với một chiến lược tránh những sai lầm do các chính quyền tiền nhiệm mắc phải.

 Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP

Nếu ông Trump trình bày được đề xuất chặt chẽ, sáng suốt, không đi theo lối mòn của các sai lầm trong quá khứ và đưa ra các giải pháp thỏa đáng, thì ông ấy đã đánh trúng mục tiêu phi hạt nhân hóa toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

1. Thiếu quyết tâm không thể lay chuyển

Chiến thuật “Kiên nhẫn chiến lược” của cựu Tổng thống Obama rõ ràng là làm ngơ trước việc Triều Tiên tăng tốc chương trình hạt nhân của mình và đã đạt được thành công lịch sử. Ngược lại với cách tiếp cận diều hâu của chính quyền cựu Tổng thống George W.Bush, chiến lược ít khiêu khích của Tổng thống Obama đã nhận được sự hoan nghênh từ các nước tham gia đàm phán 6 bên gồm: Mỹ, Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản.

Sự thành công gần đây của Tổng thống đương nhiệm Donald Trump trong việc thuyết phục ông Kim thoát ra khỏi tình trạng bị cô lập chứng tỏ cần nhiều sự kiên nhẫn hơn nữa để buộc Bình Nhưỡng cân nhắc việc đạt được một thỏa thuận lâu dài về từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, sự quyết tâm và kiên định sẽ là không đủ để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa. Tổng thống Trump cần tiếp tục thể hiện sự sẵn sàng áp đặt hiệu quả sức ép chiến lược và chính trị khắt khe (dưới hình thức các cuộc tập trận chung, phong tỏa hàng hải và báo cáo về vi phạm nhân quyền) song song với các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc do Trung Quốc áp đặt.

2. Lạm dụng các công cụ đàm phán

Căn cứ theo Thỏa thuận khung không thành công mà Tổng thống Bill Clinton ký kết với Triều Tiên hồi năm 1994, nếu chỉ áp dụng mỗi chiến lược “giành tình cảm” thì sẽ khó có thể đảm bảo mục tiêu xóa bỏ toàn bộ chương trình hạt nhân. Tương tự, một chính sách chỉ để giải quyết mối đe dọa cũng không đem lại kết quả, bởi điều này cho thấy chính sách này không có cơ hội tồn tại nếu không song hành với vũ khí hạt nhân.

 Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không chỉ nhằm mục đích răn đe trước mối đe dọa quân sự thực sự hoặc tiềm tàng. Ảnh: Getty
Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không chỉ nhằm mục đích răn đe trước mối đe dọa quân sự thực sự hoặc tiềm tàng. Ảnh: Getty

Do đó, Tổng thống Trump cần vạch ra một chính sách tính toán tỉ mỉ chi phí và lợi ích của phi hạt nhân hóa tính từ ưu thế của Triều Tiên. Bởi chương trình hạt nhân về bản chất gắn liền với sự sống còn của chính quyền Triều Tiên, ông Kim sẽ không bao giờ chấp nhận từ bỏ trừ khi chi phí cực kỳ cao, buộc chế độ phải thay đổi, trong khi lợi ích lại mang lại cơ hội sống còn cao.

Do đó Tổng thống Trump cần áp dụng chính sách “cây gậy và củ cà rốt”: đe dọa trừng phạt kèm theo cam kết hiện đại hóa kinh tế và tăng trưởng bền vững.

3. Thiếu sự ủng hộ tuyệt đối của các nước liên quan

Theo phân tích của ông Scott Snyder, giám đốc chính sách Mỹ-Triều tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, các chính quyền tiền nhiệm đã thất bại khi đối phó với Triều Tiên bởi họ đặt quan ngại an ninh riêng của họ lên trên nhu cầu tập thể, thực hiện các chính sách vị kỷ không tính tới lợi ích của các quốc gia liên quan, vì vậy các chính sách này không nhận sự ủng hộ rộng rãi.

Kinh nghiệm rút ra từ chính quyền Tổng thống Bush, đó là với sự ủng hộ của các bên (nhất là Nga và Trung Quốc) tiến hành các biện pháp trừng phạt quy mô toàn cầu, Triều Tiên khó có thể bác bỏ, nếu không sẽ phải đối mặt với việc thay đổi chế độ.

4. Không thừa nhận bản chất thực sự của chương trình hạt nhân

Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không chỉ nhằm mục đích răn đe trước mối đe dọa quân sự thực sự hoặc tiềm tàng, mà còn đặt nền tảng cho tính hợp pháp của chính quyền. Sự phát triển vũ khí hạt nhân trực tiếp hoàn thiện mong muốn của cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il cũng như người sáng lập đất nước Kim Nhật Thành. Do đó, chương trình vũ khí không đơn giản bị xóa bỏ, kể cả khi đối mặt với nguy cơ chết đói diện rộng hoặc bị hủy diệt hoàn toàn.

Nhà lãnh đạo Triều tiên Kim Jong-un
Chương trình vũ khí hạt nhân nhà lãnh đạo Triều tiên Kim Jong-un đang theo đuổi không chỉ nhằm mục đích răn đe trước mối đe dọa quân sự thực sự hoặc tiềm tàng, mà còn đặt nền tảng cho tính hợp pháp của chính quyền. Ảnh: Getty

Để đối phó, ông Trump cần đưa ra một thỏa thuận, theo đó duy trì vị thế tôn kính của Triều Tiên, thông qua việc chuyển đổi sang một hệ thống định hướng thị trường, tăng trưởng kinh tế bền vững ít nhất 10%, được bảo đảm bằng nguồn quỹ phát triển từ Hàn Quốc - không dưới 30 tỷ USD hàng năm trong thời gian tối thiểu 10 năm.

Giám đốc CIA bí mật gặp ông Kim Jong-un

Giám đốc CIA bí mật gặp ông Kim Jong-un

Báo Washington Post của Mỹ ngày 17/4 đưa tin, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đồng thời là người được Tổng thống Mỹ Donald Trump đề cử vào vị trí ngoại trưởng - ông Mike Pompeo, đã tiến hành một chuyến thăm bí mật đến Triều Tiên vào dịp Lễ Phục sinh hồi cuối tuần qua và gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Lan Hạ