Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đến đầu tư hiệu quả tại Nghệ An

Trân Châu (Thực hiện) 17/10/2020 07:17

(Baonghean) - Trong 5 năm (2016 - 2020), nhiều doanh nghiệp lớn như VSIP, WHA, TH Milk, Vingroup, Sungoup, The Vissai, Hoa Sen, Massan, FLC, Luxshare ICT, T&T, Mường Thanh, Thiên Minh Đức... đã đến đầu tư hiệu quả tại Nghệ An, đồng chí Bùi Duy Đông - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh cho biết.

Thủ tướng Chính phủ dự lễ khởi công Dự án Bãi Lữ 2. Ảnh: Nguyên Nguyên

P.V: Thu hút đầu tư có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Nghệ An. Đồng chí có thể cho biết kết quả nổi bật nhất trong 5 năm qua trên lĩnh vực này của tỉnh nhà?

Đồng chí Bùi Duy Đông: Thu hút đầu tư luôn giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương; đặc biệt là những tỉnh có nhiều tiềm năng nhưng đang thiếu nguồn lực đầu tư phát triển như Nghệ An, thu hút đầu tư là chìa khóa, động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, an sinh xã hội.
Thời gian qua, cùng với sự quan tâm giúp đỡ của Trung ương, tỉnh Nghệ An đã nỗ lực rất lớn trong công tác xúc tiến đầu tư. Tỉnh đã kịp thời bổ sung các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, chỉ đạo quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua đó, đã trở thành trung tâm lớn của cả nước về chế biến thực phẩm (nuôi bò sữa gắn với chế biến sữa, chế biến đường và hoa quả...); chế biến lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng,...
Trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thu hút được 532 dự án đăng ký đầu tư với tổng số vốn 67.308 tỷ đồng, tăng cả về số lượng và chất lượng dự án so với giai đoạn trước đó; tăng tỷ trọng các dự án có đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu và uy tín đã đến khảo sát và đầu tư tại Nghệ An như: VSIP, WHA, TH Milk, Vingroup, Sungoup, The Vissai, Hoa Sen, Massan, FLC, Luxshare ICT, T&T, Mường Thanh, Thiên Minh Đức...

Nhiều dự án trọng điểm được khởi công, hoàn thành đưa vào hoạt động như Nhà máy gỗ MDF, Nhà máy Hoa Sen Nghệ An, Tổng kho xăng dầu DKC, các nhà máy linh kiện điện tử của nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, tỉnh Nghệ An đã thu hút được các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt; giải quyết "điểm nghẽn” về mặt bằng sạch trong thu hút đầu tư.

Khai trương Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An. Ảnh: T.D

P.V:
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An mới được thành lập vào ngày 13/4/2020. Đồng chí cho biết Trung tâm đã có đổi mới nào trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ?
Đồng chí Bùi Duy Đông:Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Nghệ An được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (trực thuộc UBND tỉnh), Trung tâm Hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp (trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư), Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch (trực thuộc Sở Du lịch), Trung tâm Xúc tiến thương mại (thuộc Sở Công Thương). Trung tâm mới này có chức năng chính là đầu mối tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành, chỉ đạo và tổ chức triển khai các chương trình, kế hoạch xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đầu mối cung cấp thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ các nhà đầu tư nghiên cứu và triển khai dự án.

Ngay sau khi công bố thành lập và đi vào hoạt động, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh đã chủ động triển khai các nhiệm vụ theo kế hoạch của năm 2020 trên từng lĩnh vực được giao. Bên cạnh đó, Trung tâm đã đổi mới tư duy, quan điểm về xúc tiến và thu hút đầu tư, coi nhà đầu tư là đối tượng phục vụ. Tích hợp cả 3 lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch vào các hoạt động xúc tiến để có sự đồng bộ và hiệu quả. Trong xúc tiến đầu tư lựa chọn có trọng tâm, trọng điểm các nội dung, đối tác và thị trường; phù hợp với xu hướng vận động của các dòng đầu tư, các làn sóng dịch chuyển.

Chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án đang triển khai. Tăng cường phối hợp với các nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp để xúc tiến, thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Bên cạnh đó, Trung tâm đã tăng cường làm việc với các huyện, thành, thị; khảo sát tiềm năng, thế mạnh ở mỗi địa phương. Trung tâm cam kết hỗ trợ các địa phương trong xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc sản, nhãn mác và xúc tiến các kênh quảng bá, bán hàng; hỗ trợ xúc tiến du lịch và phát triển doanh nghiệp.

Cần cẩu chân đế 40 tấn cẩu hàng container ở cảng. Một số nhà máy đã đi vào hoạt động ở khu đô thị VSIP Nghệ An.
Dịch vụ cảng biển và hạ tầng khu công nghiệp sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới. Ảnh: Tư liệu.

P.V:Trong bối cảnh tình hình kinh tế đang có nhiều khó khăn, Trung tâm sẽ thực hiện các giải pháp nào để hỗ trợ nhà đầu tư và doanh nghiệp?

Đồng chí Bùi Duy Đông: Hiện nay, tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; dịch Covid-19 vẫn chưa được khống chế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng, xu hướng dịch chuyển dòng đầu tư và chuỗi cung ứng vào Việt Nam đang tạo ra nhiều thời cơ và thách thức. Với vai trò là cơ quan đầu mối tham mưu quan trọng về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và phát triển doanh nghiệp, Trung tâm sẽ cùng với các ngành chủ động tham mưu cho UBND tỉnh triển khai một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, chủ động đề xuất kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch phù hợp với diễn biến dịch bệnh; tăng cường các hoạt động quảng bá thông qua các kênh trực tuyến.
Thứ hai, lựa chọn các đối tác, thị trường mục tiêu, các nhà đầu tư và dự án trọng điểm để xúc tiến đầu tư; đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, làm việc trực tiếp giữa tỉnh với các nhà đầu tư tiềm năng, ưu tiên các dự án có tác động dẫn dắt, sử dụng công nghệ cao, quản trị hiện đại.

Bộ Nông nghiệp &PTNT tham quan dây chuyền sản xuất sữa ở Nhà máy sữa TH. Ảnh: Thu Huyền

Thứ ba, Trung tâm sẽ giữ vai trò là cầu nối giữa chính quyền với các nhà đầu tư trong việc thiết lập và duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo tỉnh, các ngành với các nhà đầu tư. Đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ trực tiếp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư.

Thứ tư, tăng cường đổi mới công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp; triển khai các giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp; đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân, góp phần hình thành các đơn vị đủ điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.
P.V: Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi!

Trân Châu (Thực hiện)