Khắc phục 'bệnh' thờ ơ ở cơ sở

Mai Hoa 04/10/2020 07:33

(Baonghean.vn) - Một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên được Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ ra là: Tình trạng quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân. Vấn đề này đang được nhiều cấp ủy trong tỉnh đề ra các giải pháp khắc phục thông qua giải quyết các bức xúc, nổi cộm.

Ở huyện Kỳ Sơn, vấn đề bức xúc trước đây thường nói đến là tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Để khắc phục tình trạng này, cấp ủy, chính quyền huyện đã xây dựng nhiều chương trình, nghị quyết, đề án, gắn phân công rõ trách nhiệm cho cả hệ thống chính trị trong quá trình thực hiện; trách nhiệm phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong thực hiện các mô hình, dự án kinh tế được hỗ trợ triển khai trên địa bàn.

Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe (ngoài cùng bên phải) trao đổi với người dân xã Mường Lống về mô hình trồng chanh leo. Ảnh: Thành Duy

Theo đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn, việc phân công cụ thể này khắc phục được tính chung chung trong lãnh đạo, chỉ đạo. Hiệu quả mang lại cho huyện Kỳ Sơn là đã định hình được một số sản phẩm nông nghiệp có lợi thế và tạo thành “vệt” sản xuất theo vùng như gừng, nghệ, khoai sọ, bí xanh, mận, chanh leo, dược liệu và chăn nuôi bò, gà đen, lợn đen…; gắn với phát triển kinh tế lâm nghiệp…

Công tác xóa đói, giảm nghèo ở Kỳ Sơn cũng có cách làm riêng, huy động các cơ quan, đơn vị, tổ chức cấp huyện và mỗi cán bộ, đảng viên cùng hành động giúp đỡ, hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp làm ăn theo cách “cầm tay chỉ việc” cho hộ nghèo. Do vậy, từ 65,57% hộ nghèo thời điểm năm 2015, đến nay chỉ còn khoảng 42,21%.

Quan điểm chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc của Ban Thường vụ Huyện ủy Kỳ Sơn là ở đâu phát sinh bức xúc thì ở đó có trách nhiệm giải quyết thông qua tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý như trong vấn đề truyền đạo trái phép, khai thác lâm sản trái phép, phòng, chống tệ nạn ma túy, lao động “chui” ở một số nước…; khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại trước đây, khi phát sinh bức xúc, các đơn vị, địa phương chờ khi có chỉ đạo cấp trên mới xử lý.

Đồng chí Vi Hòe - Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn

Đường lên Nậm Cắn (Kỳ Sơn). Ảnh: Sách Nguyễn

Một vấn đề bức xúc nữa ở huyện Kỳ Sơn là tranh chấp đất đai, nương rẫy. Giải quyết vấn đề này, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn cấp huyện nghiên cứu các quy định của pháp luật, đồng thời tiến hành đối thoại giữa các xã có điểm tranh chấp, làm rõ trách nhiệm của huyện, của xã, thôn, bản và người dân. Nhờ đó huyện đã giải quyết dứt điểm một số khu vực tranh chấp giữa xã Huồi Tụ với Bắc Lý; Huồi Tụ với Phà Đánh; Huồi Tụ với Mường Lống; hay giữa Bảo Nam với Huồi Tụ; Mỹ Lý với Bắc Lý; Mường Lống với Mỹ Lý…

Với quan điểm, muốn phát triển phải đảm bảo sự ổn định; muốn ổn định thì phải giải quyết những bức xúc, nổi cộm; bởi vậy, ở huyện Tân Kỳ, hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy yêu cầu các cấp, ngành, cơ sở xác định những vấn đề nổi cộm, bức xúc để xây dựng kế hoạch, lộ trình tập trung xử lý ở từng cơ quan, đơn vị, cơ sở.

Đối với những nội dung thuộc thẩm quyền Ban Thường vụ Huyện ủy hoặc vượt quá thẩm quyền các cơ quan, đơn vị, được Ban Thường vụ Huyện ủy lựa chọn tập trung một số vấn đề trọng tâm, nổi cộm để chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, đề ra biện pháp, giải pháp quyết liệt và có lộ trình xử lý. Và những vấn đề được xác định bức xúc, nổi cộm ở cơ sở và cấp huyện thời gian qua ở huyện Tân Kỳ chủ yếu liên quan đến đất đai như lấn chiếm, tranh chấp đất đai, bán đất trái thẩm quyền, thực hiện các chế độ, chính sách cho các đối tượng…

Lãnh đạo huyện Tân Kỳ kiểm tra mô hình dưa lưới trên địa bàn huyện. Ảnh tư liệu: PV

Được biết, ở huyện Tân Kỳ, ngoài cách làm trên, mỗi năm 2 kỳ, Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện cũng đã trực tiếp đối thoại với cán bộ và nhân dân theo cụm xã trên địa bàn toàn huyện. Thông qua hội nghị này, nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh ở cơ sở thuộc thẩm quyền cấp huyện được giải quyết ngay tại hội nghị, vấn đề cần có thời gian thì giao trách nhiệm và thời gian trả lời hoặc giải quyết dứt điểm cho các ngành.

Những vấn đề thuộc thẩm quyền cấp xã được nhân dân phản ánh, kiến nghị nhiều lần mà chưa giải quyết cũng được Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện giao trách nhiệm giải quyết cho cấp xã và HĐND, Ủy ban MTTQ huyện có trách nhiệm giám sát. Ở huyện Tân Kỳ, điện thoại của các đồng chí Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy được công khai đến tận các khu dân cư để người dân có thể phản ánh trực tiếp các bức xúc qua trao đổi, hoặc qua tin nhắn, hoặc đến trực tiếp phòng làm việc của lãnh đạo…

Việc tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm không chỉ nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân, góp phần ổn định tình hình mà còn giúp cán bộ các cấp dành thời gian tập trung vào các nhiệm vụ chính trị, tránh mất quá nhiều thời gian trong việc giải quyết sự vụ, sự việc. Mặt khác, đây cũng là một kênh quan trọng để đánh giá cán bộ, bởi khi đã xác định vấn đề trọng tâm, bức xúc của ngành, đơn vị mà không tập trung để có biện pháp, giải pháp xử lý dứt điểm thì xem xét, sắp xếp, bố trí lạivị trí công tác của cán bộ.

Đồng chí Phan Văn Giáp - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Kỳ

Khởi công xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Mai Hoa
Khởi công xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo ở xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ. Ảnh: Mai Hoa

Cũng quan tâm giải quyết các bức xúc, nổi cộm, đối với huyện Anh Sơn có cơ chế nắm bắt tình hình dư luận và bức xúc trong nhân dân thông qua cấp ủy, ủy viên và các phòng, ban, ngành cấp huyện đi cơ sở. Trên cơ sở đó, Ban Dân vận và Văn phòng Huyện ủy tổng hợp, báo cáo Thường trực Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo xử lý theo chức năng và thẩm quyền. Đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của người đứng đầu cấp ủy thì trực tiếp Bí thư Huyện ủy gặp gỡ, đối thoại với cơ sở hoặc với công dân để giải quyết với quan điểm không có sự né tránh hoặc trì hoãn. Mặt khác, hoạt động đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền cơ sở với nhân dân được duy trì nghiêm túc, đặc biệt là đối thoại theo chuyên đề của cấp huyện và các cuộc làm việc của lãnh đạo huyện với cơ sở, nhất là địa bàn khó khăn cũng đã tập trung giải quyết nhiều vấn đề bức xúc phát sinh từ cơ sở.

Rõ ràng, từ sự quan tâm giải quyết các bức xúc, nổi cộm ở các cấp, các ngành thời gian qua đã góp phần ổn định tình hình và thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều vấn đề bức xúc được cử tri, nhân dân, doanh nghiệp kiến nghị đi, kiến nghị lại nhiều lần nhưng chưa được xử lý hoặc xử lý tiến độ còn chậm, hiệu quả chưa cao. Ngoài các vấn đề riêng biệt ở từng địa bàn thì một số vấn đề mang tính phổ biến ở nhiều địa bàn như giải quyết vấn đề cấp đất trái thẩm quyền; xử lý các dự án chậm tiến độ; xử lý xe quá khổ, quá tải; tranh chấp đất đai; xử lý ô nhiễm môi trường; đơn thư khiếu nại, tố cáo... Điều này đặt ra cho các cấp, các ngành tiếp tục trăn trở với một thái độ quyết liệt và trách nhiệm hơn để giải quyết dứt điểm.

Từ việc nắm bắt kịp thời và tập trung xử lý các vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với tổ chức và cán bộ, tạo sự đồng thuận cao hơn trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Để xử lý các vấn đề, vụ việc bức xúc buộc cán bộ phải đi sâu, đi sát tìm hiểu rõ khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và trách nhiệm của các bên trong giải quyết…

Đồng chí Nguyễn Hữu Sáng - Bí thư Huyện ủy Anh Sơn

Một cuộc trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo Huyện ủy Anh Sơn với người dân xã Đức Sơn. Ảnh: Mai Hoa
Một cuộc trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo Huyện ủy Anh Sơn với người dân xã Đức Sơn. Ảnh: Mai Hoa

Mai Hoa