Chính trường Thái Lan không dễ dàng vượt qua khủng hoảng

Mỹ Nga 21/10/2020 08:25

(Baonghean.vn) - Hàng ngàn người tiến hành biểu tình ở Bangkok từ tháng 7 tới nay để kêu gọi cải tổ hoàng gia nhằm giảm bớt quyền lực của nhà vua, đòi Thủ tướng từ chức, cải tổ Hiến pháp và tổ chức bầu cử. Làn sóng này chỉ chấm dứt khi những đòi hỏi được thỏa hiệp, song lại không dễ dàng, bởi Chính phủ không có dấu hiệu nào của sự nhượng bộ.

Bùng nổ khi bất bình dồn nén

Thảo luận công khai về chế độ quân chủ từ lâu đã là điều cấm kỵ ở Thái Lan, và việc xúc phạm các thành viên cấp cao của hoàng gia có thể bị phạt tới 15 năm tù. Thế nhưng, khác hẳn những lần biểu tình diện rộng trước đó, dẫn đến đàn áp hay đảo chính, biểu tình lần này nhắm thẳng vào hoàng gia.

Đặc biệt, lần này hệ thống chính trị ở Thái Lan vấp phải vấn đề lớn hơn: Phong trào biểu tình do sinh viên lãnh đạo không đòi quyền lực, mà thay vào đó muốn thay đổi cơ bản hệ thống chính trị, vốn đã chứng kiến khoảng 20 cuộc đảo chính quân sự kể từ năm 1932. Tầng lớp sinh viên đã phá bỏ những điều cấm kỵ lâu nay, không ngại phê phán hoàng gia - lực lượng nền tảng giữ vững hệ thống hiện nay.

Hàng nghìn người tham gia biểu tình đòi dân chủ ở Thái Lan. Ảnh: Getty
Hàng nghìn người tham gia biểu tình đòi dân chủ ở Thái Lan. Ảnh: Getty

Bất chấp lệnh khẩn cấp cấm tụ tập đông người và đe dọa đàn áp của Chính phủ, hàng nghìn người biểu tình vẫn lấp đầy những ngã tư đông đúc ở Thủ đô Bangkok và quyết tâm duy trì biểu tình.

Chính phủ có thể thực hiện các bước mạnh mẽ hơn để ngăn chặn biểu tình, làm dấy lên lo ngại về cuộc đàn áp quân sự khốc liệt tương tự như những gì Thái Lan đã chứng kiến vào các năm 1973, 1976, 1992 và 2010, đặc biệt là khi các nhóm bảo vệ hoàng gia đối đầu với những người biểu tình ủng hộ dân chủ. Tuy nhiên, ngay cả khi dùng biện pháp mạnh mẽ ngăn chặn trên đường phố, các nhà chức trách vẫn cần phải đưa ra được giải pháp triệt để như dập tắt các cuộc thảo luận về hoàng gia trên mạng xã hội, giải quyết những nổi cộm về bất bình đẳng, tham nhũng, và lạm dụng quyền lực. Bởi đây vốn là ngọn lửa châm ngòi cho các cuộc biểu tình nổ ra.

Các cuộc biểu tình được tiếp thêm động lực lớn trong bối cảnh tăng trưởng chậm chạp, và ngày càng trở nên trầm trọng hơn bởi đại dịch, khiến nền kinh tế Thái Lan rơi vào tình trạng tồi tệ nhất từ trước đến nay, khi đã “trật bánh” với 2 mũi nhọn chính: du lịch và thương mại.

Điều đáng nói, những khó khăn kinh tế đã đặt ra vấn đề lớn hơn, chính là sự phân hóa giàu nghèo sâu sắc. Ngân hàng Thế giới hồi tháng 3 cho biết, số lượng người dân Thái Lan sống trong cảnh nghèo đói đã tăng lên trong những năm gần đây. Trong khi một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu của Ngân hàng Thái Lan công bố năm ngoái cho thấy, khoảng 36% vốn sở hữu doanh các doanh nghiệp tập trung trong tay chỉ 500 người.

Dòng người Thái Lan biểu tinh đòi dân chủ, công bằng. Ảnh: AFP
Dòng người Thái Lan biểu tinh đòi dân chủ, công bằng. Ảnh: AFP

Do đó, sự giàu có, xa xỉ của hoàng gia nói riêng đã trở thành nguồn cơn phẫn nộ. Dòng người biểu tình đòi kiểm soát chặt chẽ hơn tài sản của hoàng gia, bao gồm những bất động sản lớn ở trung tâm Thủ đô Bangkok và cổ phần trong những công ty đại chúng lớn nhất Thái Lan. Người biểu tình cũng đã tăng cường giám sát các quỹ công được sử dụng cho cuộc sống của nhà vua. Quốc vương Maha Vajiralongkorn lên ngôi cách đây 4 năm, cai trị đất nước từ châu Âu, chi tiêu xa hoa và ủng hộ tuyệt đối với thủ tướng khiến người dân thất vọng.

Những người trẻ tuổi đặc biệt tham gia vào phong trào biểu tình bởi họ không nhìn thấy một tương lai kinh tế khả thi và trở nên bất bình thực sự về cách đất nước được điều hành bởi một thệ thống chính trị như thời Chiến tranh Lạnh - trao nhiều quyền lực cho quân đội, hoàng gia, tư pháp.

“Nếu đặt ra câu hỏi, ai đang ủng hộ họ, thì sự bất bình chính là động lực. Để chấm dứt những bất bình này đòi hỏi một số nhượng bộ, thay đổi và cải cách. Tuy nhiên, chúng tôi không nhìn thấy điều đó, mà chỉ thấy điều ngược lại”.

Thitinan Pongsudhirak - Giám đốc Viện An ninh và Nghiên cứu quốc tế, Đại học Chulalongkorn ở Bangkok

Không có dấu hiệu nhượng bộ

Mặc dù những người biểu tình không được hỗ trợ bởi bất kỳ nhóm chính trị cụ thể nào, song phe dân chủ trong Quốc hội đã lên án các động thái nhằm đàn áp người biểu tình. Pheu Thái, đảng đối lập lớn nhất đã lên tiếng yêu cầu Chính phủ ngay lập tức dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và trả tự do cho những người bị bắt giữ. Một nhóm đối lập khác cũng đã lên kế hoạch bảo lãnh giúp những người biểu tình bị giam giữ.

Lực lượng cảnh sát tham gia chống bạo động ở Bangkok. Ảnh: Getty
Lực lượng cảnh sát tham gia chống bạo động ở Bangkok. Ảnh: Getty

Không chỉ vậy, các nhóm đối lập ở Thái Lan cũng đang nỗ lực viết lại Hiến pháp - một trong những đòi hỏi chính của người biểu tình, đi cùng với yêu cầu Thủ tướng Prayuth từ chức, và một loạt các thay đổi đối với chế độ quân chủ nhằm yêu cầu chế độ này có trách nhiệm hơn với 69 triệu người dân Thái Lan.

Chính phủ đã nói, họ sẵn sàng cho một số thay đổi trong Hiến pháp, được soạn thảo bởi một hội đồng do quân đội chỉ định nhằm giúp ông Prayuth ở lại nắm quyền sau bầu cử năm ngoái. Nhưng liên minh chiếm đa số của Thủ tướng Prayuth đã trì hoãn lời hứa trên. Các nhà phân tích nhận định rằng, động thái này có một lịch sử lâu dài về việc ngăn cản các nỗ lực cải cách nhằm trao quyền cho các lãnh đạo dân cử, và hoài nghi rằng lần này chính quyền sẽ một lần nữa trì hoãn cho đến khi làn sóng giận dữ hiện tại lắng xuống.

“Chính phủ có thể sử dụng lời hứa về việc sửa đổi hiến pháp và trưng cầu dân ý như một cách để câu giờ, cho đến khi những người biểu tình nản chí. Trong khi trên thực tế, nó tạo ra rất ít thay đổi, nếu có”.

Aul Chambers - nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu cộng đồng ASEAN, Đại học Naresuan

Thêm vào đó, bản thân Thủ tướng Prayuth đã khẳng định ông không từ chức, và sẽ dỡ bỏ sắc lệnh khẩn cấp trước khi hết hiệu lực trong 30 ngày “nếu tình hình được cải thiện”. Ông Prayuth còn né tránh việc giải quyết trực tiếp các yêu cầu liên quan đến hoàng gia, bao gồm việc ngăn cản nhà vua tán thành bất kỳ cuộc đảo chính nào, và thu hồi các đạo luật cấm xúc phạm hoàng gia. Giới chức trong Chính phủ cũng lên tiếng chỉ trích phong trào biểu tình, gọi hành động của họ là “thiếu tôn trọng hoàng gia” và yêu cầu phải ngăn chặn những hành động đó.

Những nữ sinh còn rất trẻ đối diện với cảnh sát, giơ cao biểu ngữ, biểu tượng phản đối. Ảnh: Bloomberg
Những nữ sinh còn rất trẻ đối diện với cảnh sát, giơ cao biểu ngữ, biểu tượng phản đối. Ảnh: Bloomberg

Làn sóng biểu tình tại Thái Lan đang bắt đầu thu hút sự chú ý trên toàn cầu. Vấn đề cư trú ở nước ngoài của nhà vua Maha Vajiralongkorn đang là tâm điểm chú ý. Phong trào biểu tình do sinh viên lãnh đạo từ hồi tháng 7 tới nay thường xuyên chỉ trích hoặc châm biếm việc người đứng đầu hoàng gia vẫn điều hành đất nước, dù đang sinh sống ở Đức. Ngoại trưởng Đức Heiko Maas mới đây lên tiếng, nhà vua Maha Vajiralongkorn không nên tiến hành các hoạt động chính trị từ một nước châu Âu, nơi ông đang dành phần lớn thời gian sinh sống.

Nhiều chuyên gia về chính trị Thái Lan cho rằng, chính quyền của Thủ tướng Prayuth vẫn chưa thể hiện sự sẵn sàng thỏa hiệp, và lẽ tất yếu, các cuộc đụng độ vẫn có khả năng tiếp diễn trong thời gian tới. Chính phủ có thể nghĩ rằng, họ bắt một vài người, giam giữ hoặc như loại bỏ một số nhà lãnh đạo, là đủ. Nhưng điều này dường như không đúng với làn sóng biểu tình lần này. Hình ảnh những nữ sinh 15 tuổi, mặc đồng phục, trèo ra khỏi rào chắn để đứng trước mặt cảnh sát - đó là cảnh tượng chưa từng thấy ở Thái Lan./.

Mỹ Nga