Người bạn Nhật Bản nặng lòng với Nghệ An
(Baonghean.vn) - Ông Furuya Yoshio (1938 - 2020) được biết đến là người bạn Nhật Bản có công vun đắp cho tình hữu nghị, hợp tác Nhật Bản - Nghệ An. Những gì ông đã làm trong nhiều năm qua, có thể nói là ông đã làm trọn nhiệm vụ ngoại giao nhân dân của mình, là nhịp cầu kết nối giao thương cho mối quan hệ tốt đẹp Nhật Bản - Việt Nam.
Cầu nối giao thương doanh nghiệp Nhật Bản với TP. Vinh
Ông Furuya Yoshio sinh năm 1938 tại tỉnh Nagasaki. Sau khi tốt nghiệp Đại học Aoyama Gakuin tại Tokyo, ông Furuya bắt đầu làm việc phụ trách mảng kinh doanh tuyến du lịch quốc tế tại Công ty Lữ hành Nippon Travel Agency. Sau đó, ông thành lập công ty du lịch tại Hồng Kông và trở thành giám đốc đại diện, đồng thời mở đại lý du lịch tại Bangkok và Singapore.
Thời gian sau, ông mua lại Công ty Taxi Sân bay Hồng Kông, thành lập các chi nhánh tại Trung Quốc và Hồng Kông. Ông kinh doanh đồng thời một công ty thương mại, một công ty tư vấn và một công ty xuất bản mỹ thuật.
Năm 1990, như một phần mở rộng của hoạt động kinh doanh du lịch, ông đã thành lập Công ty liên doanh Đông Đô Fujicab là công ty taxi có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam, cũng là công ty taxi đầu tiên có vốn Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam những năm đầu đổi mới.
Năm 2010, ông thành lập pháp nhân xã hội Hiệp hội Cầu nối giao thương và doanh nghiệp Nhật - Việt (Japan Vietnam Business Bridge) nhằm nỗ lực cống hiến cho sự hợp tác thiết thực về kinh tế thương mại, giao lưu văn hóa giữa 2 nước.
Doanh nghiệp tỉnh Ibaraki thông qua Hiệp hội cầu nối giao thương Nhật - Việt sang thăm tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư tại Nghệ An (ông Furuyo ngoài cùng bên phải). Ảnh tư liệu do tác giả cung cấp |
Năm 2010, lần đầu ông Furuya đặt chân đến Nghệ An và có cuộc tiếp xúc ban đầu với đại diện của Liên hiệp Các tổ chức Hữu nghị tỉnh Nghệ An, Hội Hữu nghị Việt - Nhật tỉnh Nghệ An. Ở Nghệ An, nơi ông tìm hiểu và chọn đi thăm đầu tiên là Nam Đàn - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lãnh tụ mà ông ngưỡng mộ, và là quê hương của chí sỹ Phan Bội Châu - một người Việt được Nhật Bản mến mộ, người cùng bác sĩ Asaba Sakitaro đã đặt nền móng cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản cách đây hơn 50 năm.
Ngay sau chuyến thăm đầu tiên ấy, trở về Nhật Bản với tư cách Chủ tịch Hiệp hội Cầu nối giao thương và doanh nghiệp Nhật - Việt (có khoảng gần 150 doanh nghiệp ở Nhật), ông đã vận động một số doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhà hoạt động xã hội ủng hộ một phần kinh phí để xây dựng khu tưởng niệm cụ Phan Bội Châu tại quê hương Nam Đàn.
Từ bén duyên với Nghệ An, năm 2010, ông Furuya viết thư tay gửi đồng chí Hồ Đức Phớc - Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm, trong thư ông bày tỏ mong muốn được tiếp cận với thành phố Vinh, đưa Hiệp hội Cầu nối giao thương và doanh nghiệp Nhật Bản gắn kết với thành phố Vinh để tìm hiểu, khảo sát cơ hội đầu tư.
Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản tỉnh Nghệ An, cùng một số tình nguyện viên Nhật Bản và ông Furuya thăm trường học trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Tư liệu Hội hữu nghị Việt Nam |
Nhận được thiện chí của lãnh đạo tỉnh và thành phố Vinh, với vai trò như một nhà ngoại giao nhân dân, ông đã xâu nối để thành phố Vinh kết nối với các thành phố ở Nhật Bản: Thành phố Kasumigaura và thành phố Tsukuba (tỉnh Ibaraki). Nhiều đoàn lãnh đạo, doanh nghiệp của 2 thành phố Nhật Bản đã sang thăm thành phố Vinh và nhiều đoàn của Vinh đã sang thăm Nhật Bản. Năm 2011, đoàn Phòng Thương mại - Công nghiệp thành phố Tsukuba do ông Chủ tịch phòng làm trưởng đoàn đã sang thăm, làm việc tại thành phố Vinh.
Tsukuba là nơi đặt thành phố khoa học Tsukuba và trụ sở của cơ quan nghiên cứu và phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản. Tsukuba còn được mệnh danh là Trung tâm khoa học - kỹ thuật và nghiên cứu của tỉnh Ibaraki. Với thành phố Kasumigaura, thành phố Vinh đã thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác, 2 thành phố ký các bản ghi nhớ “Triển khai dự án hợp tác hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bền vững ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của Nhật Bản”, bản ghi nhớ với Công ty JWS Tecnica triển khai Dự án “Sản xuất và cung ứng thiết bị và công nghệ nước điện phân nồng độ cao”, bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp Bắc Trung Bộ, UBND thành phố Vinh và Công ty Tecnica về nghiên cứu thí nghiệm và chuyển giao công nghệ tiên tiến của Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Đại diện một số tổ chức hoạt động văn hóa của Nhật Bản giới thiệu với đồng chí Võ Viết Thanh - nguyên Bí thư Thành ủy Vinh một số hình ảnh văn hóa của nước bạn. Ảnh: Minh Tuấn |
Phía Nhật Bản đã khảo sát để đưa nông sản gừng, nghệ tươi từ Nghệ An xuất vào thị trường Nhật Bản; thị sát đầu tư nhà hàng ẩm thực Nhật; sản xuất mô tơ cửa cuốn; sản xuất lắp ráp xe máy điện; xử lý môi trường, nước điện giải thế hệ mới, xử lý rác thải phát điện; xây dựng Khu sinh thái và khai thác nước khoáng Giang Sơn, huyện Đô Lương; xây dựng Nhà máy xử lý rác thải tại xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc và dự án phối hợp với Trường Đại học Y khoa Vinh đào tạo, đưa điều dưỡng viên sang làm việc tại Nhật Bản.
Ông cũng đã nghĩ đến việc làm sao để có đường bay thẳng Vinh - Nhật Bản và tổ chức các tour du lịch khi sân bay Vinh đã trở thành sân bay quốc tế.
Tiếc nhớ một người bạn lớn
Những năm gần đây, ông sang thành phố Vinh trung bình 8 đến 9 lần mỗi năm, ông đi cùng các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, nhà hoạt động văn hóa để xâu nối hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Nhật Bản với thành phố Vinh. Năm 2019, có những tháng ông Furuya đi về giữa Vinh - Việt Nam và Nhật Bản 3 lần.
Nhìn sức đi và sức làm việc của ông mấy ai biết ông đã hơn 80 tuổi đời, nhưng nhanh nhẹn, làm việc tôn trọng giờ giấc và lịch thiệp, tình cảm đúng phong cách người Nhật. Lần nào sang Vinh ông đều không quên chút quà hương vị quê hương và văn hóa Nhật Bản làm quà cho những người bạn ở Vinh, bánh mochi, hộp trà xanh, thỏi socola trắng, mấy gói rong tảo biển cho trẻ nhỏ, hay món đồ mỹ nghệ truyền thống của người Nhật.
Tháng 10 năm 2019, ông đến thành phố Vinh một mình, nhìn ông thấy không được khỏe. Ông hẹn qua Tết Âm lịch cổ truyền của Việt Nam và Nhật Bản sẽ sang Vinh như lịch trình kế hoạch để tiếp tục xâu nối các dự án đang ấp ủ. Nhưng rồi dịch Covid-19 lan nhanh, Nhật Bản quê hương ông cũng là một tâm dịch lớn của thế giới. Đường bay quốc tế đóng cửa, không có chuyến bay từ Nhật Bản sang Việt Nam để ông tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “ngoại giao không chuyên”, cầu nối giao thương và doanh nghiệp Nhật - Việt mà ông xây dựng.
Đại diện một số tổ chức hoạt động văn hóa Nhật Bản làm việc với lãnh đạo thành phố Vinh (ông Furuyo đứng ngoài cùng bên phải ảnh). Ảnh: Minh Tuấn |
Đầu tháng 8 năm nay nhận tin từ con gái ông báo sang ông mất do bệnh hiểm nghèo đeo đẳng nhiều năm và trở nặng, những người bạn của ông ở Vinh không khỏi thấy đột ngột và mất mát. Ông mất, Hội Hữu nghị Việt - Nhật tỉnh Nghệ An và thành phố Vinh mất đi một người bạn Nhật Bản luôn nặng lòng với tỉnh Nghệ An, với thành phố Vinh, một nơi mà ông yêu quý và đã dành công sức, thời gian và cả vật chất vun đắp cho tình hữu nghị và hợp tác giữa Nhật Bản với Nghệ An. Hiểu hơn về tấm lòng của ông nhiều khi quên, giấu cả bệnh tình và nỗi đau riêng khi mẹ ông mất ở quê nhà lúc ông đang ở Việt Nam.
Người Nhật Bản có câu danh ngôn về tình bạn “Nếu bạn đã dám ước mơ đến điều đó thì bạn cũng hoàn toàn có thể thực hiện được!”. Ông đã ước mơ và ông đã làm được rất nhiều. Có thể nhiều điều ông muốn cho sự phát triển của thành phố Vinh khi làm cầu nối giao thương cho doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam còn dang dở, nhưng những gì ông đã làm, đã dành cho Vinh, cho Nghệ An trong nhiều năm qua có thể nói ông đã làm trọn nhiệm vụ ngoại giao nhân dân của mình, là nhịp cầu nối giao thương cho mối quan hệ tốt đẹp Nhật Bản - Việt Nam.
Vinh 11/9/2020.