Nghi Lộc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Nhật Tuấn 28/10/2020 08:37

(Baonghean.vn) - Thông qua cơ chế hỗ trợ khuyến khích, những năm gần đây, nhiều địa phương ở huyện Nghi Lộc đã phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho sản phẩm nông nghiệp sạch và nâng cao giá trị thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Cánh đồng Trọt Mượu thuộc xóm Hợp Thắng, xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc vốn là đồng đất cằn cỗi, chỉ sản sản xuất được một vài loại cây màu nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

Năm 2019, anh Trần Mạnh Hùng từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về địa phương mạnh dạn xin chính quyền xã được nhận chuyển nhượng đất đai của các hộ dân và tích tụ ruộng đất của gia đình với tổng diện tích gần 10.000 m2, đầu tư tại đây “Mô hình công nghệ cao nông nghiệp sạch nhà kính khép kín Hùng Thanh”.

Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở xã Khánh Hợp (Nghi Lộc). Ảnh: Quang An

Mô hình của anh Trần Mạnh Hùng gồm hệ thống nhà màng cùng với các hạng mục phụ trợ như trạm điều tiết tưới tự động nhỏ giọt công nghệ cao Israel, bể xử lý xơ dừa.

Trước mắt, anh đã xây dựng được 3 nhà màng, mỗi nhà rộng 1.200m2 để trồng dưa lưới và cà chua Israel. Khi cây dưa đến kỳ nở hoa, anh đưa ong mật vào nhà màng nhờ vật nuôi này thụ phấn cho cây trồng.

Anh Hùng cho biết: Vừa qua, anh đã thu hoạch vụ dưa lưới đầu tiên 3.000 quả, sản lượng 4 tấn, bán tại vườn được 160 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình anh Hùng thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Trong quá trình sản xuất, gia đình đã nhận được sự giúp đỡ của các cấp lãnh đạo. Bản thân anh cũng đã tìm được mối tiêu thụ sản phẩm cây trồng đảm bảo ổn định lâu dài.

Trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Đinh Quang Hoàng (trái) ở xóm 9, xã Nghi Trung có diện tích 200m2. Ảnh: Nhật Tuấn

Anh Trần Mạnh Hùng là một trong số rất nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất cây trồng trong nhà màng. Để khuyến khích các hộ dân sản xuất theo mô hình này, UBND huyện Nghi Lộc hỗ trợ mỗi mô hình có diện tích tối thiểu 2.000m2 số tiền 350 triệu đồng.

Cùng với đó, UBND các xã còn hỗ trợ tập huấn để nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức tham quan học hỏi mô hình, hỗ trợ quảng bá bao tiêu sản phẩm để người dân yên tâm sản xuất. Hiện, toàn huyện có 6 xã sản xuất nông nghiệp có mô hình công nghệ cao với tổng diện tích 30.000 m2. Riêng xã Nghi Long năm 2017 chỉ có một hộ dân sản xuất cây trồng trong nhà màng, tưới bằng công nghệ Israel trên diện tích 1.000 m2, nay đã có hàng chục gia đình tham gia mô hình này với tổng diện tích 8.000 m2.

Ngoài dưa lưới, nông dân Nghi Lộc còn trồng dưa chuột Israel, hoa, rau, củ, quả các loại. Những cây trồng bằng công nghệ này đều đem lại thu nhập cao. Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn tạo việc làm cho nhiều lao động, tiết kiệm nguồn nước tưới, đảm bảo an toàn về môi trường, sản phẩm cây trồng được người tiêu dùng ưa chuộng vì đạt chất lượng cao.

Nông dân Nghi Kiều chế biến tinh bột nghệ. Ảnh: Lâm Tùng

Nói về chủ trương tiếp tục nhân rộng mô hình trong thời gian tới, ông Trần Nguyên Hòa – Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nghi Lộc cho biết: “Hiện, phòng NN&PTNT đang tham mưu cho UBND huyện xây dựng đề án, chương trình cả giai đoạn để triển khai thực hiện có hiệu quả tại cơ sở.

Theo đó, sẽ đánh giá lại toàn bộ cơ chế của huyện về phát triển nông nghiệp công nghệ cao trong những năm qua và tiếp tục ban hành cơ chế hỗ trợ để triển khai thực hiện trong năm 2021 và những năm tiếp theo như là hỗ trợ xây dựng nhà màng, hỗ trợ liên kết phát triển sản xuất, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, quảng bá thương hiệu”.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và nông dân, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Nghi Lộc bước đầu khá khả quan.

Nhật Tuấn