Bí quyết xây dựng sản phẩm OCOP ở Nghệ An

Thanh Phúc 17/07/2020 10:05

(Baonghean.vn) - Hiện nay, trong 48 sản phẩm OCOP được gắn sao cấp tỉnh, có khoảng 40% sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Mỗi một đơn vị, địa phương đều có cách làm riêng để tạo nên thương hiệu cho sản phẩm của mình.

NỖ LỰC XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU

Đầu năm 2020, có 25 hộ trồng cam ở xã Tân Phú (Tân Kỳ) đón nhận niềm vui “kép” khi sản phẩm cam sạch Sông Con được UBND tỉnh phân hạng 3 sao OCOP đồng thời được công nhận đạt chuẩn VietGAP. Để đạt được kết quả này, ngoài yếu tố điều kiện tự nhiên (khí hậu, thổ nhưỡng) tạo nên vị ngọt thơm cho những quả cam phải kể đến nỗ lực của các hộ trồng, chăm sóc cam theo một quy trình riêng, nghiêm ngặt để tạo dựng thương hiệu “Cam sạch Sông Con”.

Ông Nguyễn Tấn Phượng - Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cam sạch Sông Con cho biết: “Trên diện tích 37 ha, tất cả các hộ tham gia tổ hợp tác tuân thủ sản xuất cam sạch theo quy trình VietGAP, sinh thái hữu cơ. Trong quá trình sản xuất, các hộ phải luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định, quy trình để đạt chuẩn sạch, an toàn, chất lượng. Chẳng hạn như trong trồng, chăm sóc cam sử dụng hoàn toàn chế phẩm sinh học, thuốc trừ sâu thảo dược, phân bón hữu cơ vi sinh, nước tưới được lọc qua máy để đảm bảo tiêu chí cam sạch và chỉ thu hoạch khi cam chín đủ độ, đảm bảo ngon, ngọt để giữ thương hiệu”.

Thu hoạch cam. Ảnh: Thanh Phúc
Thu hoạch cam ở Sông Con - Tân Kỳ. Ảnh: Thanh Phúc

Ngoài ra, các hộ cũng chủ động đầu tư bao bì, nhãn mác để tạo thương hiệu riêng cho cam sạch Sông Con; tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, các chương trình xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiếp thị sản phẩm cam sạch Sông Con trên các nhóm, hội, trang web, mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, được đông đảo người tiêu dùng biết đến.

“Từ khi tham gia chương trình OCOP, chúng tôi được tập huấn về xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm, các quy trình kỹ thuật chăm sóc, bảo quản sản phẩm và dám “chấp nhận” đầu tư một nguồn vốn nhất định để đầu tư tem, nhãn, bao bì cho sản phẩm cam sạch Sông Con. Hiện, cam sạch Sông Con đã có mặt tại nhiều cửa hàng bán lẻ trong và ngoài tỉnh”.

Chị Phạm Thị Mùi - thành viên của Tổ hợp tác cam sạch Sông Con, cho biết:

20 năm nỗ lực đưa sản phẩm hương thẻ ra thị trường và gần 10 năm xây dựng thương hiệu, đến nay sản phẩm hương trầm Liên Đức của Công ty TNHH hương trầm Liên Đức (xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương) đã trở thành sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, đạt Huy chương Vàng sản phẩm thương hiệu chất lượng cao và mới đây nhất, hương trầm Liên Đức được UBND tỉnh đánh giá, phân hạng đạt chuẩn 4 sao OCOP.

Từ một cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đến nay đã trở thành công ty TNHH chuyên sản xuất hương thẻ với quy mô nhà xưởng 3.000 m2, hệ thống máy móc sản xuất khép kín, tự động, tạo việc làm cho gần 20 lao động thường xuyên; mỗi năm xuất bán ra thị trường hàng triệu thẻ hương.

Với uy tín đã tạo dựng được, thương hiệu hương trầm Liên Đức ngày một vươn xa, có mặt tại các cửa hàng, siêu thị các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng… và đang hướng đến thị trường Lào.

Sản phẩm hương trầm Liên Đức được gắn sao OCOP của Nghệ An. Ảnh: Thanh Phúc
Sản phẩm hương trầm Liên Đức được gắn sao OCOP của Nghệ An. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Phan Bá Bảy - đại diện Công ty hương trầm Liên Đức cho biết: “Ngoài đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, đạt các tiêu chuẩn 4 sao OCOP thì vấn đề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm được công ty hết sức chú trọng. Từ khi có nhãn hiệu độc quyền, sản phẩm hương trầm Liên Đức được rất nhiều đối tác ký hợp đồng làm phân phối, thị trường vì thế được mở rộng, doanh thu tăng dần qua từng năm”.

Là một trong số ít đơn vị có đến 3 sản phẩm được gắn 3 sao OCOP, HTX Sen Quê Bác (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn) cũng rất quan tâm đến việc xây dựng nhãn hiệu, nâng tầm thương hiệu cho các sản phẩm chế biến sâu từ sen. Ngoài nỗ lực mở rộng diện tích trồng sen, chủ động nguồn nguyên liệu tại chỗ, HTX đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn các hộ thành viên HTX tuân thủ quy trình xuống giống, chăm sóc, thu hoạch sen đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng.

Đồng thời đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để chế biến các sản phẩm từ cây sen; bỏ kinh phí in bao bì, nhãn mác đúng chuẩn, dán tem truy xuất nguồn gốc… Hiện sản phẩm từ sen như: trà lá sen, trà tâm sen, trà ướp sen, hạt sen sấy khô, hạt sen giòn, củ sen muối, kim chi sen… đang có mặt tại nhiều cửa hàng, khách sạn ở Hà Nội, làm quà biếu tại các hội nghị quan trọng; là món quà được nhiều du khách lựa chọn khi về thăm quê Bác.

Đóng gói trà sen. Ảnh: Thanh Phúc
Đóng gói trà sen ở Nam Đàn. Ảnh: Thanh Phúc

Các sản phẩm đạt sao khác như trà dược liệu Pù Mát, cà gai leo Pù Mát, trà linh chi ATC...đều trải qua quá trình nhọc nhằn để xây dượng thương hiệu để có kết quả như hôm nay.

CẦN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho rằng: “Trong sự phát triển không ngừng của nền kinh tế thị trường hiện nay, việc bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ là vô cùng quan trọng để giúp doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ một cách bền vững và đảm bảo quyền sở hữu đối với sản phẩm, dịch vụ của mình.

Sản phẩm cà gai leo của công ty CP dược liệu Pù Mát. Ảnh: P.V

Đó là cơ sở pháp lý cho việc xác định chủ sở hữu đối với nhãn hiệu, logo, thương hiệu mà doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đang sản xuất, kinh doanh khi có bất kỳ một sự cạnh tranh nào với các đối thủ khác. Việc bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu sẽ ngăn chặn đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc nhái lại, và do đó tăng cường vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp, đồng thời tạo khả năng phân biệt của người tiêu dùng về chất lượng mặt hàng”.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản, do đó, sắp tới, Sở NN&PTNT trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết một số chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, trong đó, có nội dung hỗ trợ 80% chi phí mua bao bì, nhãn mác hàng hóa, đóng gói sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, giao cho Sở KH&CN tập huấn, nâng cao nhận thức cho các cá nhân, tổ chức về sở hữu trí tuệ, tạo dựng quản lý và phát triển thương hiệu (gồm chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh; hình thành những thương hiệu sản phẩm OCOP có năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường trong và ngoài nước.

Tân Kỳ xây dựng 4 sản phẩm chủ lực cho chương trình OCOP

Tân Kỳ xây dựng 4 sản phẩm chủ lực cho chương trình OCOP

(Baonghean) - Năm 2019, huyện Tân Kỳ đã lựa chọn 4 sản phẩm chủ lực của địa phương để chấm điểm, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm tiến tới gắn sao. Những sản phẩm đó gồm: Cam sông Con (Tân Phú), trứng gà sạch Cao Cường (xã Nghĩa Hoàn), mật mía Tân Kỳ (Tân Hương), mật ong Nghĩa Bình.

Thanh Phúc