Nghệ An: Thông tin nổi bật ngày 19/9

Vân Nhi – Hữu Quân 19/09/2020 20:56

(Baonghean.vn) - Bão số 5 không trực tiếp đổ bộ vào địa bàn Nghệ An, nhưng hoàn lưu cơn bão đã gây ra nhiều thiệt hại cho người dân ở nhiều địa phương của tỉnh. Đây là dòng sự kiện nổi bật trong ngày 19/9 đăng trên báo Nghệ An điện tử.

* Đến sáng 19/9, nhiều nơi trên địa bàn thành phố Vinh và một số huyện lân cận vẫn còn ngập nặng do mưa to và kéo dài từ ngày trước đó. Theo ghi nhận của Báo Nghệ An, đến 8h30 phút sáng, một số tuyến đường tại TP.Vinh vẫn ngập trong nước dù trời đã ngớt mưa. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là tuyến đường Lênin nối trung tâm thành phố với Cảng hàng không Vinh và Quốc lộ 46.

Xe cộ bì bõm lội nước tại Đại lộ Lê nin, trước cổng Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa tỉnh. Ảnh: Q.A

* Trước đó, theo thông tin từ huyện Thanh Chương, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, nhiều hộ dân ở xã Thanh Mai bị gió làm tốc mái nhà. Đặc biệt tại thôn 5, xã Thanh Hà 1 người đã tử vong khi cố gắng lặn xuống dòng nước để sửa trạm cân của gia đình.

Lốc xoáy làm tốc mái nhà ở của 1 hộ dân xã Thanh Mai. Ảnh: Huy Thư

* khu vực miền núi, đến chiều tối 19/9 mưa vẫn chưa dứt, nhiều bản làng khu vực biên giới bị sạt lở nghiêm trọng, bị cô lập do mưa lũ.

Các xã như: Na Ngoi, Bắc Lý và Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn mưa đã làm gãy đổ cây cối, đất đá sạt lở, nhiều bản làng bị mưa lũ chia cắt. Tại xã Na Ngoi mưa lũ đã cuốn trôi cây cầu tạm duy nhất vào bản Huồi Thum, khiến cho bản này bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.

CBCS Đồn Biên phòng Na Ngoi (BĐBP Nghệ An) giúp người dân địa phương qua lại điểm sạt lở nguy hiểm. Ảnh Phương Linh

* Trong khi đó, ở một diễn biến khác, nhiều nhà máy thủy điện đã thông báo xả lũ. Theo đó, mực nước trên sông Nậm Mộ tăng nhanh, một số nhà máy thủy điện trên địa bàn huyện Con Cuông và Tương Dương đã thông báo xả lũ.

Ông Lô Văn Lý - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Con Cuông cho biết, huyện đã nhận được thông báo của Nhà máy Thủy điện Khe Bố xả lũ với lưu lượng 500 đến 1.000 m3/s từ 8 giờ ngày 19/9; cùng đó Nhà máy Thủy điện Chi Khê dự kiến xả lũ lưu lượng từ 600 - 1.300 m3/s từ 8h30 ngày 19/9.

Tiếp đó, trong sáng 19/9, có thêm Nhà máy Thủy điện Châu Thắng và Nhà máy Thủy điện Nhãn Hạc tiến hành xả lũ. Cụ thể, Nhà máy Thủy điện Châu Thắng (Quỳ Châu) xả lũ với lưu lượng từ 76 - 700 m3/s. Còn Nhà máy Thủy điện Nhãn Hạc (Quế Phong) xả với lưu lượng 500 - 1.000 m3/s.

Các nhà máy thủy điện xả lũ để đảm bảo an toàn cho các hồ chứa... Ảnh tư liệu

* Trở lại với thành phố Vinh, mưa lớn do hoàn lưu bão số 5 đã gần như xóa sổ vùng rau Vinh Xuân, thuộc xã Hưng Đông. Đây là vùng rau lâu đời và nổi tiếng của thành phố với diện tích gần 18 ha, cung ứng lượng lớn rau xanh cho dân cư đô thị Vinh. Tuy nhiên, sau đợt gió to, mưa lớn vừa qua cánh đồng rau đã bị ngập nước khả năng phục hồi vào thời điểm này là rất thấp.

Các tấm bạt che phủ trên các luống rau bị gió to đánh sập. Người dân đã phải dựng lại các tấm bạt phủ trên ruộng, chèo chống lại các thanh đỡ để chắc chắn hơn. Ảnh: Q.A

* Mưa lớn không chỉ gây ra nhiều khó khăn, trở ngại cho người dân sản xuất nông nghiệp hay đồng bào khu vực miền núi, nó còn khiến cho nhiều người có thu nhập cao ở đô thị “khóc mếu” vì xế hộp bị thủy kích.

Trong ngày 19/9, khi mưa đã dứt và đường khô ráo, các gara ô tô, tiệm sửa xe máy chật kín người đến sửa chữa phương tiện, khắc phục hậu quả xe bị ngập nước của ngày trước đó. Theo ghi nhận của Báo Nghệ An, tại nhiều gara ở thành phố Vinh đã không đủ thợ sửa chữa để hỗ trợ khách hàng.

Không chỉ xe máy, ô tô cũng "rủ" nhau đi gara sau khi bị nước ngập làm chết máy. Nhiều tiệm không đủ người để sửa chữa ô tô. Ảnh: Hải Vương

* Sau chủ đề mưa lũ, giáo dục là lĩnh vực thu hút sự quan tâm của dư luận trong ngày 19/9.

“Nữ sinh người Thổ mồ côi bố và ước mơ trở thành sinh viên Đại học Ngoại thương” - là tiêu đề của một bài viết được rất nhiều người bày tỏ lòng khâm phục đối với cô học trò nhỏ đến từ huyện miền núi Quỳ Hợp.

Đó là em em Trương Nguyễn Linh Nga (SN 2002), học sinh Trường THPT Quỳ Hợp 1. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Linh Nga đạt tổng điểm 3 môn là 30,35 điểm (bao gồm điểm ưu tiên), trong đó điểm khối D của Nga là 27,6 điểm (Toán 9,2; Văn 9 và Anh 9,4). Trương Nguyễn Linh Nga cho biết sẽ xét tuyển ngành Kinh tế đối ngoại Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Được biết Nga là 1 trong 2 học sinh người dân tộc thiểu số đạt điểm cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT ở huyện miền núi Quỳ Hợp được UBND tỉnh Nghệ An tuyên dương.

Nga (giữa) đang trao đổi bài tập cùng các bạn. Ảnh Phan Giang

*Tối 19/9, tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ Tuyên dương học sinh đạt giải quốc tế, quốc gia và đạt điểm cao tại kì thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Dự lễ tuyên dương có các đồng chí: Thái Thanh Quý - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy.

Toàn cảnh Lễ tuyên dương. Ảnh: Thành Cường

Cùng dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể cấp.

Tại Lễ tuyên dương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã trao tặng Bằng khen, phần thưởng cho các em: Phạm Trung Quốc Anh đạt Huy chương Vàng Olympic Hóa học quốc tế năm 2020, giải Nhất học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa học; Trần Thế Trung quán quân cuộc thi: “Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 19”; Đậu Huy Minh đạt giải Nhất cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; 82 học sinh đạt giải tại Kì thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm 2020 và 4 học sinh đạt giải tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2019 - 2020; 36 học sinh đạt 28,3 điểm trở lên ở 5 tổ hợp xét tuyển đại học và 7 học sinh người dân tộc thiểu số có điểm kế cận ở 5 tổ hợp khối thi: A, B, C, D và A1 cũng vinh dự được nhận Bằng khen và phần thưởng tại Lễ Tuyên dương.

Đây là năm thứ 11 liên tiếp tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ Tuyên dương, trao thưởng học sinh giỏi quốc tế, quốc gia, học sinh đạt điểm cao trong kỳ thi THPT Quốc gia.

Vân Nhi – Hữu Quân