Nhiều giáo viên Nghệ An không ủng hộ việc dùng điện thoại trong giờ học

Mỹ Hà - Đức Anh 25/09/2020 11:05

(Baonghean.vn) - Mặc dù việc sử dụng điện thoại hiện nay khá phổ biến trong học sinh phổ thông nhưng việc sử dụng điện thoại trong giờ học lại lợi bất cập hại. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng điện thoại trong giờ học là không hợp lý.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng điện thoại trong dạy học là không hợp lý. Trong ảnh: Một giờ học của cô và trò Trường Hermann Gmeiner Vinh. Ảnh: Đức Anh

Thầy giáo Mai Văn Đạt - Bí thư đoàn Trường PT DTNT THPT số 2:

Chủ trương cho học sinh được sử dụng điện thoại trong giờ học là một chủ trương “lợi ít, hại nhiều”, ngay sau khi chủ trương đưa ra nhiều giáo viên và phụ huynh không đồng tình. Theo tôi, nếu cho sử dụng điện thoại thì vô hình chung học sinh sẽ tập trung nhiều vào sử dụng điện thoại di động và tương tác với các bạn, thậm chí là quay hình tiết học giáo viên dạy trên lớp. Được biết, chủ trương của Bộ là sử dụng điện thoại để tìm kiếm thông tin. Tuy nhiên, chúng ta có thể sử dụng với nhiều phương pháp khác nhau và các em có thể truy cập Internet. Với những lý do này, chúng tôi không đồng ý chủ trương dùng điện thoại di động trong giờ học.

Ảnh: Mỹ Hà
Ảnh: Mỹ Hà

Riêng với trường chúng tôi, quan điểm của nhà trường là cấm học sinh sử dụng điện thoại di động và phụ huynh có cam kết, đồng hành với nhà trường ngay khi học sinh xuống nhập học lớp 10. Để tạo điều kiện cho các em liên lạc về nhà, hàng tuần sẽ được sử dụng điện thoại tại căng tin của nhà trường. Việc cập nhật thông tin có thể thông qua chương trình phát thanh vào tối thứ 7 hoặc vào phòng máy của nhà trường vào chiều thứ 5 hàng tuần.

Cô giáo Nguyễn Thị Việt Soa - Giáo viên Trường THPT Cửa Lò 2:

Ảnh: Mỹ Hà
Ảnh: Mỹ Hà

Với học sinh THPT khó có thể cấm học sinh sử dụng điện thoại hoàn toàn. Tuy nhiên, tôi ủng hộ việc không sử dụng điện thoại trong giờ họcvới lý do các em sẽ thiếu tập trung nghe giảng.

Năm ngoái, tôi có dạy lớp 12 và khi giải một số đề khó tôi vẫn cho học sinh sử dụng. Tuy nhiên, quá trình đó tôi phải kiểm soát các em và thường xuyên đi lại để kiểm tra học sinh lướt sang mạng khác không. Nhưng với một lớp sỹ số đông thì việc kiểm soát vẫn khó khăn, một số học sinh vẫn trốn cô để làm việc riêng. Theo tôi, để sử dụng điện thoại hiệu quả thì nên áp dụng học ở nhà. Chẳng hạn một số bài tập tôi vẫn khuyến khích học sinh vào Google dịch, sử dụng từ điển hoặc vào các trang học trực tuyến.

Học sinh Trần Thị Thu Trà - Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Hưng Nguyên):

Học sinh THPT nếu sử dụng điện thoại quá nhiều, sẽ ảnh hưởng khá lớn đến việc học. Bởi lẽ, điện thoại hiện nay với học sinh có khá nhiều mặt trái như tốn thời gian, việc học sa sút và điều đó sẽ làm nên hình ảnh xấu cho bản thân.

Ảnh: Mỹ Hà
Ảnh: Mỹ Hà

Em cũng lo ngại, việc sử dụng điện thoại không đúng còn có thể dẫn đến mâu thuẫn trên mạng và là nguyên nhân xảy ra bạo lực học đường. Cá nhân em cho rằng để sử dụng điện thoại hiệu quả thì phải bắt nguồn từ ý thức của học sinh và phải có sự giám sát của gia đình, nhà trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Thủy - Giáo viên Trường PT Hermann Gmeiner Vinh:

Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh

Theo tôi, Thông tư 32 của Bộ là cho phép học sinh cấp II, cấp III sử dụng điện thoại là một quan điểm khá đổi mới trong việc tổ chức dạy và học của giáo viên và học sinh. Xét về tương lai thì đây có thể là một quan điểm tốt và phù hợp. Tuy nhiên với học sinh cấp II, lứa tuổi các em đang còn nhỏ, các em nhận thức chưa được chín chắn thì việc sử dụng điện thoại trong giờ học là chưa phù hợp với nhiều lý do: ở tuổi này các em chưa xác định được mục đích chính đáng của việc sử dụng điện thoại trong giờ học, dù là giáo viên có cho phép. Vì thế khi thầy cô không chú ý các em có thể sao nhãng, chơi trò chơi hoặc xem các video nên lợi bất cập hại. Vì thế với học sinh cấp II, tôi nghĩ chưa nên áp dụng quy định này.

Riêng đối với học sinh cấp III, có thể tùy thuộc vào tình hình cụ thể, tùy thuộc vào từng bộ môn để sử dụng linh hoạt.

Clip: Đức Anh - Mỹ Hà

Thầy giáo Phan Xuân Huỳnh - Hiệu trưởng Trường PT Hermann Gmeiner Vinh

Ảnh: Đức Anh
Ảnh: Đức Anh

Nếu học trò sử dụng điện thoại theo hướng dẫn của giáo viên thì việc sử dụng theo chiều hướng tốt. Còn nếu không, sẽ rất lộn xộn. Riêng cá nhân tôi, tôi không ủng hộ chủ trương này. Bởi học sinh đến trường chỉ một buổi học. Thế nên thời gian chính là dành cho việc học, giờ ra chơi phải dành để giao lưu, kết nối bạn bè, thầy cô.


Clip: Đức Anh - Mỹ Hà

Ngoài ra, việc truy cập thông tin và sử dụng điện thoại thông minh lâu nay học sinh vẫn sử dụng khá nhiều ở nhà. Vì thế, nếu không dùng điện thoại ở lớp thì vẫn không hạn chế việc các em tìm kiếm truy cập thông tin.

Sau này, chúng tôi nghĩ có một số tiết học đặc biệt về các môn học đặc thù các em có thể tìm kiếm thông tin trên mạng và dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chỉ sử dụng hạn chế và chỉ phù hợp với những buổi sinh hoạt câu lạc bộ, ngoại khóa hoặc sinh hoạt theo nhóm./.

Mỹ Hà - Đức Anh