Nghệ An: Sớm ổn định cuộc sống người dân sau lũ

Văn Trường 23/11/2020 08:54

(Baonghean.vn) - Sau ảnh hưởng hoàn lưu bão số 9, nhiều địa phương ở Nghệ An bị hư hỏng cơ sở hạ tầng giao thông nghiêm trọng, sạt lở đường, taluy, cuốn trôi cầu cống. Những ngày qua, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương và Nhân dân đã tiến hành khắc phục các sự cố giao thông, nỗ lực thông tuyến...

Các chiến sĩ thuộc Sư đoàn 324 Quân khu 4 giúp dân làm cầu tạm ở xã Thanh Mỹ, Thanh Chương. Ảnh: Phạm Thọ

Tại địa bàn huyện Thanh Chương, sau mưa lũ hạ tầng giao thông bị hư hỏng khá nặng, hiện tại đang được các lực lượng tích cực khắc phục. Tại Rú Nguộc xã Thanh Ngọc, khối lượng đất, đá tràn xuống lòng đường đã được máy móc thu dọn. Tuy nhiên từ đỉnh núi Rú Nguộc vẫn đang còn khá nhiều những tảng đá “treo” đang được công nhân, xử lý khoan, để chủ động đẩy xuống tránh hiểm họa cho người đi đường.

Thời điểm này xã Thanh Hương đã khắc phục được sạt lở 2 mố cầu Vườn Ươm và cầu Đội Sáu, san gạt xong các điểm sạt lở núi ở đường huyện lộ 533 đi đường mòn Hồ Chí Minh và đường vào xã Ngọc Lâm. Đặc biệt tại xã Thanh Mỹ, trong hệ thống cầu liên xóm bị lũ cuốn trôi, lực lượng bộ đội đã giúp dân làm xong cầu thôn Mỹ Sơn.

Cầu tạm ở thôn Mỹ Sơn, Thanh Mỹ, Thanh Chương được đóng bằng ván gỗ. Ảnh: Phạm Thọ

Ông Trần Phi Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thanh Chương cho biết: Sau mưa bão, huyện đã huy động tổng lực các lực lượng để khắc phục hư hỏng hạ tầng giao thông. Hiện nay các lực lượng bộ đội, công an trên địa bàn kết hợp với dân giúp các xã khắc phục giao thông, làm cầu tạm…Cơ bản các điểm giao thông hư hỏng ách yếu đều đã thông đường.

Sau đợt mưa, từ ngày 1/11 đến nay huyện Kỳ Sơn đã khắc phục được trên 20 điểm sạt lở ta luy dương (sạt lở núi). Tuy nhiên do mưa lớn, đồi núi ngấm nước nên hiện nay vẫn xảy ra sạt lở tại các xã Nậm Cắn, Mường Típ, Mường Ải, Bảo Nam, Huồi Tụ…

Ông Hờ Bá Chá - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Cắn cho biết: Sau mưa xã đã huy động được hàng trăm người dân khắc phục tạm xói lở đường giao thông. Đặc biệt tuyến đường vào bản Huồi Pốc sau mưa có 2 vị trí sạt lở đá rơi, có những hòn đá nặng hàng chục tấn. Xã đã huy động máy móc và kết hợp sức dân để lăn đá sang vệ đường đảm bảo an toàn giao thông.

Sau mưa bão, nhiều tuyến đường ở xã Tam Sơn, Anh Sơn đang được tu sửa. Ảnh: Văn Trường

Với huyện Anh Sơn, hiện nay chính quyền huyện chỉ đạo các lực lượng khắc phục xong các điểm sạt lở, dựng cầu tạm, đảm bảo thông đường.

Khắc phục giao thông ở xã Vĩnh Sơn, Anh Sơn. Ảnh: Văn Trường

Hiện tại ngành giao thông đang tập trung chỉ đạo 12 đơn vị có chức năng quản lý giao thông ở các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ tập trung khắc phục hậu quả mưa bão. Tiến hành sửa chữa các tuyến, đoạn đường bị bong mặt đường, sụt lún, hỏng nền đường và đắp nối các đoạn đường vị đứt ở các huyện Tương Dương, Anh Sơn, Quế Phong, Thanh Chương, trên các Tỉnh lộ 531, 532, 543, 544, 537A, 537B; Quốc lộ 7 B, Quốc lộ 48…

Sở cũng yêu cầu các đơn vị quản lý giao thông, Thanh tra giao thông khi có cảnh báo về thời tiết phải phân ca túc trực 24/24h ở các ngầm tràn, cầu yếu, đoạn - điểm đường nguy hiểm để ngăn chặn các xe không đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Theo báo cáo nhanh tình hình thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn tỉnh Nghệ An của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCTT& TKCN tỉnh Nghệ An, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 6 người chết và mất tích.

Cụ thể, 5 nạn nhân tử vong gồm: Nguyễn Trọng Huy (15 tuổi, trú xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn), Vy Bảo Tuấn (13 tuổi, trú xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn); chị Nguyễn Thị Đức (29 tuổi, trú tại xóm 12, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn), Phạm Văn Phúc (17 tuổi, trú tại xóm 7, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn) và cháu Lê Thị Thanh Tâm (8 tuổi, thôn 4, xã Tào Sơn, huyện Anh Sơn).

Có 2 người mất tích gồm: Nguyễn Văn Quảng (26 tuổi, trú thôn 1, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn), Trần Công Thế (25 tuổi, trú xã Thanh An, huyện Thanh Chương). Có 3 người bị thương, bao gồm 2 người ở Thanh Chương và 1 người ở Tân Kỳ.

Đồng thời, mưa lũ cũng khiến 14.551 ngôi nhà bị ngập, 4.447 hộ dân phải di dời do lụt ngập và sạt lở đất; 94 xóm bị ngập lụt, 27 xóm bị cô lập. Có 6 ngôi nhà của dân bị sập đổ, 84 nhà bị hỏng một phần, 803 ngôi nhà của dân bị ảnh hưởng sạt lở đất; 18 điểm trường bị ngập lụt, hư hỏng 12 phòng học, gần 1.400m tường rào nhà trường bị đổ sập.

Hơn 885 ha lúa và gần 10 nghìn ha ngô và rau màu các loại, gần 6.500 ha diện tích thủy sản của người dân bị ngập chìm trong nước lũ; gần 140 nghìn con gia cầm và gần 457 con gia sú bị lũ cuốn trôi.

Ngoài ra, mưa lũ cùng khiến cho hơn 44km kênh mương bị sạt lở; cuốn trôi 23 cầu tạm và gây sạt lở hơn 51km đường giao thông địa phương, hỏng 2 trạm biến áp và gãy đổ 92 cột điện. Bên cạnh đó, mưa lũ còn khiến cho 55 vị trí cả Quốc lộ và tỉnh lộ bị ngập lụt, ách tắc giao thông, trong đó Quốc lộ 37 vị trí và tỉnh lộ 18 vị trí.

Được biết, tại các vị trí ngập đã được bố trí rào chắn, biển báo, tổ chức trực gác 24h/24h đóng đường, cấm người, phương tiện qua lại, phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự, tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông.

Đến chiều ngày 01/11 còn 3 vị trí Quốc lộ bị ngập. Trong đó, Quốc lộ 48E gồm vị trí Km61+800 (tại xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, đang bị ngập 0,4m) và Km225+050 đến Km225+300 (tại xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc); Quốc lộ 46C tại Km107+200 đến Km108+900 ngập sâu 0,5m.

Ngoài ra, đợt mưa lũ cũng khiến cho 9 vị trí thuộc đường Quốc lộ và 9 vị trí đường Tỉnh lộ bị sạt lở. Trong đó, Quốc lộ 15A có 1 vị trí, Quốc lộ 16 có 6 vị trí, Quốc lộ 46 có 1 vị trí. Hiện, các điểm sạt lở Quốc lộ và Tỉnh lộ đang được khẩn trương khắc phục, xử lý để đảm bảo giao thông suốt.

Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 1.061 hồ đập, trong đó có 939 hồ đã đầy nước (hồ do địa phương quản lý là 882 và hồ do doanh nghiệp thủy lợi quản lý là 57 hồ đập). Hai hồ lớn là hồ Vự Mấu và hồ Sông Sào cũng đều đã đầy nước.

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình sạt lở núi tại Con Cuông và Đô Lương

Lãnh đạo tỉnh kiểm tra tình hình sạt lở núi tại Con Cuông và Đô Lương

(Baonghean.vn) - Kiểm tra thực tế sạt lở đất tại Con Cuông và Đô Lương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu cho rằng, trên địa bàn 2 huyện đều có những vùng đang bị cô lập, địa phương phải xem xét, đánh giá các điều kiện cụ thể, nếu cần thiết sẽ có sự hỗ trợ của Quân đội, tỉnh.

Văn Trường