Cử tri huyện Nghĩa Đàn phản ánh bất cập trong giao khoán đất và thu tiền của nông trường

Mai Hoa 21/04/2023 11:46

(Baonghean.vn) - Tại Hội nghị tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, cử tri xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn) quan tâm phản ánh nhiều bất cập trong giao khoán đất, phương án tổ chức sản xuất và các khoản thu từ nông trường. 

Các đại biểu Quốc hội và lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn tham gia hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: M.H

Kiến nghị nhiều bất cập từ hoạt động nông trường

Sáng 21/4, các đại biểu Quốc hội: Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội; Vi Văn Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh đã có cuộc tiếp xúc cử tri xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, thay mặt các đại biểu Quốc hội, đại biểu Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội thông báo trước cử tri về dự kiến nội dung kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, diễn ra từ ngày 22/5 đến 23/6/2023; kết quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An từ kỳ họp thứ 4 đến nay.

Đại biểu Đặng Xuân Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục của Quốc hội thông báo trước cử tri về dự kiến nội dung kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, diễn ra từ ngày 22/5 đến 23/6/2023. Ảnh: M.H

Tiếp đó, với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, các cử tri đã bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và chính quyền các cấp quan tâm giải quyết.

Vấn đề được nhiều cử tri xã Nghĩa Hiếu quan tâm phản ánh liên quan đến chính sách nhận khoán, phương án sản xuất và thực hiện các khoản thu từ Nông trường Tây Hiếu 2.

Cử tri Hữu Như Ngọc - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hiếu kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xem xét lại hoạt động của nông trường hiện nay. Ảnh: M.H

Cử tri Dương Công Hải, xóm Lê Lợi, xã Nghĩa Hiếu nêu, các hộ dân nhận khoán đất từ nông trường để sản xuất, tuy nhiên, lại không được làm chủ trên mảnh đất nhận khoán của mình, muốn xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cũng không được làm, trong khi sản xuất theo định hướng, quy hoạch của nông trường thì không hiệu quả.

Cùng quan tâm, cử tri Nguyễn Xuân Minh, xóm Trung Thịnh kiến nghị, các cấp, các ngành làm việc với Nông trường Tây Hiếu điều chỉnh phương án sản xuất, cho phép người dân chăn nuôi trong diện tích trồng cam, chanh, mía, tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập, đồng thời, có phân bón phục vụ cây trồng.

Cử tri Nguyễn Xuân Minh, xóm Trung Thịnh kiến nghị Nông trường Tây Hiếu điều chỉnh phương án sản xuất, tạo điều kiện cho người dân tăng thu nhập. Ảnh: M.H

Ngoài phương án sản xuất, một số cử tri cũng phản ánh đến bất cập trong việc thu các khoản từ nông trường. Như thu 1,5 triệu đồng/ha đối với công nhân hết tuổi lao động khi họ chuyển giao diện tích đất sản xuất cho con; thu 5 triệu đồng/ha đối với các hộ chuyển nhượng cho nhau; khoản phạt về chăn nuôi trong diện tích sản xuất được giao nhận khoán; phí nhận khoán và thuê đất…

Từ nhiều bất cập đặt ra, một số cử tri kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần xem xét lại thể chế nông trường hiện nay, có nên tồn tại nữa hay không; đồng thời, nghiên cứu chuyển diện tích đất sản xuất từ các nông trường về địa phương quản lý để giao cho người dân sản xuất.

Đồng chí Lê Thái Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn tiếp thu, giải trình một số vấn đề thuộc thầm quyền cấp huyện. Ảnh: M.H

Một số cử tri quan tâm đề xuất Quốc hội nghiên cứu việc sáp nhập đơn vị hành chính phải phù hợp thực tế, đảm bảo tính kết nối về địa chính, giao thông, sông, suối, tạo thuận lợi cho người dân. Gắn với sáp nhập quan tâm giải quyết các vấn đề đặt ra, nhất là chế độ, chính sách cho người làm việc trong hệ thống chính trị.

Nhiều vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, quy định của pháp luật về chăn nuôi gây ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, chế độ, chính sách cho lượng lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19, chính sách cho nhà trường có học sinh tái hòa nhập cộng đồng… cũng được cử tri nêu ý kiến đề xuất.

Quang cảnh tiếp xúc cử tri tại xã Nghĩa Hiếu, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: M.H

Chuyển tải các kiến nghị đến các cấp giải quyết

Sau các ý kiến phản ánh, đề xuất của cử tri, đại diện các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động, Thương binh và Xã hội và lãnh đạo huyện Nghĩa Đàn đã tiếp thu, giải trình các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Đại biểu Vi Văn Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh trả lời kiến nghị của cử tri. Ảnh: Mai Hoa

Thay mặt các đại biểu Quốc hội, đại biểu Vi Văn Sơn - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh ghi nhận những phản ánh, kiến nghị các vấn đề rất thực tiễn của cử tri để chuyển đến các cấp, ngành nắm bắt những bất cập, khó khăn và nghiên cứu giải quyết.

Giải trình ý kiến của cử tri phản ánh bất cập về chế độ giao nhận khoán và thực hiện các khoản thu từ nông trường, đại biểu Quốc hội Vi Văn Sơn thông tin, hiện nay, trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá thực tiễn để báo cáo tỉnh trước ngày 30/4/2023 để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời, kiến nghị Trung ương các vấn đề từ thực tiễn.

Đại biểu Quốc hội Vi Văn Sơn cũng giải trình, làm rõ một số vấn đề liên quan đến kiến nghị, đề xuất của cử tri về chế độ phụ cấp cho viên chức dân số - kế hoạch gia đình; chính sách hỗ trợ giáo viên dạy trẻ khuyết tật trong cơ sở giáo dục phổ thông không chuyên biệt; phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở xóm…

Cử tri huyện Nghĩa Đàn phản ánh bất cập trong giao khoán đất và thu tiền của nông trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO