Hiệu quả đầu tư công trình thủy lợi ở Nghệ An

Văn Trường 04/11/2020 06:59

(Baonghean.vn) - Nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước, bảo vệ hoạt động sản xuất nông nghiệp, phục vụ dân sinh, an toàn trong mùa mưa lũ, Nghệ An đã thu hút được nhiều nguồn vốn từ dự án JICA, vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB)... Hiện nay, hệ thống kênh tiêu, hồ chứa, đê điều đang được gấp rút hoàn thiện; một số công trình bước đầu đã mang lại hiệu quả.

Tập trung nâng cấp hồ chứa

Nghệ An là tỉnh hàng năm thường xuyên xảy ra lũ lụt, ngập úng số lượng công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp rất lớn. Như nhiều hồ chứa và các tuyến đê, kênh tiêu xung yếu chất lượng thấp, công trình chưa đạt mục tiêu chống lũ nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ sự cố như vỡ đập, vỡ đê...

Trong khi đó, nhu cầu tu sửa, nâng cấp hệ thống hạ tầng thủy lợi để đáp ứng chống lũ đòi hỏi kinh phí lớn. Những năm qua, lồng ghép từ các nguồn vốn, Nghệ An đang dần hoàn thiện hệ thống thủy lợi để chống lũ.

Về hệ thống hồ chứa, Nghệ An có trên 1.000 hồ chứa nhưng có nhiều hồ bị xuống cấp trầm trọng, có nhiều đập không an toàn, đập đất không đủ mặt cắt theo tiêu chuẩn, chất lượng thi công đập kém là nguyên nhân gây ra thấm mạnh hoặc sủi nước trong phạm vi thân đập, rò thấm hai bên vai đập, hình thành tổ mối trong thân đập gây sạt lở hoặc sạt, trượt mái đập, xói lở mái đập, nứt nẻ trong thân đập…


Xây dựng hồ chứa Khe Lau, xã Nghĩa Thuận (TX. Thái Hòa) bằng nguồn vốn vay ngân hàng thế giới. Ảnh: Văn Trường
Xây dựng hồ chứa Khe Lau, xã Nghĩa Thuận (TX. Thái Hòa) bằng nguồn vốn vay ngân hàng thế giới. Ảnh: Văn Trường

Thời gian qua, Nghệ An đang tích cực xây dựng nâng cấp hệ thống hồ chứa ách yếu. Từ năm 2018 đến nay, từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), Nghệ An đang triển khai thi công, nâng cấp 33 hồ đập.

Trong đó, vốn của WB là hơn 490 tỷ đồng, ngân sách tỉnh đối ứng 27 tỷ đồng. Giai đoạn 1 đã thi công xong 13 hồ chứa ách yếu như các hồ chứa nước Khe Gang, hồ Học Nghẹt, hồ Khe Dung, hồ Khe Sân (huyện Quỳnh Lưu), hồ Khe Dứa (huyện Nghĩa Đàn), hồ Kẻ Sặt, Đồn Húng (Yên Thành)… 20 hồ chứa còn lại, đến thời điểm này đã thi công hoàn thành các hạng mục vượt lũ, thi công xong phần tràn xả lũ, cống lấy nước, nhà điều hành, phấn đấu hết năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng.

Các hồ chứa thi công xong đã tích nước, chống lũ hiệu quả.

Cống Diễn Thành (Diễn Châu) giảm ngập cho huyện Yên Thành và Diễn Châu. Ảnh: Trân Châu

Đẩy nhanh tiến độ dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An

Tỉnh Nghệ An cũng đang tích cực đẩy nhanh tiến độ Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An xây dựng kênh mương tưới và tiêu thoát lũ. Dự án này được Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 1929/QĐ.BNN-TCTL ngày 14/8/2012 với tổng mức đầu tư trên 5.705 tỷ đồng, vay vốn ODA Nhật Bản (JICA). Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An làm chủ đầu tư hợp phần 1: Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An, tổng mức đầu tư hợp phần 1 là 5.205 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án bảo đảm tưới ổn định cho 27.656 ha đất nông nghiệp; tạo nguồn cấp nước cho công nghiệp 1,89m3/s và sinh hoạt 1,59m3/s (900.000 nhân khẩu) cho các huyện Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai. Cùng đó nâng cấp, mở rộng cống Diễn Thành để tiêu úng, giảm ngập cho 1.920 ha vùng trũng 2 huyện Yên Thành và Diễn Châu; tập trung nạo vét hệ thống kênh tiêu Vách Bắc giảm ngập úng…

Dự án triển khai theo dạng “cuốn chiếu” làm đến đâu sử dụng đến đó.

Hiện nhiều hạng mục đã hoàn thành (đạt trên 70% khối lượng toàn dự án); xây dựng xong hệ thống kênh mương chính, kênh mương nội đồng, hiện tại đang tập trung xây dựng đập chính Ba Ra - Đô Lương, kênh tưới Ba Ra Đô Lương, nạo vét hệ thống kênh tiêu Vách Bắc.

Cống ba ra Đô Lương. Ảnh: Trân Châu
Cống ba ra Đô Lương. Ảnh: Trân Châu

Dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An được giám sát chặt chẽ, đạt hiệu quả cao. Hệ thống kênh mương được kiên cố hóa đã chống thất thoát nước, đặc biệt là giảm tải gánh nặng nhu cầu cấp nước cho các loại cây trồng trong vùng hưởng lợi.

Đặc biệt là công trình cống Diễn Thành, Diễn Châu đưa vào sử dụng trong năm 2019 đã góp phần tích cực tiêu úng tốt. Cụ thể là đảm bảo tiêu cho lưu vực sông Bùng với diện tích 332,13 km2; ngăn mặn, giữ ngọt tạo nguồn cấp nước tưới cho 15.000 ha khu vực thượng lưu thuộc địa bàn hai huyện Diễn Châu và Yên Thành; ngăn mặn, tạo điều kiện để thâm canh khoảng 26.500 ha bị nhiễm mặn, đảm bảo giao thông thủy qua cống.

Đối với hệ thống đê, Nghệ An có tổng chiều dài là 493km, trong đó tuyến đê Tả Lam có chiều dài tuyến đê là 68,22 km, tuyến đê có nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và tài sản cho 1.023.613 người và 137.387 ha bao gồm các huyện Đô Lương, Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên và thành phố Vinh.

Trong nhiều năm qua, đê Tả Lam đã được Nghệ An lồng ghép các nguồn vốn để bồi trúc, tu bổ; thay thế các cống xung yếu; tu bổ và làm mới thêm nhiều hệ thống kè bảo vệ bờ, tôn cao, mở rộng đê, việc đầu tư hàng năm đã thu hẹp dần các đoạn đê xung yếu.

Như đã nâng cấp đê Tả Lam đoạn từ Nam Đàn đến Rào Đừng, huyện Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc và thành phố Vinh (tương ứng từ K55+000 đến K104+200) đã hoàn thành, cao trình đỉnh đê đảm bảo chống được mức nước lũ tương ứng tần suất 0,6%, mặt đê rộng 6m. Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến đê Tả Lam, huyện Thanh Chương từ K18+000 đến K25+546 đã thi công.

Hệ thống kênh tiêu Yên Thành được xây dựng bằng nguồn vốn vay JICA Nhật Bản. Ảnh: Văn Trường
Hệ thống kênh tiêu Yên Thành được xây dựng bằng nguồn vốn vay JICA Nhật Bản. Ảnh: Văn Trường

Sở đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án tích cực đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, thi công các công trình hồ chứa, kênh mương… đảm bảo đúng tiến độ. Hiện nay, hệ thống kênh tưới, kênh tiêu lớn, hồ chứa trên địa bàn tỉnh được đầu tư khá đồng bộ, vừa đáp ứng tưới và tiêu lũ, đảm bảo an toàn hồ chứa. Thời gian tới tỉnh tiếp tục thu hút các nguồn vốn của nước ngoài và đầu tư trong nước để tiếp tục hoàn thiện hệ thống thủy lợi.

Ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Văn Trường