Hàng chục tỷ trong vụ 'trùm đa cấp chân đất' đã đi đâu?

Hoàng Yến 09/11/2020 10:31

CQĐT xét thấy cần thu hồi tiền chiếm đoạt của bị hại trong vụ án mà các cá nhân đang chiếm giữ, hưởng lợi.


Hàng chục tỉ trong vụ 'trùm đa cấp có nghề làm ruộng' đi đâu?


Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án Nguyễn Thế Kiên (SN 1983 tại Bắc Giang, nghề nghiệp làm ruộng) cùng đồng phạm sang VKSND Tối cao đề nghị truy tố.

CQĐT đề nghị truy tố Nguyễn Thế Kiên, Nguyễn Hữu Trí, Lê Đình Nhân, Hà Thanh Hòa, Nguyễn Thị An và Vũ Vi Minh Trí về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (theo khoản 4 Điều 290 BLHS).

Theo hồ sơ Nguyễn Thế Kiên, Nguyễn Hữu Trí là người có nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực đa cấp, biết việc sử dụng mạng internet đưa thông tin gian dối không có thực để huy động các phương thức đa cấp là trái pháp luật. Nhưng để chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư, các đối tượng đã tổ chức phối hợp thành lập điều hành hoạt động Công ty TNHH đầu tư khoáng sản Hoàng Long.

Đáng chú ý trong vụ án, bị can Nguyễn Hữu Trí cho rằng ông Phạm Dũng Tiến là người đứng sau chỉ đạo toàn bộ hoạt động của công ty Hoàng Long nhưng việc bàn bạc chỉ đạo cụ thể như thế nào thì bị can này không biết.

Bị can Nhân (giám đốc, người đại diện theo pháp luật công ty Hoàng Long) khai hợp đồng ký ngày 19/9/2016 nhận chuyển nhượng 700.000 cổ phần tương ứng 35%, trị giá 40,6 tỉ đồng của ông Tiến tại Công ty CP khoáng sản An Vượng là hình thức nhằm trấn an nhà đầu tư để họ tin tưởng công ty Hoàng Long đang đầu tư dự án thật. Đồng thời thực hiện hợp thức hóa việc ông Tiến đã nhận tiền trước đó của công ty Hoàng Long để thực hiện hợp đồng hợp tác đầu tư theo các hợp đồng đã ký trước đó.

Ông Tiến thừa nhận có nhận của công ty Hoàng Long 23,6 tỉ đồng để thực hiện hợp đồng giữa hai công ty. Hợp đồng chỉ là thủ tục để đăng ký cho công ty Hoàng Long trở thành cổ đông của công ty An Vượng.

Ông không thừa nhận việc tham gia bàn bạc, chỉ đạo các bị can trong vụ án thành lập, điều hành hoạt động công ty Hoàng Long. Do công ty cần vốn để khai thác các dự án nên cho phép các nhân viên có quyền cung cấp cho các đối tác để nghiên cứu và tham gia đầu tư cùng thực hiện dự án.

Việc ai cung cấp hồ sơ các dự án cho công ty Hoàng Long để in trên catalogue, trình chiếu tại hội thảo... nhằm quảng bá lừa dối nhà đầu tư thì ông không biết. Khi CQĐT xác định số tiền mà ông Tiến đã nhận là số tiền chiếm đoạt của nhà đầu tư thì ông cam kết sẽ giao nộp lại cho CQĐT xử lý theo quy định pháp luật .

CQĐT kết luận tài liệu đến nay chưa có căn cứ vững chắc để xem xét trách nhiệm hình sự của ông Tiến. Bởi lẽ ngoài các lời khai trên, chưa có tài liệu, chứng cứ chứng minh ông tham gia bàn bạc chỉ đạo các bị can thành lập điều hành hoạt động công ty Hoàng Long. Việc ông Tiến nhận tiền của công ty Hoàng Long vào các dự án và chuyển nhượng cổ phần thuộc sở hữu tại công ty An Vượng là giao dịch dân sự.

Từ khi thành lập đến khi ngưng hoạt động, công ty Hoàng Long thu về gần 695 tỉ đồng. Số tiền Kiên và đồng phạm chi gốc, lãi, hoa hồng, thưởng cho nhà đầu tư là hơn 626 tỉ đồng và chiếm đoạt hơn 68,6 tỉ đồng. Trong đó chi lương và hoạt động công ty gần 10,6 tỉ đồng, các bị can hơn 33,7 tỉ đồng...

Về số tiền các bị can hưởng lợi bất chính khi thực hiện hành vi phạm tội mà có; tiền các cá nhân chiếm giữ, hưởng lợi như Phạm Dũng Tiến 23,6 tỉ đồng, Đỗ Doãn Năng 47 triệu đồng, Đồng Kim Dung 389,3 triệu đồng, CQĐT cho là có nguồn gốc là tiền chiếm đoạt của người bị hại (nhà đầu tư) xét thấy phải thu hồi.

Đối với số tiền của công ty Hoàng Long chi lương cho nhân viên, các hoạt động đều có nguồn gốc là tiền của nhà đầu tư. Nhưng đây là các khoản chi thực tế người thụ hưởng đã thực hiện xong công việc với công ty không biết nguồn gốc là tiền của nhà đầu tư bị chiếm đoạt nên cần xem xét là không thu hồi số tiền này.


Hoàng Yến