'Gạn đục khơi trong' để phát huy phẩm chất, tính cách người Nghệ
(Baonghean.vn) - Tại Hội thảo khoa học “Tính cách người Nghệ và sự biến đổi của những nét tính cách nổi trội trong điều kiện hiện nay” do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức vào sáng 15/9, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trong ngoài tỉnh đã có nhiều ý kiến, đóng góp cho việc xây dựng tính cách Người Nghệ trong bối cảnh hội nhập, hiện đại hóa...
Ông Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An:
Tính cách của người Nghệ là sự kết tinh của hai yếu tố cơ bản là điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và vùng phên dậu của Tổ quốc. Hai yếu tố này hun đúc nên tính cách thẳng thắn, cương trực, tính kiên cường, bất khuất và tinh thần chịu khó, chịu khổ, cùng với đó là sự gắn kết quê hương.
Ngoài hai yếu tố trên, Nghệ An còn là vùng văn hóa, được làm đậm nét nhờ tính hiếu học của người Nghệ. Học đã trở thành phong trào ở nhiều vùng quê. Cách học nhồi nhét, cộng hưởng với khí chất bộc trực thẳng thắn, không hoa mỹ, thậm chí thiếu đi sự mềm dẻo cần thiết nên người Nghệ An thường bảo thủ, thậm chí nhiều người bị cho là “gàn”. Đây là một lực cản cho khả năng thích ứng và sáng tạo. Tuy nhiên, trong sự “gàn” ấy có nhân tố tích cực là tư duy phản biện.
Trong bối cảnh giao lưu kinh tế, văn hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những tính cách người Nghệ đã có sự biến đổi tích cực nhằm thích ứng với điều kiện mới. Đó là ý thức về liên kết trong ngoài mạnh mẽ hơn, đã bớt đi sự bảo thủ, co cụm; vẫn giữ được tinh thần chịu khó nhưng không chịu khổ nữa; tư duy phản biện vẫn đậm đặc nhưng “bệnh sỹ” và “tính gàn” đã giảm đi; người Nghệ đã linh hoạt hơn và đề cao khả năng thích ứng, tinh thần sáng tạo theo phương châm “Gắn kết và chủ động thích ứng”.
Nhiều người nói Nghệ An là vùng đất “Địa linh nhân kiệt” nhưng cần hiểu rằng chỉ khi chuyển được phẩm chất nổi trội của từng cá nhân thành cái tốt của cả hệ thống, tỉnh mới phát triển bứt phá được. Để đưa tỉnh nhà phát triển, mong rằng, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX tới đây sẽ là một diễn đàn của những ý tưởng mới, sáng tạo, của những tư duy đột phá, không sợ sai, với những quyết định tối ưu. Không tự bằng lòng, lãnh đạo và nhân dân Nghệ An phải dám đối đầu với thách thức. Có đối đầu với thách thức, chúng ta mới biết ta là ai và có thể làm được những gì.
PGS.TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An:
Theo tôi, tính cách người Nghệ đặc sắc và vượt trội; người Nghệ đi ra ngoài thì phát triển,... nhưng Nghệ An vẫn đang là tỉnh nghèo, khó phát triển. Đây là một mâu thuẫn. Rõ ràng, những cách nhìn, tư duy, cấu trúc văn hóa, thậm chí là cấu trúc thể chế đang trói buộc chúng ta.
Thế giới đang hòa nhập, người Nghệ An vẫn đang bảo thủ, thiếu sự sáng tạo, cố kết đến mức khó phát triển. Người Nghệ An phải mở ra không gian sáng tạo, thoát ly phong cách “thầy đồ”, thoát khỏi tư duy “học để làm quan”, động lực nghiêng lệch, méo mó. Để địa phương phát triển, Nghệ An cần đặt ra những bài toán khó, thách thức, tạo điều kiện để người giỏi cùng tham gia trí tuệ “giải” bài toán này. Nếu thu hút được người Nghệ An thành đạt ở ngoài tỉnh cùng góp sức thì việc Nghệ An “bay” lên với tất cả bản sắc, tính cách của mình là điều không phải nghi ngờ.
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Đông Á:
Người Nghệ có 10 tính cách tích cực chủ chốt, đó là: Dũng cảm đến bất thường; trí biến hóa khôn lường; nhân văn không giới hạn; thẳng thắn; trung thực; trượng nghĩa; trung thành; tin cậy; không khuất phục và phản kháng là lối thoát... Bên cạnh đó, người Nghệ cũng có 8 tính cách chủ chốt thiên về tiêu cực cần kiềm chế là: Cực đoan, liều lĩnh, bảo thủ, ương gàn, tiết kiệm đến hà tiện, cục bộ đến bè cánh, quyết đoán đến độc đoán và khắc nghiệt. Tất cả các tính cách tích cực, tiêu cực có trong nhau, đan xen nhau và nuôi dưỡng nhau.
Từ những tính cách này, từ xưa đến nay, ở lĩnh vực nào, người Nghệ An cũng nổi trội xuất sắc. Nhưng đòi hỏi thực tế cho thấy người Nghệ An cần phải xuất sắc hơn nữa. Để được như vậy, chúng ta cần phải có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và tạo môi trường để người tài Nghệ An thể hiện năng lực của mình.
Chúng ta cần phải xem tính cách người Nghệ là chìa khóa mở cửa tài năng để phát triển địa phương. Ba hướng chiến lược sử dụng nhân tài xứ Nghệ là tập trung người tài Nghệ An cho khoa học và công nghệ; dồn người tài Nghệ An cho quản trị; coi trọng việc làm giàu ngang với việc học và việc quản trị.
Tiến sĩ Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An
Việc nghiên cứu bài bản về tính cách người Nghệ trong bối cảnh mới có ý nghĩa thực tiễn để làm căn cứ cho việc hoạch định và thực thi các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của vùng đất. Từ việc nhìn nhận những phẩm chất đáng quý và những hạn chế trong tính cách, chúng ta sẽ xây dựng con người Nghệ theo hướng “gạn đục khơi trong”. Sau cuộc hội thảo này, tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục thu nhận ý kiến, nhận xét của cả các học giả, chuyên gia ngoài người Nghệ nhưng có vốn hiểu biết sâu sắc về con người và văn hóa xứ Nghệ, để xây dựng chiến lược phát triển con người Nghệ mới, vừa giữ cốt cách tinh hoa cũ, vừa có những phẩm chất hiện đại.
Để phát huy các giá trị của tính cách người Nghệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và con người trong thời đại mới, thời gian tới, Nghệ An sẽ tích cực cải tạo môi trường kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho người Nghệ phát huy tính cách cũng như thay đổi để phát triển. Tỉnh cũng tăng cường truyền thông về phẩm chất và tính cách người Nghệ, đặc biệt chỉ rõ những thói hư tật xấu, những tính cách không phù hợp, cản trở hội nhập và phát triển.
Tỉnh cũng sẽ đưa nội dung người Nghệ, phẩm chất và tính cách vào chương trình giáo dục địa phương ở các cấp học một cách phù hợp. Mục đích là để các cháu học sinh sớm tự nhận biết cái hay, cái dở của tính cách người Nghệ, để tự điều chỉnh, sửa đổi mình.
Ngoài ra, Nghệ An tìm mọi cách mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Nghệ An với cả nước và quốc tế; đưa Nghệ An ra với cả nước và thế giới, đưa thế giới và cả nước về Nghệ An. Giao lưu bên ngoài chính là tác nhân quan trọng nhất buộc người Nghệ phải thay đổi theo hướng “gạn đục khơi trong”.