Khánh thành bức tượng Nhà Chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu ở Nghệ An

Công Kiên 14/11/2020 11:00

(Baonghean.vn) - Sáng 14/11, tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt - Khu lưu niệm Phan Bội Châu (huyện Nam Đàn), Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức Lễ tưởng niệm nhân lần giỗ thứ 80 và khánh thành Tượng đài Nhà Chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu.

Dự lễ có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Kim Chi - Bí thư Thị ủy Cửa Lò.

Các đồng chí trong BCH Đảng bộ tỉnh: Trần Thị Mỹ Hạnh -Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Phạm Thị Hồng Toan -Tổng Biên tập Báo Nghệ An; Nguyễn Thị Hồng Hoa - Bí thư Huyện ủy Nam Đàn.

Cùng dự có đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh, lãnh đạo Trường Chuyên Phan Bội Châu và Hội cựu học sinh của trường; lãnh đạo huyện Nam Đàn, đại diện dòng họ Phan và bà con nhân dân xã Xuân Hòa và thị trấn Nam Đàn.

Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế - nơi cụ Phan Bội Châu sinh sống những năm tháng cuối đời có đồng chí Phan Thanh Hải - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.

Ảnh: Công Kiên
Các đại biểu dâng hương tưởng niệm nhân dịp lễ giỗ lần thứ 80 của Nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu. Ảnh: Công Kiên

Người khởi xướng phong trào Đông Du

Tại buổi lễ, đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao đã ôn lại tiểu sử, cuộc đời, quá trình hoạt động, sự nghiệp đấu tranh và quá trình xây dựng Tượng đài Nhà Chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu (1867 - (1940). Trong đó khẳng định gần ba mươi năm hoạt động cách mạng, cụ Phan đã đi nhiều nơi để học hỏi và phát động nhiều phong trào yêu nước.

Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Công Kiên
Quang cảnh buổi lễ. Ảnh: Công Kiên

Nổi bật và để lại nhiều dấu ấn sâu sắc nhất là phong trào Đông Du, thực hiện mục đích kêu gọi thanh niên Việt Nam sang Nhật Bản học tập, chuẩn bị lực lượng, chờ thời cơ giành lại độc lập cho đất nước. Đặc biệt, từ năm 1907-1908, phong trào Đông Du phát triển mạnh mẽ với trên 200 lưu học sinh học tập tại Nhật, nhiều người sau này đã trở thành yếu nhân của cách mạng Việt Nam.

Ảnh: Công Kiên
Đồng chí Trần Thị Mỹ Hạnh - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao ôn lại tiểu sử và quá trình xây dựng tượng Nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu. Ảnh: Công Kiên

Ngày 30/6/1925, Cụ Phan bị thực dân Pháp bắt ở Thượng Hải (Trung Quốc) rồi giải về nước, đem xử ở tòa Đề hình Hà Nội, rồi đưa về an trí ở Huế. Sáng ngày 29/10/1940 tức ngày 29/9 năm Canh Thìn cụ trút hơi thở cuối cùng tại căn nhà tranh ở dốc Bến Ngự (thành phố Huế).

Ngoài những hoạt động cống hiến cho sự nghiệp cứu nước, di sản thơ ca của Cụ để lại cho đời là một khối lượng khổng lồ với hàng nghìn trước tác, thể hiện một tấm lòng kiên trinh với đất nước, một nhân cách cao đẹp, một phong cách tư duy nhạy bén, mẫn tiệp.

“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước

Để tri ân những cống hiến của chí sỹ Phan Bội Châu và giáo dục truyền thống yêu nước, Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt năm 2016. Cùng với việc được nâng hạng, Khu lưu niệm còn được tỉnh quan tâm đầu tư, chỉnh trang khuôn viên, xứng tầm với công lao to lớn của cụ, trong đó, xây dựng tượng đài là một hạng mục quan trọng.

Ảnh: Công Kiên
Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phan Bội Châu là tấm gương sáng để hậu thế noi theo. Ảnh: Công Kiên

Sau một năm tổ chức triển khai xây dựng tượngchí sỹ yêu nước Phan Bội Châu đã hoàn thành và tổ chức Lễ an vị tượng thành kính, trang nghiêm. Điều này thể hiện niềm tri ân và tôn vinh công lao to lớn của cụ Phan với quê hương, đất nước. Đồng thời, giới thiệu đến nhân dân và du khách thập phương một tác phẩm nghệ thuật, thể hiện ý chí và sức mạnh tinh thần, khí phách anh hùng, bất khuất của chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu.

Ảnh: Công Kiên
Lãnh đạo tỉnh, huyện Nam Đàn và con cháu dòng họ Phan tặng hoa kỷ niệm cho đại diện Hội Cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu vì có nhiều đóng góp cho việc xây dựng Khu lưu niệm Phan Bội Châu. Ảnh: Công Kiên

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hường - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy khẳng định cuộc đời và sự nghiệp của cụ Phan Bội Châu là tấm gương sáng để hậu thế noi theo và tự giác phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, kiên trì học tập, đặt lợi ích của dân tộc và nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc. Vì thế, cần tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về tinh thần đoàn kết, hướng về cội nguồn, tri ân sâu sắc bậc tiền nhân.

Ảnh: Công Kiên
Các đại biểu kéo băng khánh thành tượng Nhà Chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu. Ảnh: Công Kiên
Ảnh: Công Kiên
Các đại biểu dâng hương trước bức tượng Nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu. Ảnh: Công Kiên

Nhân dịp này, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đề nghị Sở Văn hóa và Thể thao, huyện Nam Đàn, các sở, ban, ngành liên quan, dòng họ Phan cùng các tầng lớp nhân dân tiếp tục có những đóng góp để xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Phan Bội Châu ngày càng khang trang. Quan tâm công tác bảo tồn, tôn tạo, tiếp tục phát huy giá trị di tích, tổ chức khai thác du lịch - văn hóa để nơi đây trở thành địa điểm hấp dẫn, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước…

Công Kiên