Tạo động lực mới, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống

Mai Hoa 01/11/2020 07:29

(Baonghean.vn) - 1 trong 4 chương trình trọng tâm được Đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu khóa XXVIII đề ra cho giai đoạn 2020 - 2025 là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, chế biến và thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Ngay sau đại hội, cấp ủy các cấp bắt tay triển khai nội dung trên để góp phần thiết thực đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

TIỀN ĐỀ TỪ NHỮNG MÔ HÌNH

Quỳnh Lưu là một trong những địa phương có sự phát triển kinh tế đa dạng và năng động của tỉnh, trong đó ở lĩnh vực nông nghiệp có nhiều mô hình được thực hiện quy trình sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học công nghệ đem lại hiệu quả cao.

Tại xã Quỳnh Giang, trên diện tích 5 ha đất màu trồng ngô, khoai, lạc trước đây nay đã thay thế bằng dự án rau sạch công nghệ cao do doanh nghiệp thực hiện. Sau 8 tháng đi vào sản xuất, ngoài diện tích xây dựng nhà điều hành, nhà kho, hiện dự án có 1 ha sản xuất dưa lưới, dưa chuột, cà chua, bắp cải, xúp lơ... theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel và 3,7 ha nhà màng được sản xuất các loại rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP.

Mô hình nhà lưới trồng rau, củ, quả tại xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu). Ảnh: Mai Hoa
Mô hình nhà lưới trồng rau, củ, quả tại xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu). Ảnh: Mai Hoa

Ông Trịnh Xuân Hoàng - Giám đốc điều hành dự án cho biết, xu hướng sử dụng các sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm của người dân ngày càng cao, cho nên sản phẩm làm ra lâu nay được tiêu thụ khá thuận lợi thông qua cửa hàng rau sạch tại huyện và một số cửa hàng ở thành phố Vinh.

Ở xã Quỳnh Lương, ngoài là một trong những xã trọng điểm vùng rau màu hàng hóa của huyện Quỳnh Lưu, thì đã xuất hiện dự án nuôi trồng và sản xuất, chế biến các sản phẩm từ tảo xoắn cùng với một số sản phẩm đậu tương lên men, đông trùng hạ thảo... Theo báo cáo từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, trong lĩnh vực trồng trọt, thông qua tuyên truyền, vận động gắn với cơ chế hỗ trợ cụ thể, đến nay trên địa bàn đã có 7 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, bao gồm 5 mô hình nhà màng, nhà lưới sản xuất các loại rau, củ, quả theo công nghệ Israel và 2 mô hình trồng cây có múi.

Địa phương cũng đã tập trung xây dựng vùng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại một số xã như: Tân Sơn, Quỳnh Văn, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng..., với gần 1.400 ha. Công nghệ tưới phun bán tự động được áp dụng rộng rãi ở các vùng chuyên canh sản xuất rau màu, đạt 82% tổng diện tích toàn huyện. Đối với cây lúa, huyện xây dựng được một số cánh đồng lớn kết hợp với bao tiêu sản phẩm tại các xã: Quỳnh Ngọc, Quỳnh Diễn, Quỳnh Lâm...

Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng có mái che ở xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) đầu tư hơn 7 tỷ đồng. Ảnh Mai Hoa
Mô hình nuôi tôm trong bể xi măng có mái che ở xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) đầu tư hơn 7 tỷ đồng. Ảnh: Mai Hoa

Trong lĩnh thủy, hải sản, nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ hoạt động khai thác hải sản được đầu tư lắp đặt như: máy dò cá, máy thông tin tầm xa (ICOM), máy định vị tọa độ, hệ thống tời lưới, nâng cá,... đã góp phần nâng cao năng lực đánh bắt. Ở mảng nuôi trồng đã hình thành một số mô hình nuôi tôm trong bể xi măng có mái che, nuôi tôm theo quy trình Biofloc trong nhà màng tại một số địa phương như: Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Thanh, An Hòa, Quỳnh Lương...; nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP tại 107/750 ha tôm toàn huyện...

Ngành Nông nghiệp Quỳnh Lưu đã có 4 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh; 10 sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý, trong đó nhiều sản phẩm đặc trưng của huyện như: dứa Quỳnh Lưu, mực khô, nước mắm 550, nhung hươu, tảo xoắn Spirulina...

CỤ THỂ HÓA NGHỊ QUYẾT

Một trong những định hướng phát triển trọng tâm của huyện Quỳnh Lưu trong giai đoạn 2020 - 2025 là phát triển nông nghiệp với giá trị tăng thêm cao hơn và bền vững hơn. Bởi vậy, 1 trong 4 chương trình trọng tâm được Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu xác định trong cả nhiệm kỳ là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, chế biến và thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, ngay sau Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện khóa XXVIII, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Lưu đã tập trung chỉ đạo xây dựng và ban hành Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất, chế biến và thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giai đoạn 2021-2025”. Đề án này được UBND huyện cụ thể hóa kế hoạch thực hiện theo từng mũi trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt và chế biến hải sản để triển khai.

Dự án nuôi trồng và sản xuất chế biến các sản phẩm từ tảo xoắn tại xã Quỳnh Lương. Ảnh: Mai Hoa
Dự án nuôi trồng và sản xuất chế biến các sản phẩm từ tảo xoắn tại xã Quỳnh Lương. Ảnh: Mai Hoa

Trên tinh thần chỉ đạo của huyện, tranh thủ những động lực mới sau đại hội, ở nhiều đảng bộ cơ sở đã bắt tay triển khai với các việc cụ thể. Đồng chí Hồ Diên Hữu - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Minh chia sẻ: Người dân xã Quỳnh Minh có truyền thống làm rau màu hàng hóa. Tuy nhiên, việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của người dân đang còn hạn chế, chủ yếu đang sản xuất theo nhu cầu thị trường, loại nào thị trường có nhu cầu nhiều là tập trung làm mà không theo quy hoạch hoặc áp dụng triệt để khoa học công nghệ để có sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường.

Để khắc phục tình trạng này, ngay sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025, cấp ủy, chính quyền đã triển khai chỉ đạo hợp tác xã xây dựng vùng sản xuất rau màu tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 7 ha, đồng thời đầu tư gần 2 tỷ đồng xây dựng nhà lưới để trồng rau, củ, quả nhằm lan tỏa, thay đổi cung cách sản xuất trong Nhân dân. Và ngoài xây dựng, lan tỏa mô hình, hợp tác xã còn có trách nhiệm liên kết với tổ chức, cá nhân để tìm đầu ra ổn định cho cây rau. Đặt ra mục tiêu nâng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích ở 165 ha rau màu lên 320 - 350 triệu đồng/năm.

Còn ở xã Quỳnh Bảng, từ thành công mô hình nhà lưới của gia đình ông Hồ Phúc Hoàng cách đây 2 năm, cấp ủy, chính quyền nơi đây cũng đang đặt ra quyết tâm chỉ đạo phát triển thêm từ 5 - 7 mô hình nhà lưới. Trên cơ sở đó, thành lập tổ hợp tác sản xuất nhà lưới cùng sản xuất một số sản phẩm, tạo ra một lượng hàng hóa đủ lớn và gối vụ nhằm cung cấp thường xuyên và cố định cho các bạn hàng truyền thống. Cùng với đó, theo đồng chí Hồ Nghĩa Dũng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Bảng, địa phương cũng đang tập trung chỉ đạo nhân rộng mô hình và tăng diện tích nuôi tôm ứng dụng KHCN, như nuôi tôm trong bể xi măng có mái che, sục khí cải tiến, nuôi bằng thức ăn sinh học (hiện tại diện tích nuôi tôm áp dụng KHCN mới chỉ có 30/186 ha).

Riêng mô hình nuôi tôm trong bể xi măng có mái che sẽ đảm bảo điều kiện thời tiết ổn định cho tôm phát triển, vừa tăng thêm vụ đông cho con tôm, bởi nếu nuôi trong điều kiện bình thường vào mùa Đông nhiệt độ xuống thấp, mưa lũ thì không thể nuôi được. Địa phương cũng đang xúc tiến dự án lấy nước biển vào vùng nuôi tôm công nghiệp trên 100 ha thay thế nước sông Mơ như hiện nay, ảnh hưởng đến chất lượng tôm nuôi. Gắn với đó là tập trung nâng cao năng lực cho hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp - thủy sản trong việc kết nối tìm đầu ra cho các sản phẩm rau và hải sản cho người dân (hợp tác xã mới được thành lập trong năm 2019)...

Cánh đồng rau sạch Quỳnh Lương (Quỳnh Lưu). Ảnh tư liệu: Nhật Thanh

Về phạm vi tổng thể toàn huyện, đồng chí Đặng Ngọc Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Quỳnh Lưu sẽ đẩy mạnh trên các khâu giống, quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và chế biến theo hướng chế biến sâu các mặt hàng nông sản sấy khô, nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm. Để thực hiện được mục tiêu này, huyện cũng đang nghiên cứu một số cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời tập trung kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo chuỗi từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, từ đó nâng cao giá trị hàng hóa và tạo dựng thành công thương hiệu nông sản, hải sản Quỳnh Lưu.

Mai Hoa