Thế giới tuần qua: Những ‘vết sẹo khó lành’

Mỹ Nga 27/09/2020 06:58

(Baonghean.vn) - Vấn đề di cư và tị nạn từ lâu đã trở thành cấp bách của Liên minh châu Âu (EU) , song nỗ lực cải cách chính sách di cư đang vấp phải phản ứng trái chiều từ một số quốc gia Đông Âu. Quan hệ liên Triều lại “căng như dây đàn” khi Hàn Quốc đã lên án “hành động tàn bạo” của Triều Tiên - binh sĩ của Triều Tiên bắn chết một quan chức của Hàn Quốc tại khu vực biên giới biển, và yêu cầu những người có liên quan phải bị trừng phạt. Đây là những vấn đề quốc tế được chú ý trong tuần qua.

Dai dẳng chính sách nhập cư

Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) công bố các chính sách mới về nhập cư, tị nạn của EU tại Brussels (Bỉ), các nước lớn trong khối Đông Âu như Hungary, Ba Lan, Cộng hòa Séc đều có chung quan điểm cứng rắn, bác bỏ kế hoạch này, nhằm xử lý vấn đề nhức nhối hiện nay theo hướng ổn định và lâu dài hơn.

Từ lâu khủng hoảng di cư đã trở thành vấn đề nhức nhối của châu Âu. Ảnh: AP
Từ lâu khủng hoảng di cư đã trở thành vấn đề nhức nhối của châu Âu. Ảnh: AP

Hiệp ước mới về di cư và tị nạn được EC đề xuất nhằm chấm dứt quãng thời gian hỗn loạn ở biên giới châu Âu và cuộc khủng hoảng chính trị ngay trong khối.

Hiệp ước mới về di cư và tị nạn được EC đề xuất nhằm mục đích hợp lý hóa quá trình di cư và tị nạn với việc sàng lọc nhanh hơn, chấm dứt quãng thời gian hỗn loạn ở biên giới châu Âu và cuộc khủng hoảng chính trị ngay trong khối. Các quốc gia thành viên sẽ phải đóng góp, chia sẻ công bằng dựa trên dân số và GDP. Đề xuất mới của EC đã có những sự điều chỉnh so với trước đây như các quy định chặt chẽ hơn về mức phạt đối với các nước không tuân thủ nghĩa vụ. Ngoài ra, EC sẽ trợ cấp cho các nước tiếp nhận người tị nạn ở mức 10.000 euro/người và 12.000 euro/trẻ vị thành niên.

Đề xuất mới của EU phải được tất cả 27 quốc gia thành viên tán thành, thế nhưng, lại có nguy cơ không thành hiện thực bởi những bất đồng. Người phát ngôn của Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết, lập trường của nước này về vấn đề di cư “rõ ràng và không thay đổi" kể từ năm 2015 đến nay. Hungary cần đảm bảo rằng các biên giới EU và khu vực Schengen phải được quản lý nghiêm ngặt. Các biện pháp mới được đề xuất không đủ mạnh, cũng như không phải là những thay đổi có tính chất đột phá để giải quyết vấn đề hiện nay. Ngoài ra, Hungary cũng đề xuất yêu cầu phải có sự sàng lọc nhất định đối với nhóm c ở các trại bên ngoài châu Âu.

Những người di cư sau khi được hải quân Italy cứu và đưa về cảng Sicili. Ảnh: AFP
Những người di cư sau khi được hải quân Italy cứu và đưa về Cảng Sicili. Ảnh: AFP

Không chỉ Hungary, ngay sau khi hiệp ước được công bố, các nhà lãnh đạo của nhóm Visegrad như Ba Lan, Cộng hòa Séc, Áo đã gặp Chủ tịch EC Ursula von der Leyen, lên tiếng chống lại các quy định về phân bổ hạn ngạch di cư đối với các quốc gia thành viên EU.

Tổng thống Cộng hòa Séc Andrej Babis nêu quan điểm rằng, việc bảo vệ biên giới châu Âu và chấm dứt di cư bất hợp pháp phải là những thành tố chính trong hiệp ước di cư của khối. EU nên ngăn người di cư ở khu vực biên giới và đưa họ quay trở về nước. Nhà lãnh đạo Séc cho rằng, việc phân bổ người tị nạn và nhập cư đối với mỗi nước thành viên sẽ khiến cho mỗi quốc gia phải thay đổi lại hệ thống trợ cấp và hạn ngạch. Và Séc không đồng tình việc này.

Các nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu rất nóng lòng hiệp ước mới được thông qua vào cuối năm nay, bởi từ lâu di cư là vấn đề nhức nhối của khối, không chỉ khiến cuộc sống người di cư gặp nhiều khó khăn, mà còn gây ra những rạn nứt trong nội bộ. Thậm chí, Phó Chủ tịch EC Margaritis Schinas nói rằng: “Chúng tôi không yêu cầu các bạn thích nó, nhưng muốn mọi người hiểu nó”.

Hungary dựng hàng rào tại biên giới với Croatia để chặn người tị nạn. Ảnh: Reuters
Hungary dựng hàng rào tại biên giới với Croatia để chặn người tị nạn. Ảnh: Reuters

Gia tăng căng thẳng liên Triều

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 24/9 cho rằng, một quan chức thuộc Bộ Đại dương và Nghề cá, 47 tuổi, mất tích khỏi con tàu 488 tấn khi đang làm nhiệm vụ kiểm tra ngoài khơi đảo Yeonpyeong. Binh sĩ Triều Tiên phát hiện người này trong vùng biển của họ và bắn chết, sau đó hỏa thiêu thi thể.

Trước sự việc này, Tổng thống Moon Jae-in, người vốn được xem có phong cách ngoại giao điềm tĩnh, và “đại sứ hòa bình” trong việc thống nhất liên Triều, cũng đã lên tiếng, gọi sự việc “gây sốc” và “không thể tha thứ vì bất kỳ lý do nào”.

Trong thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 24/9 cũng yêu cầu Triều Tiên phải giải thích, xin lỗi vì bắn chết quan chức nước này, đồng thời trừng phạt những người có trách nhiệm liên quan. Ngày hôm đó, các phương tiện truyền thông của nhà nước Triều Tiên đều im lặng trước sự việc. Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên có đăng các thông tin về nỗ lực trên cả nước nhằm ngăn chặn đại dịch, song không đề cập đến sự việc quan chức Hàn Quốc thiệt mạng.

Bức ảnh chụp từ đảo Yeonpyeong, phía Hàn Quốc cho thấy giới tuyến trên biển với Triều Tiên ở Hoàng Hải. Ảnh: AFP
Bức ảnh chụp từ đảo Yeonpyeong, phía Hàn Quốc cho thấy giới tuyến trên biển với Triều Tiên ở Hoàng Hải. Ảnh: AFP

Một ngày sau đó, Triều Tiên bắt đầu có những phản hồi. Đáng chú ý, lãnh đạo Kim Jong-un đã gửi thư cho Tổng thống Moon Jae-in, bày tỏ lấy làm tiếc vì quan chức Hàn Quốc bị bắn chết trên vùng hải giới. Nhà lãnh đạo Kim cho rằng sự việc đáng lẽ không được xảy ra. Lời xin lỗi của ông Kim Jong-un được cho là sẽ xoa dịu cơn giận dữ ở Hàn Quốc, và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ không đưa ra những lời chỉ trích gay gắt về sự việc nữa.

Về phía mình, Bình Nhưỡng cũng đã thông báo kết quả điều tra sự việc cho Seoul. Theo đó, binh lính nước này đã bắn hơn 10 phát đạn vào quan chức Hàn Quốc vì “xâm phạm vùng biển Triều Tiên”, “không cho biết danh tính và tìm cách bỏ trốn”. Về việc thiêu xác, Bình Nhưỡng đã phản bác và khẳng định các binh sĩ chỉ đốt những vật liệu trôi nổi.

Vụ việc đã dội một gáo nước lạnh vào sự kiên nhẫn và nỗ lực nhất quán của Hàn Quốc đối với vấn đề hòa giải và hòa bình liên Triều.

Mặc dù Triều Tiên đã phản ứng khá nhanh sau cái chết của quan chức Hàn Quốc, song Seoul thể hiện quan điểm khá gay gắt về vụ việc. Theo phát ngôn viên Bộ Thống nhất Hàn Quốc Yoh Sang-key, vụ việc đã dội một gáo nước lạnh vào sự kiên nhẫn và nỗ lực nhất quán của Hàn Quốc đối với vấn đề hòa giải và hòa bình liên Triều. Nó đi ngược lại mong muốn thống nhất trên bán đảo Triều Tiên của người dân.

Cái chết của quan chức Hàn Quốc được xem sẽ khắc sâu thêm rạn nứt nghiêm trọng giữa quan hệ liên Triều. Trong ảnh, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un và Tổng thống Hàn Quốc.
Cái chết của quan chức Hàn Quốc được xem sẽ khắc sâu thêm rạn nứt nghiêm trọng giữa quan hệ liên Triều. Trong ảnh: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong -un và Tổng thống Hàn Quốc. Ảnh: AP

Trước đó, trong tuyên bố gửi đến Phiên thảo luận chung cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 75 ngày 22/9, Tổng thống Moon Jae-in đã nhắc lại lời kêu gọi tuyên bố kết thúc Chiến tranh Triều Tiên. Tổng thống Moon cho rằng, hành động này sẽ mở đường cho tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và nền hòa bình lâu dài bên bán đảo Triều Tiên. Phát biểu này làm dấy lên hy vọng tiến trình hòa bình trên bán đảo sẽ có bước đột phá.

Cái chết của quan chức Hàn Quốc là vụ việc thiệt mạng đầu tiên của công dân Hàn Quốc ở Triều Tiên kể từ năm 2008 - một người lính Triều Tiên bắn chết nữ du khách Hàn Quốc 53 tuổi, khi đi lạc vào khu vực cấm ở khu nghỉ dưỡng trên núi Kumgang.

Vụ việc này như “đổ thêm dầu vào lửa” khi quan hệ liên Triều trong thời gian gần đây rơi vào rạn nứt nặng nề, các kênh liên lạc bị cắt đứt. Nhất là kể từ khi hồi tháng 6, Triều Tiên cho nổ tung văn phòng liên lạc liên Triều - đầu mối liên lạc quan trọng giữa hai chính phủ, để phản đối việc rải truyền đơn từ Hàn Quốc.

Mỹ Nga