Mòn mỏi vì dự án nhiệt điện không triển khai

Bài: Thu Huyền - KT: Lâm Tùng 19/03/2020 15:53

(Baonghean) - Sau 5 năm Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) được ấn nút khởi công, dự án vẫn án binh bất động. Câu hỏi người dân đặt ra, dự án có tiếp tục triển khai hay không, khi nào thì người dân được chuyển đến nơi ở mới ổn định cuộc sống?

Người dân mòn mỏi chờ

Chúng tôi về thôn Tân Minh của xã Quỳnh Lập, hình ảnh đầu tiên bắt gặp là tấm bảng quy hoạch dự án nhiệt điện mục nát, không còn rõ chữ. Tại địa điểm được quy hoạch là khu hành chính nhà máy hiện vẫn chỉ là bãi đất trống, nhiều diện tích được người dân khoanh nuôi tôm, trồng rau... Đi không được, ở cũng không xong là tình trạng hiện nay của hàng trăm hộ dân của 3 thôn xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai.
Tiếp xúc với người dân của thôn, nhiều người bày tỏ bức xúc vì không biết dự án khi nào triển khai ảnh hưởng nhiều đến đời sống nhân dân. Chị Trần Thị Phương, người dân thôn Tân Minh, phản ánh: “Vì vướng quy hoạch dự án nên chúng tôi gặp khó khăn trong cải tạo nhà cửa, tách hộ; việc học của con trẻ cũng không đảm bảo, thiếu phòng học và phải học trong phòng bốn bề thưng tôn… Nguyện vọng của đa số người dân nằm trong quy hoạch dự án là được biết chính xác “đi hay ở”, và dự án khi nào thì triển khai?”.

Tấm bảng công bố quy hoạch dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 rách nát. Ảnh: Thu Huyền
Tấm bảng công bố quy hoạch dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 rách nát. Ảnh: Thu Huyền

Cũng theo phản ánh của người dân, thì sau ngày động thổ hoành tráng (ngày 1/10/2015), chủ đầu tư gần như không có động thái gì tiếp theo, quá trình GPMB hiện chưa hoàn tất. Nhà máy nhiệt điện “tỷ đô” vốn rất được người dân kỳ vọng mà án binh bất động dài dài; trong điều kiện sinh sống ở miền biển đất chật người đông, nhiều hộ dân muốn xây nhà, tách bìa đất cho con nhưng đều bị vướng.

Chúng tôi đến gia đình ông Hoàng Văn Na khi ông bà đang dọn dẹp căn bếp đã xập xệ. Ông Na cho biết, căn nhà làm đã hơn 20 năm, khu bếp xuống cấp nặng, không đảm bảo ánh sáng, vệ sinh, ẩm thấp chật chội nhưng vì vướng quy hoạch nên không sửa sang, nâng cấp được. Gia đình ông bà có 3 con trai đã lập gia đình nhưng chưa tách được bìa đất, 4 hộ sống chung trên 1 thửa đất cũ của gia đình.

Ông Hoàng Văn Đồng - Trưởng thôn Tân Minh, xã Quỳnh Lập cho hay: Hiện thôn có 310 hộ, với khoảng 1.250 khẩu (năm 2010 mới chỉ có 200 hộ, 1.000 khẩu). Vì nằm trong quy hoạch xây dựng 2 nhà máy nhiệt điện than, nhưng dự án chậm triển khai hoặc triển khai cầm chừng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong việc nâng cấp, tu sửa nhà cửa, trường học và một số công trình khác.

chú thích

Trường mầm non của thôn Tân Minh phải dựng bằng tôn do nằm trong quy hoạch dự án. Ông Hoàng Văn Na ở thôn Tân Minh, Quỳnh Lập dọn lại căn bếp đã xuống cấp vì không được nâng cấp xây dựng. Đất chật, người đông nhưng nhiều gia đình ở thôn Tân Minh, xã Quỳnh Lập không tách được hộ, làm bìa đất vì dính quy hoạch dự án. Ảnh: Thu Huyền

Ông Nguyễn Văn Nho - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho biết thêm: Khi có thông tin dự án vào đầu tư trên địa bàn, chính quyền địa phương và người dân rất tin tưởng phấn khởi, kỳ vọng dự án được đưa vào hoạt động không chỉ giải quyết việc làm, đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách địa phương mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Thế nhưng, từ ngày khởi công động thổ đến nay, dự án vẫn án binh bất động, không triển khai gì thêm. Khu tái định cư cũng ngổn ngang dở dang, và với số nhân khẩu, số hộ như hiện nay thì cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. 3 thôn nằm trong quy hoạch dự án là Đồng Minh, Đồng Thanh và Tân Minh gặp rất nhiều khó khăn về giao thông, trường học, xây dựng cải tạo nhà cửa… Đề nghị các cấp, ngành có hướng giải quyết dứt điểm giúp người dân ổn định cuộc sống.

Được biết, gần 10 năm qua, kể từ khi có quy hoạch dự án nhiệt điện thì người dân sống trong vùng quy hoạch không tách được bìa, không được chuyển mục đích sử dụng đất vườn sang đất ở, khó khăn trong tách hộ. Từ đầu năm 2019 đến nay, để tạo điều kiện cho người dân, thị xã Hoàng Mai đã “nới lỏng” cho phép người dân được tách hộ nếu có nhà ở…

Đợi đến bao giờ?

Trung tâm Nhiệt điện Quỳnh Lập được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch địa điểm tại Quyết định số 1359/QĐ-BCT ngày 20/3/2009; diện tích quy hoạch 283 ha, quy mô 2.400MW. Dự án được đầu tư theo 2 giai đoạn: Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1: 2*600MW và Nhà máy điện Quỳnh Lập 2: 2*600 MW.

Theo Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có tính đến năm 2030 thì Nhà máy Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 sẽ vận hành vào năm 2022.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 với tổng mức vốn đăng ký khoảng 2,2 tỷ USD, công suất 1.200MW được Chính phủ giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư và được Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 143,54 ha.

Đây là dự án quan trọng trong Chiến lược phát triển lĩnh vực điện của ngành than - khoáng sản nói riêng và quy hoạch điện Quốc gia nói chung. Dự kiến sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành, Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 sẽ cung cấp vào lưới điện quốc gia khoảng 6,6 tỷ kWh/năm, góp phần phát triển kinh tế để thích ứng với tốc độ tăng trưởng dự báo sẽ đạt mức cao từ nay đến năm 2030 của khu vực Bắc Trung Bộ nói chung, tỉnh Nghệ An nói riêng.

Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, hiện nay, hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đã được Bộ Công Thương thẩm định giao Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam phê duyệt dự án. Báo cáo Đánh giá tác động môi trường của dự án đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt; hồ sơ quy hoạch chi tiết xây dựng đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam phê duyệt.

Khu tái định cư dự án nhiệt điện Quỳnh Lập dở dang, nhiều hạng mục đèn chiếu sáng, điện,... chưa xong. Ảnh: Thu Huyền
Khu tái định cư dự án nhiệt điện Quỳnh Lập dở dang, nhiều hạng mục đèn chiếu sáng, điện,... chưa xong. Ảnh: Thu Huyền

Về tiến độ thực hiện công tác bồi thường GPMB, sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt, công ty tư vấn quản lý dự án Vinacomin đã hợp đồng thực hiện trích lục, trích đo bản đồ địa chính và ký kết hợp đồng thực hiện... Tuy nhiên, do gặp khó khăn về nguồn vốn nên dự án chưa được triển khai; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đang có phương án liên danh với các nhà đầu tư khác để trình cấp thẩm quyền xem xét cho chủ trương tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 2, ngày 4/5/2017, Chính phủ đã ban hành công văn về việc giao cho nhà đầu tư Posco Energy (công ty thuộc Tập đoàn Posco của Hàn Quốc) nghiên cứu phát triển dự án nhà máy nhiệt điện BOT Quỳnh Lập 2. Ngày 2/11/2017, Posco Energy và Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) tổ chức ký kết biên bản hợp tác nghiên cứu phát triển dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 2. Chủ đầu tư đã cùng các đơn vị tư vấn triển khai khảo sát địa hình, địa chất và hiện đang trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình cấp có thẩm quyền cho chủ trương nhưng cũng chưa biết thời gian nào mới triển khai thực hiện.

Trưởng thôn Tân Minh chia sẻ những khó khăn của bà con trong thôn. Ảnh: Thu Huyền
Trưởng thôn Tân Minh chia sẻ những khó khăn của bà con trong thôn. Ảnh: Thu Huyền

Xung quanh ý kiến người dân về dự án chậm tiến độ này, theo ông Nguyễn Xuân Đức - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì việc đầu tư xây dựng các nhà máy nhiệt điện có công suất lớn (như Quỳnh Lập 1 và Quỳnh Lập 2) cần phải thực hiện nhiều hồ sơ, thủ tục và cần nhiều thời gian để đầu tư xây dựng đưa dự án vào hoạt động theo đúng Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam, UBND thị xã Hoàng Mai phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan hướng dẫn người dân trong khu vực có phương án nâng cấp, tu sửa nhà cửa và xây dựng các công trình xã hội khác hợp lý, hiệu quả để vừa đảm bảo cuộc sống hiện tại trong điều kiện chưa thể di dời tái định cư.

Chính vì dự án nhiệt điện cam kết đầu tư vào Nghệ An nhưng chưa được đầu tư xây dựng đưa vào hoạt động như kế hoạch đề ra, nên ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu thu ngân sách theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII.

Vừa qua, Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam đã đề nghị UBND tỉnh đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam báo cáo Thủ tướng Chính phủ về xây dựng phương án triển khai dự án đảm bảo các yêu cầu về tính khả thi, tiến độ, hiệu quả, thu xếp phương thức đầu tư với các đối tác thích hợp để tiếp tục triển khai, có cam kết chắc chắn về tiến độ triển khai cụ thể, không được chậm trễ về thời gian.

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đề nghị tập đoàn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư, bố trí đủ kinh phí để tổ chức GPMB. Tỉnh Nghệ An sẽ đẩy nhanh tiến độ GPMB cho dự án, bàn giao mặt bằng dự án cho đơn vị thi công trong vòng 24 tháng…


Bài: Thu Huyền - KT: Lâm Tùng