HLV Park Hang-seo sẽ nâng cấp ĐT Việt Nam với sơ đồ 3 tiền vệ trung tâm?
(Baonghean.vn) - Trong hơn 2 năm qua, với chiến thuật 3-4-3, bóng đá Việt Nam đã thành công với nhiều cấp độ đội tuyển, từ VCK U23 châu Á, Asian Games 2018, chức vô địch AFF Cup 2018 hay gần nhất là tiếng vang tại Asian Cup 2019 và Vòng loại World Cup 2022. Tuy nhiên, những trận đấu gần nhất cho thấy sơ đồ này cần được nâng cấp, làm mới.
Giữ nguyên sơ đồ 3 trung vệ
Khi HLV Park Hang-seo đến với bóng đá Việt Nam, trận đấu đầu tiên ông làm việc cùng ĐT Việt Nam là trận gặp Afghanistan tại vòng loại Asian Cup 2019 diễn ra tháng 11/2017. Đó là trận đấu mà ông thầy người Hàn Quốc tham khảo các cầu thủ, trợ lý và giữ nguyên sơ đồ quen thuộc 4-4-2 để nhận ra những điểm yếu, điểm mạnh của ĐT Việt Nam.
Qua phân tích, HLV Park cho rằng sơ đồ 4 hậu vệ không thể tối ưu hóa khả năng của các cầu thủ phòng ngự, dễ mắc sai sót và từ đó, ĐT Việt Nam bắt đầu được xây dựng dựa trên sơ đồ 3 trung vệ, 3 hậu vệ khi tấn công và 5 hậu vệ khi phòng ngự. Các trung vệ của ĐT Việt Nam đều có khả năng tranh chấp và đấu "tay đôi" tốt, do đó, nếu chỉ chơi với 2 trung vệ, không tận dụng khả năng tấn công ở 2 cánh sẽ là một sự lãng phí lớn.
Đội hình ĐT Việt Nam tại Vòng loại World Cup 2022. Ảnh: VFF |
Tại SEA Games 30, HLV Park Hang-seo vẫn trung thành với sơ đồ 3-4-3 và chỉ thay đổi thành 3-5-2 trong từng thời điểm, từng trận đấu. Và nhìn chung, với hệ thống phòng ngự được bố trí nhiều lớp bao gồm 3 trung vệ, 2 hậu vệ biên và tiền vệ trung tâm, cách chơi của ĐT U23 Việt Nam và ĐTQG Việt Nam thể hiện sự chắc chắn rất cao. Thành quả mang lại là tại SEA Games 30, ĐT Việt Nam chỉ để thủng lưới 4 bàn, 2 trong số đó đến từ lỗi trực tiếp của thủ môn.
Còn với U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2020 khi điểm rơi phong độ của các tuyển thủ đã không còn, kết quả mang về là rất đáng buồn khi thầy trò HLV Park Hang-seo thi đấu 3 trận, chỉ ghi được 1 bàn thắng trong trận thua Triều Tiên 1-2. Hai lần bị thủng lưới và bị loại ngay từ vòng bảng.
Tính cấp độ ĐTQG giải đấu gần nhất là Vòng loại World Cup 2022, ĐT Việt Nam đã thi đấu 5 trận nhưng chỉ để thủng lưới 1 bàn. Đó là bàn gỡ của Indonesia trong trận đấu mà thầy trò HLV Park Hang-seo đã giành chiến thắng 3-1. Số bàn thua ít của ĐT Việt Nam là một con số đáng mơ ước của các đối thủ tại bảng G bởi Thái Lan có đến 3 bàn thua, UAE (4), Malaysia 6 lần thủng lưới và Indonesia là 16.
ĐT Việt Nam đang có nhiều tiền vệ rất hay như Tuấn Anh, Hùng Dũng, Quang Hải, Hoàng Đức... Ảnh: Trung Kiên |
Ngược lại, số bàn thắng của ĐT Việt Nam không cao với hiệu suất 1 bàn thắng/1 trận, trong khi Malaysia có 8 bàn thắng, Thái Lan có 6 pha lập công, UAE có 8 bàn thắng. Các chân sút của ĐT Việt Nam chỉ chơi khá hơn đội cuối bảng Indonesia (3 bàn thắng). Hai trận đấu gặp Thái Lan, hàng phòng ngự ĐT Việt Nam vẫn không để thủng lưới, nhưng tấn công không mang lại hiệu quả với tỷ số đi và về đều là 0-0.
Rõ ràng, các hậu vệ ĐT Việt Nam đã quen với sơ đồ 3 trung vệ, các hậu vệ cánh thường xuyên lên tham gia tấn công, thi đấu như những tiền vệ cánh và vai trò của tiền vệ đánh chặn ngày một rõ nét hơn. Chắc chắn HLV Park Hang-seo sẽ không từ bỏ lối chơi phòng ngự chặt chẽ mà mình đã xây dựng bấy lâu nay.
Cần thêm họng pháo
Xét ở cấp độ ĐTQG, hàng phòng ngự của ĐT Việt Nam vẫn được đánh giá cao với sự có mặt của những trung vệ chất lượng như Quế Ngọc Hải, Trần Đình Trọng, Đỗ Duy Mạnh, Bùi Tiến Dũng; các hậu vệ Trọng Hoàng, Văn Hậu và thủ môn Đặng Văn Lâm. Ở hàng tiền vệ, HLV Park Hang-seo vẫn tâm đắc rằng ĐT Việt Nam đang có nhiều cầu thủ tốt, có nhiều sự lựa chọn với những Hùng Dũng, Tuấn Anh, Đức Huy, Huy Hùng...
Đội hình mô phỏng ĐT Việt Nam với chiến thuật mới có thể được áp dụng. Đồ họa: TK |
Tuy nhiên, trong lần gần nhất chia sẻ với truyền thông, HLV Park Hang-seo đã than thở rằng V.League đang không trình làng được nhiều gương mặt mới. Có nhiều nguyên nhân, trong đó cốt lõi là các CLB không chú trọng vào đào tạo trẻ. Họ ít cho các cầu thủ trẻ thi đấu. Bên cạnh đó, có đến 80% các đội bóng ở V.League dùng ngoại binh trên hàng tấn công, dẫn tới việc các tiền đạo nội ít có cơ hội thi đấu.
Khan hiếm tiền đạo vốn không phải là câu chuyện riêng của ĐT Việt Nam mà còn là bài toán khó với nhiều đội tuyển đẳng cấp cao trên thế giới. Hiện nay theo tính toán của HLV Park Hang-seo, ở vị trí trung phong, ông chỉ có thể sàng lọc và lựa chọn Nguyễn Anh Đức, Hà Đức Chinh và Nguyễn Tiến Linh. Bây giờ, Anh Đức đã giã từ đội tuyển. Và HLV người Hàn Quốc cùng các cộng sự phải đi tìm thêm những nhân tố mới ngoài Đức Chinh, Tiến Linh.
Thực tế, nhiều tiền đạo nội triển vọng của đội tuyển hiện nay vẫn được thi đấu thường xuyên, nhưng họ không được xếp ở vị trí trung phong. Điển hình như Hồ Tuấn Tài của SLNA, Vũ Quang Nam của CLB TP Hồ Chí Minh. Trường hợp của Nguyễn Xuân Nam - cầu thủ đã ghi 3 bàn tại V.League 2020 và 2 bàn tại AFC Cup là một trường hợp hiếm hoi, nhưng anh cũng chỉ là một chân sút thường vào sân từ băng ghế dự bị.
HLV Park Hang-seo "bật mí" về kế hoạch sắp tới. Đồ họa: TK |
Điều này đặt ra cho HLV Park Hang-seo cùng lúc 2 bài toán để nâng cấp đội tuyển Việt Nam, đó là con người và chiến thuật. Cần tìm ra những tiền đạo mới và nghiên cứu thêm chiến thuật để lối chơi trở nên đa dạng hơn.
Với bài toán thứ nhất, các đội cần đầu tư vào bóng đá trẻ. Đặc biệt, các giải cần quy định số cầu thủ trẻ phải được vào sân trong mỗi trận đấu. Đây là một phương án mà một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc đã từng áp dụng và trách nhiệm thuộc về VFF, VPF và các đội bóng V.League.
Ở bài toán thứ hai, thuộc về trách nhiệm của HLV Park và trợ lý Lee Young-jin, bởi rõ ràng lối chơi của đội tuyển đã phần nào bị “bắt bài”. Ngoài 3-5-2 với 2 tiền đạo mũi nhọn, BHL của đội tuyển thời gian tới nhiều khả năng sẽ “trình làng” thêm ít nhất 2 sơ đồ chiến thuật khác là 3-1-4-2 (1 tiền vệ phòng ngự) hay 3-4-1-2 với 2 tiền đạo trung phong để có thêm nhiều phương án tấn công.
Nếu áp dụng đội hình này, ĐT Việt Nam sẽ có 3 tiền vệ trung tâm và đảm bảo 2 tiền đạo trung phong. Đồ họa: TK |
Trong trường hợp ĐT Việt Nam áp dụng thêm 2 sơ đồ chiến thuật đó, HLV Park Hang-seo có thể sẽ lãng phí những cầu thủ vốn được trọng dụng khi chơi 3-4-3 như Văn Đức, Công Phượng, Văn Toàn ở vị trí tiền vệ hộ công (tiền đạo lùi). Bù lại, HLV người Hàn Quốc có thể tận dụng nguồn sức mạnh đến từ hàng tiền vệ giàu tính sáng tạo. Đó là chưa kể đến những phương án từ tình huống cố định, không chiến dựa trên một đội hình sở hữu thể hình tốt nhất từ trước đến nay.
Vì vậy, chính các cầu thủ sẽ phải làm quen với việc thay đổi cách chơi liên tục trong trận đấu. Tuy nhiên, khả năng thích ứng chiến thuật và thay đổi chiến thuật của các cầu thủ Việt Nam vẫn được cho là còn nhiều hạn chế. Hy vọng vào cuối năm khi Vòng loại World Cup 2022 trở lại cùng với AFF Cup 2020, ĐT Việt Nam sẽ được “nâng cấp” thành công như mong muốn và cũng là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện tại.
(Baonghean.vn) - Sức mạnh về tinh thần của ĐT Việt Nam dưới thời ông Pack được thể hiện rất rõ trong suốt hơn 2 năm vừa qua, kể cả những giải đấu giao hữu, trong những tình huống khó khăn nhất. Và trước hết, kỷ luật được HLV Park đặt lên hàng đầu, trong những hành động cử chỉ cụ thể.Kỷ luật và tinh thần ‘thép’ ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo (kỳ 4)