Giải quyết vướng mắc tại dự án Thủy điện Hủa Na: Chính sách phải được thực hiện đúng, đủ!

Nhật Lân 04/06/2020 15:40

(Baonghean.vn)- Mới đây, để giải quyết vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thủy điện Hủa Na, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Quế Phong và các cơ quan chức năng phối hợp, tham mưu văn bản xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ; Ủy ban MTTQ tỉnh cũng đã vào cuộc thực hiện giám sát nội dung này.

Dưới 'nguồn sáng' thủy điện Hủa Na

Dưới 'nguồn sáng' thủy điện Hủa Na

(Baonghean) - Vẫn nguyên đó những bất đồng quan điểm và người dân quá mệt mỏi với chờ đợi khi công tác đối trừ giá trị quyền sử dụng (QSD) đất ở Dự án thủy điện Hủa Na không được giải quyết dứt điểm trong năm 2019 như kỳ vọng…

Ủy ban MTTQ tỉnh vào cuộc

Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của dân, ổn định tình hình nhân dân trước Đại hội Đảng các cấp là mục tiêu đề ra của Ủy ban MTTQ tỉnh khi thực hiện giám sát công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thủy điện Hủa Na.
Theo đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, ngày 8/5/2020, Ủy ban MTTQ huyện Quế Phong có văn bản gửi Ủy ban MTTQ tỉnh đề nghị giám sát việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thủy điện Hủa Na; trong đó trọng tâm là giám sát việc tính toán đối trừ giá trị quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến ở dự án này.

Về dự án thủy điện Hủa Na, được khởi công xây dựng năm 2008, ảnh hưởng đến 14 bản của 2 xã Thông Thụ, Đồng Văn với 1.362 hộ dân phải di dời tái định cư. Trong đó, có 878 hộ phải di dời đến 13 bản tái định cư. Quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã được chính quyền huyện Quế Phong và 2 xã Thông Thụ, Đồng Văn ủng hộ; nhân dân đồng thuận để đến tháng 7/2012 việc di dân hoàn tất, tạo điều kiện dự án được hoàn thành, đến tháng 2/2013 thì chính thức phát điện.

Vậy nhưng sau 13 năm triển khai dự án, chủ đầu tư vẫn chưa hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; nhất là các mục rất quan trọng, gắn với đời sống người dân như khai hoang đồng ruộng, đối trừ quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến... Trong khi đó, nhiều công trình hạ tầng các điểm tái định cư đã xuống cấp; đời sống của người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ tái nghèo cao, phát sinh những hệ lụy và tệ nạn xã hội.

Từ cuối năm 2019 đến nay, qua các kênh thông tin từ cử tri và báo chí, Ủy ban MTTQ tỉnh cũng nhận thấy công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thủy điện Hủa Na có những vấn đề bất cập, vướng mắc. Đáng lưu ý là có những dấu hiệu cho thấy, dẫn đến những bất cập, vướng mắc có nguyên nhân từ việc tham mưu thực hiện chính sách của một số cơ quan có liên quan.

Vì vậy, căn cứ các quy định của pháp luật; căn cứ ý kiến, kiến nghị của cử tri; đề xuất, kiến nghị của Ủy ban MTTQ huyện Quế Phong, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân vùng tái định cư dự án Thủy điện Hủa Na, cũng như để đảm bảo ổn định tình hình nhân dân trước Đại hội Đảng các cấp, Ủy ban MTTQ tỉnh nhận thấy cần thiết phải thực hiện giám sát công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Thủy điện Hủa Na.

Ủy ban MTTQ tỉnh đã có văn bản xin ý kiến và được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý chủ trương thực hiện giám sát công tác bồi thường đất dự án Thủy điện Hủa Na. Đối tượng Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện giám sát là Công ty CP Thủy điện Hủa Na, UBND huyện Quế Phong, UBND tỉnh, Sở TN&MT và một số cơ quan liên quan khác. Thời gian thực hiện trong hai tháng 6 - 7/2020…


Hướng dẫn của Tổng cục Quản lý đất đai có bất cập!


Tìm hiểu được biết, để bàn phương án xử lý các vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Hủa Na, ngày 15/5/2020, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu. Đến ngày 28/5/2020, UBND tỉnh ban hành Thông báo số 277/TB-UBND về việc thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp này.
Tại Thông báo số 277/TB-UBND nêu rõ: Dự án thủy điện Hủa Na tại huyện Quế Phong do Công ty CP thủy điện Hủa Na làm chủ đầu tư đã được nhân dân đồng thuận bàn giao mặt bằng để triển khai thực hiện (khởi công xây dựng từ cuối tháng 3/2008, đi vào hoạt động từ quý I năm 2013). Tuy nhiên sau 13 năm triển khai thực hiện dự án công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn chưa hoàn thành, ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân. Việc chậm thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc trách nhiệm của UBND huyện Quế Phong, Công ty CP thủy điện Hủa Na và các sở, ngành cấp tỉnh đã không kịp thời đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Về vướng mắc hiện nay đã được Tổng cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn xử lý tại Công văn số 708/TCQLĐĐ-CKTPTQĐ ngày 7/4/2020, tuy nhiên đối chiếu với Điều 10, Luật Đất đai thì việc xử lý còn có bất cập. Vì vậy, để xử lý việc bồi thường, hỗ trợ đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi các hộ dân ảnh hưởng dự án, giao Sở TN&MT trên cơ sở báo cáo đề xuất của UBND huyện Quế Phong, căn cứ quy định của pháp luật tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến Chính phủ để làm cơ sở triển khai thức hiện.


Điều cần nói

Nắm bắt thông tin từ UBND huyện Quế Phong, sau khi tiếp nhận được Thông báo số 277/TB-UBND của UBND tỉnh, huyện đã tập trung xây dựng báo cáo đề xuất. “Huyện đang rất thận trọng rà soát kỹ, không bỏ sót các quy định của pháp luật, các chính sách đối với người dân khu vực thực hiện dự án thủy lợi, thủy điện mà trung ương và tỉnh đã ban hành, để xây dựng báo cáo một cách chi tiết, nêu rõ được vấn đề theo đúng tinh thần Thông báo số 277/TB-UBND. Để qua đó, các cơ quan cấp trên xem xét giải quyết dứt điểm vướng mắc lâu nay tại dự án Thủy điện Hủa Na. Về việc UBMTTQ tỉnh thực hiện công tác giám sát, huyện cũng đã chuẩn bị đầy đủ tất cả các tài liệu liên quan kể từ khi thời kỳ dự án Thủy điện Hủa Na phôi thai, để tổ chức mặt trận nghiên cứu, có đánh giá chính xác, khách quan nhất…” - ông Lê Văn Giáp, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong trao đổi.

Liên quan đến những tồn đọng, vướng mắc trong công tác bồi thường ở dự án thủy điện Hủa Na, từ cuối năm 2019 đến nay, từ tìm hiểu thực tiễn đời sống người dân vùng tái định cư và các tài liệu liên quan, Báo Nghệ An đã đăng tải nhiều bài viết. Cũng từ nghiên cứu các quy định của pháp luật, việc thực hiện đề án giao đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh…, thấy rằng phương án đối trừ quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến mà Tổng cục Quản lý đất đai đã hướng dẫn (xử lý chênh lệch giá trị đất nông nghiệp được giao với giá trị đất nông nghiệp thu hồi quy định tại Khoản 5, Điều 5 Quyết định số 64/2014/QĐ-TTG là xác định theo tổng giá trị đất nông nghiệp nơi đi với tổng giá trị đất nông nghiệp nơi đến - văn bản 708/TCQLĐĐ-CKTTPTQĐ ngày 7/4/2020 ) là quá bất cập, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các hộ dân.

Để giải quyết vấn đề này, như trên đã nêu, tới đây, UBND tỉnh sẽ xin ý kiến Chính phủ. Nhưng có một điều cần phải trao đổi, đó là khi Công ty CP Thủy điện Hủa Na “đảo chiều”, đề nghị cấp thẩm quyền hướng dẫn lại chính sách đối trừ quyền sử dụng đất giữa nơi đi và nơi đến thì các cơ quan có liên quan thuộc tỉnh đã không thể đồng nhất quan điểm, đề ra phương án xử lý. Dẫn đến UBND tỉnh (thời điểm năm 2019) phải đề ra nhiều phương án để xin ý kiến của Tổng cục Quản lý đất đai. Là “mấu chốt” dẫn đến Tổng cục Quản lý đất đai hướng dẫn thực hiện phương án mà “đối chiếu với Điều 10, Luật Đất đai thì việc xử lý còn có bất cập”.

Để có phương án xử lý từ cấp có thẩm quyền thay thế “hướng dẫn” của Tổng cục Quản lý đất đai, thẳng thắn rằng là một vấn đề nan giải, mất thêm nhiều thời gian, và ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh. Từ thực tế này, cần chấn chỉnh công tác tham mưu thực hiện chính sách. Để chính sách được thực hiện đúng, đủ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân!.

Ruộng lúa nước chủ đầu tư dự án thủy điện Hủa Na bàn giao cho người dân điểm tái định cư Huôi Chà Là đã 2 năm nhưng năng suất thấp. Ảnh: Nhật Lân
Ruộng lúa nước chủ đầu tư dự án thủy điện Hủa Na bàn giao cho người dân điểm tái định cư Huôi Chà Là đã 2 năm nhưng năng suất thấp. Ảnh: Nhật Lân

Nhật Lân